Mối lo nhân lực sụt giảm trong khi già hóa tăng lên
Nói về những tác động của mức sinh thấp đến sự phát triereenr kinh tế - xã hội, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam chia sẻ: Những năm 90 trở về trước Việt Nam có mức sinh cao, gia đình đông con, phụ nữ và xã hội phải dành rất nhiều thời gian để chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Mức sinh quá cao là sự cản trở rất lớn về sự phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì thế trong những năm vừa qua Việt Nam đã có những chính sách rất quyết liệt để mức sinh giảm xuống.
Ngược lại, mức sinh thấp, các gia đình có ít con, thậm chí dưới 2 con có nhiều điều kiện, thời gian, thu nhập trung bình sẽ cao hơn, đầu tư cho việc học hành và sự nghiệp sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh "về lâu dài thì mức sinh thấp lại có tác động tiêu cực, bởi mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số quá nhanh, tỷ lệ lao động trong tương lai sẽ giảm sút và tỷ lệ người già sẽ tăng". Rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội sẽ phát sinh, thiếu lực lượng lao động, không có nguồn lực chăm sóc người cao tuổi, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.
Theo chuyên gia, đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Tây Âu... Mức sinh giảm trong thời gian kéo dài dẫn đến nhiều nước thiếu nguồn lực lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đáng kể trong những năm qua.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh cũng nhấn mạnh sự khác biết là: Hầu hết những nước này khi mức sinh mới giảm, họ đã trở thành nước phát triển nên họ có sự tích lũy, nên hậu quả không nặng nề lắm. "Trong khi đó, Việt Nam chưa thành nước công nghiệp phát triển nhưng dân số đã già nên sẽ để lại hậu quả nặng nề về phát triển kinh tế, xã hội", PGS.TS Nguyễn Đức Vinh nói.
Trao đổi về vấn đề này, ThS Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho biết: Báo cáo số liệu dân số thế giới năm 2021 của Văn phòng Tham chiếu dân số (Hoa Kỳ) công bố cho thấy, suốt 30 năm qua (1990-2020), trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì chỉ 3 quốc gia và vùng lãnh thổ: Monaco tăng từ 1,1 con lên 1,5 con; Đức là tăng từ 1,3 con lên 1,5 con; Slovenia từ 1,5 lên 1,6 con. Sáu quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn giữ nguyên là Pháp (1,8), Đan Mạch (1,7), Bỉ, Hà Lan (1,6) và Thụy Sỹ, Channel Islands (1,5). Như vậy, chỉ khoảng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có giữ nguyên hoặc tăng nhưng vẫn đều là mức sinh thấp.
Như vậy, có tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đều có mức sinh giảm, bao gồm kể cả những quốc gia không can thiệp vào mức sinh hay có chính sách tăng sinh. Đó là thực tiễn 30 năm qua còn tương lai thì sao?
Các nhà nhân khẩu học của Liên hợp quốc cũng dự báo xu hướng mức sinh toàn thế giới đi xuống (phương án trung bình), bất kể khu vực, châu lục nào. Sự gia tăng nào đó chỉ mang tính "đột biến" trong quỹ đạo mức sinh chung của cả hành tinh hơn 7 tỷ người này.
Thiếu hụt lao động và mối lo "chưa giàu đã già"
Nghiên cứu về mức sinh thấp trên thế giới, ThS Lương Quang Đảng chia sẻ: Không một quốc gia và vùng lãnh thổ nào áp dụng một chính sách (tăng sinh) đơn nhất hoặc cho rằng chính sách đó là ưu việt mà phải có nhiều chính sách và tất cả các chính sách đều liên kết với nhau theo hướng khuyến khích kết hôn, hỗ trợ mang thai, sinh con, nuôi con, hỗ trợ cha mẹ, ông bà, môi trường gia đình, xã hội, nhà trường, nơi làm việc thân thiện, bình đẳng và chính sách nhập cư. Hầu như tất cả các biện pháp, chính sách can thiệp đối với mức sinh thấp đều chưa có kết quả tích cực như mong đợi. Nguyên nhân của sự thất bại chính sách cũng khó có câu trả lời rốt ráo và nhiều chính sách được lặp lại tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các quốc gia không nên hoặc không đưa ra chính sách can thiệp và thực thi những chính sách đó.
Về hiện trạng nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hay các nước ở châu Âu do mức sinh thấp nên đang gặp nhiều thách thức trong vấn đề già hoá dân số, nhân lực lao động. ThS Lương Quang Đảng phân tích: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Châu Âu, Bắc Mỹ, một số quốc gia châu Úc nữa đều đối diện với vấn đề mức sinh thấp và dân số già. Đó như là cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả.
Trong chương trình giao lưu trực tuyến "Mức sinh thấp, hệ lụy và giải pháp" trên trang điện tử Giadinh.net.vn, ThS Lương Quang Đảng đã phân tích về hệ lụy của mức sinh thấp ở các nước trên: "Thiếu hụt nguồn nhân lực thì vấn đề dân số già lại làm gia tăng nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Điều đó càng làm cho những thị trường này "khát" lao động hơn".
Theo đó, một Nhật Bản "siêu già" điển hình trên thế giới, một châu Âu "già nua" chật vật vực mức sinh không thành công, một Hàn Quốc chưa vội mừng đạt mức sinh thay thế đã rớt xuống mức sinh thấp ngay sau hai năm.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức là những thị trường mà di cư lao động của nước ta đến nhiều nhất so với các thị trường khác. Bản thân những thị trường này cũng phải cạnh tranh với nhau về chính sách tiền lương, bảo hiểm, y tế, nhà ở và những ưu đãi khác để thu hút lao động. Ví dụ như Nhật Bản đã phải thay đổi chính sách visa để hút được nhiều lao động nước ngoài đến hơn.
"Điểm chung là họ đều là những quốc gia phát triển, đất nước giàu có khi đối diện với vấn đề già hóa dân số, dân số già, họ có tiềm lực kinh tế, kinh tế tri thức để thu hút lao động nước ngoài còn chúng ta và nhiều nước đang phát triển khác thì chưa giàu đã già. Đó là khác biệt và thách thức cũng nhiều hơn!" - ThS Lương Quang Đảng nhấn mạnh.