Đây là mục tiêu mà dự án Phản ứng nhanh với đại dịch COVID-19 thông qua cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản theo cơ chế mới (RESPOND) đặt ra, được nêu tại lễ khởi động ngày 30/3, tại Thái Nguyên.
RESPOND được thực hiện từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2023. Chương trình do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tài trợ cho MSI Reproductive Choices Việt Nam (MSV).
Theo kế hoạch, công nhân nhà máy tại 4 tỉnh/thành gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương cùng phụ nữ nông thôn 7 tỉnh Hậu Giang, Bình Phước, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Sơn La và Lào Cai sẽ được thụ hưởng những hoạt động trong dự án này.
Dự án được xây dựng với mục tiêu góp phần giảm tác động của đại dịch COVID-19 đối với nữ công nhân và phụ nữ nông thôn thông qua các can thiệp đổi mới, chú trọng vào những nhu cầu đặc biệt của họ và các nạn nhân của tình trạng bất bình đẳng giới. Đây là những người yếu thế khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS thiết yếu do thiếu hụt nguồn cung và khả năng tiếp cận.
Đại diện RESPOND cho hay dự kiến sẽ có ít nhất 250.000 phụ nữ trong nhóm đối tượng đích của Dự án được tiếp cận thông tin SKSS, bình đẳng giới và tầm quan trọng của việc tìm kiếm các dịch vụ thiết yếu kịp thời thông qua các nền tảng kĩ thuật số và các kênh truyền thông xã hội.
Ngoài ra, tổ chức cung ứng các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ thiết yếu cho công nhân và phụ nữ nông thôn tại những khu vực dễ tiếp cận nhất, với sự trợ giá một phần từ nguồn tài trợ của Chính phủ Úc và tổ chức MSV. Mục tiêu là gần 45.000 phụ nữ sẽ được tiếp cận với các dịch vụ mà họ cần.
Cùng đó, ít nhất 220 cán bộ y tế công lập, ngoài công lập và cán bộ y tế nhà máy sẽ được đào tạo và nâng cao năng lực để cung ứng dich vụ tư vấn và các dịch vụ lâm sàng thiết yếu cho nữ công nhân và phụ nữ vùng nông thôn tại địa bàn thực hiện dự án.
Trong một nghiên cứu của MSV, do điều kiện làm việc kém, như làm trong môi trường nóng nhiều giờ liền, mặc quần áo bó, không có điều kiện tiếp cận các sản phẩm vệ sinh (đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt) và giờ nghỉ đi vệ sinh ngắn khiến 68% công nhân mắc viêm nhiễm phụ khoa. Chỉ có 50% trường hợp chẩn đoán có bệnh tiếp tục điều trị; số còn lại không làm gì cả, dẫn đến nguy cơ lây bệnh sang bạn tình.
Cùng đó, nữ công nhân cũng thiếu kiến thức về sức khoẻ sinh sản (SKSS), sức khoẻ tình dục và kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ), khiến tỷ lệ sử dụng các biện pháp KHHGĐ thấp. Họ mong muốn được nhận dịch vụ khám sản phụ khoa định kỳ hay được tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ trong nhà máy.