Sáng 2/12, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tổ chức Di cư Quốc tế và Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe người di cư Việt Nam tổ chức Cuộc họp bàn tròn về Di cư an toàn và khỏe mạnh trong bối cảnh COVID-19 bình thường mới.
Phát biểu khai mạc Cuộc họp, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động lớn trên toàn cầu trong đó có di cư. Những hạn chế đi lại giữa các châu lục, quốc gia và nội địa đã tác động lớn đến không chỉ di cư mà còn sinh kế, việc làm, thu nhập, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...
Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Doãn Tú, dân số Việt Nam hiện nay là hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN. Việt Nam sẽ đón chào công dân thứ 100 triệu vào năm 2023. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), chiếm 68% tổng dân số.
Với quy mô dân số lớn 100 triệu dân, đồng nghĩa với việc Việt Nam là một thị trường lớn với 100 triệu khách hàng, đủ hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, với vị trí đắc địa về địa chính trị, môi trường chính trị ổn định, dân số trong độ tuổi lao động lớn, con người Việt Nam cần cù, chịu khó, ham học hỏi... lại càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.
Chính những điều này cũng tác động lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam. Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.
Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho biết thêm, nước ta đã từng bước khống chế thành công đại dịch COVID-19. Hiện nay, Việt Nam vẫn tuân thủ các quy định phòng tránh dịch nhưng việc mở cửa giao thương, đi lại không còn bị hạn chế. Điều này tạo động lực rất lớn cho sự phục hồi kinh tế đất nước.
Việt Nam được xem như là một hình mẫu trên thế giới về mở cửa, phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất trên thế giới.
Sự linh hoạt chính sách trong bối cảnh tình hình mới của đại dịch COVID-19 cũng có những tác động nhất định đối với các dòng di cư của Việt Nam bao gồm cả di cư nội địa và di cư quốc tế, bao gồm cả đi và đến.
Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến di cư như: Tổng quan về di cư quốc tế của Việt Nam trong tình hình mới; tình hình người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; cập nhật việc thực hiện kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư của Việt Nam của Bộ Y tế; sức khỏe người di cư và sức khỏe nghề nghiệp...
Các bài trình bày, các ý kiến thảo luận cho thấy, số lượng người di cư đã bị sụt giảm trong giai đoạn COVID-19 xảy ra, nhất là di cư quốc tế. Đặc biệt là một số thị trường chưa mở cửa để tiếp tục nhận người Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng. Hay nói cách khác, COVID-19 đã làm chững lại các dòng di cư.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, xu hướng di cư sẽ ngày càng tăng lên. Các thị trường quốc tế sẽ ngày càng mở, sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ ngày càng tốt hơn. Điều đó sẽ khuyến khích phục hồi di cư và di cư sẽ ngày càng tăng.
Thông qua thảo luận, các chuyên gia nhận định, di cư an toàn, khỏe mạnh không chỉ là sự quan tâm của cá nhân người di cư mà là sự quan tâm chung của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp và của cả cộng đồng xã hội. Những gì đã xảy ra trong đại dịch COVID-19 đã cho thấy điều đó, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào, khu vực nào trên thế giới.
Trong những tình huống y tế công cộng khẩn cấp như đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng, bất cứ cá nhân nào cũng cần được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế mà không phụ thuộc vào tình trạng di cư, tình trạng cư trú của cá nhân đó. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương, vì vậy, cách tiếp cận cũng cần được phù hợp hơn, thân thiện hơn.