29/07/2021 10:28
Những năm gần đây, mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những vấn đề đáng lo ngại trong công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở tỉnh Đắk Lắk. Tuy vậy, bằng sự chung tay nỗ lực của các cấp, các ngành với những hoạt động cụ thể đã từng bước nâng cáo ý thức của người dân, góp phần kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ dân số tư vấn cho người dân không lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo quy luật phát triển tự nhiên, tỷ số giới tính khi sinh được xem là bình thường khi dao động ở mức 103-107 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, tại tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra khá nghiêm trọng luôn dao động ở mức 108-110 bé trai/100 bé gái. Trong đó, một số địa phương hàng năm có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh luôn ở mức cao như: Krông Búk, Buôn Đôn, Ea Hleo, Ea Súp, Krông Năng, Ea Kar, Thị xã Buôn Hồ và Thành Phố Buôn Ma Thuột. Tính riêng năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 27.100 em bé được sinh ra, trong đó bé trai là trên 14.100 trẻ, còn bé gái là 13.000 trẻ. Tình trạng chênh lệc giới tính xảy ra ở 9/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo như tâm sự của vợ chồng anh Phùn Tắc Thím và chị Chíu Nhì Múi ở xã xã Ea Tir, huyện Ea H’leo thì họ luôn mong muốn phải có con trai và càng nhiều con trai càng tốt để nối dõi dòng họ và trông cậy khi về già. Do đó, sau khi sinh được 3 người con gồm 2 gái và 1 trai, họ vẫn tiếp tục sinh đến người con thứ 6. Cũng từ đó, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn đè nặng trên đôi vai vợ chồng họ. Hàng ngày chị Múi chỉ ở nhà nội trợ và chăm con, còn anh Thím thường xuyên đi làm thuê để lo 8 miệng ăn trong gia đình.
Trong thời điểm bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều cặp vợ chồng sau khi sinh được 2 người con gái đã ý thức thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, dưới áp lực của gia đình, nhất là bố mẹ bên chồng, họ buộc phải tiếp tục sinh để kiếm bằng được người con trai nối dõi. Bởi thế, những người phụ nữ như vậy lại phải trải qua những ngày tháng mang nặng đẻ đau, thậm chí dễ dẫn đến trầm cảm và tự ti trong cuộc sống.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Đắk Lắk như do việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh và áp dụng một số kỹ thuật sau khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính thai nhi, kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính. Trong khi đó, Pháp lệnh Dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm.
Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở tỉnh Đắk Lắk cũng chưa phát triển. Ở các khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, họ cần sự chăm sóc về y tế. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái, mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Người già vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai.
Bên cạnh đó, những chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới chưa thật thỏa đáng cũng góp phần thúc đẩy một số phụ nữ chủ động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. Những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con” cũng tạo áp lực giảm sinh. Trong khi đó, các cặp vợ chồng vừa mong muốn có ít con, lại mong muốn phải có con trai.
Nguyên nhân cơ bản nhất đó là do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong đời sống của người dân. Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu trong tâm thức nhiều người và trở thành một phần của nền văn hoá truyền thống. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo các nghiên cứu về dân số, trong khoảng 30 năm tới, Việt Nam có khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không thể lấy được vợ là hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. Điều này sẽ không chỉ làm thay đổi cấu trúc dân số, phá vỡ cấu trúc gia đình mà còn kéo theo những hệ lụy về an ninh trật tự, bạo hành gia đình, một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như giáo viên mầm non, hộ lý, y tá…Việc đàn ông sẽ khó hoặc không thể lấy được vợ vì thiếu hụt phụ nữ sẽ kéo theo tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, bạo lực tình dục gia tăng gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững ổn định của đất nước.
Tp Buôn Ma Thuột tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Trước thực trạng đó, để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã Ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 – 2025” với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên 103-107 bé trai/100 bé gái, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, 14/15 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện các hoạt động của Đề án và đề ra mục tiêu cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thực hiện mục tiêu khống chế hiệu quả tốc tộ tăng tỷ số giới tính khi sinh, ngay từ đầu năm 2021, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình cũng như các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt lồng ghép, vận động trực tiếp tại hộ gia đình... Trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tổ chức được 27 lớp tập huấn về phương pháp và kỹ năng truyền thông vận động trực tiếp về mất cân bằng giới tính khi sinh; 41 buổi sinh hoạt lồng ghép về bình đẳng giới; 95 buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề nhằm giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh-truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu và cung cấp hàng nghìn tờ rơi về kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới.
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Dân số-KHHGĐ, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 12.600 em bé được sinh ra, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái (nằm ở mức cân bằng tự nhiên). Có thể nói, kết quả trên là một tín hiệu khả quan trong công tác Dân số nói chung và việc thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng. Tuy vậy, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến Đề án này. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác truyền thông, vận động trực tiếp; nguồn lực về con người và kinh phí chưa đáp ứng được nhu cầu; ngành chức năng chưa thể tổ chức cho các đơn vị ký cam kết không tiết lộ giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm nhiều đến công tác Dân số-KHHGĐ.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác