16/10/2022 01:56
Đây là chủ đề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam diễn ra vào 15/10. Tại đây nhiều vấn đề nóng liên quan đến nữ giới đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành đối thoại với đại diện phụ nữ cả nước.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hơn 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm tại Hà Nội và trên 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ doanh nhân, nữ trí thức, phụ nữ lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia tại các điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, nhiều chương trình, chính sách, đề án đã được Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ đã luôn nỗ lực không ngừng, tích cực học tập, lao động, khẳng định vai trò quan trọng của giới mình đối với sự phát triển của đất nước.
Công tác phụ nữ và bình đẳng giới luôn được quan tâm, đạt được những thành tựu quan trọng, đó là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây, hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia ; tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số kết quả tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng 58 nước, xếp thứ 2 trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu ; lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023; phụ nữ lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Tại chương trình, Thủ tướng Chính Phủ và các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành đã đối thoại với đại diện phụ nữ cả nước với 3 nhóm vấn đề lớn như sau:
* Một là, các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế như cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ ươm tạo công nghệ; có giải pháp để phụ nữ tiếp cận được nguồn vốn vay hợp pháp, hợp lý, trong đó mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức Tài chính vi mô.
* Hai là, các vấn đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới như: giải pháp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn; trong hỗ trợ tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ; các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ; những giải pháp, cơ chế đặc thù cho cán bộ Hội cơ sở.
* Ba là, các vấn đề liên quan đến môi trường sống an toàn và phát triển toàn diện cho trẻ em, như chính sách thai sản nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai và sinh con; chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thể cấp quốc gia; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm trẻ gia đình); tạo điều kiện để phụ nữ di cư trở về nhanh chóng tái hòa nhập, ổn định cuộc sống; quản lý hiệu quả thông tin chia sẻ trên mạng xã hội.
Phát biểu tại hội nghị đối thoại, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các bà, các mẹ, các chị, các em, các cháu gái trong cả nước nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Thủ tướng khẳng định phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng tỏa sáng phẩm chất "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" như tám chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước luôn quan tâm nhất quán là đảm bảo sự bình đẳng trên tất cả lĩnh vực. Theo đó, nhiều chính sách quan trọng được ban hành, giúp cải cách chính sách về bình đẳng giới, các dự án phụ nữ khởi nghiệp… góp phần tăng cường vai trò và vị trí của phụ nữ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm, vì định kiến về giới, nhận thức thực hiện bình đẳng giới một số nơi còn hạn chế, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả. Nhiều phụ nữ còn khó khăn, chị em làm việc khu vực phi chính thức còn đối diện với rủi ro, chăm sóc sức khỏe chưa hoàn thiện…
Với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần rà soát các chính sách bình đẳng giới, quyền lợi cho phụ nữ ở mọi lĩnh vực, tháo gỡ về trình tự, thủ tục… Chính phủ sẽ nghiên cứu chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, như lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học... Trong đó, các bộ ngành cần tập trung chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hệ thống doanh nghiệp, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe; xây dựng chương trình giáo dục làm cha mẹ, đủ chỗ học an toàn cho trẻ em; hỗ trợ thương hiệu, chất lượng với sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP…
Phương Thuận
nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác