21/12/2022 03:54
Việc chuẩn bị kiến thức trước khi kết hôn sẽ khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi, hiểu rõ được những đặc tính của giới và tránh lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục. Giúp bạn biết cách chủ động kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số con mong muốn...
Tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước hôn nhân
Trao đổi tầm quan trọng về vấn đến khám sức khỏe trước hôn nhân của người dân, đặc biệt là của các bạn trẻ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ông Lê Bá Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm bắt buộc. Bởi đây là một việc làm mang lợi ích lớn, không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng mà còn cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống, hôn nhân của các cặp vợ chồng trong tương lai.
Đây là việc rất cần thiết giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của các con sau này.
Việc khám sức khỏe trước hôn nhân không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ của mình. Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bạn sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà trước đó bạn chưa có kinh nghiệm. Bạn được tư vấn để chuẩn bị mang thai, sinh đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Dự phòng được các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe mang thai và sinh đẻ an toàn, tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục, tránh gặp phải những bệnh liên quan đén cơ quan sinh sản. Bên cạnh đó, có thể phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống tình dục vợ chồng sẽ khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc, không thỏa mãn hay nghi ngờ lẫn nhau, hiểu rõ được những đặc tính của giới và tránh lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục. Giúp bạn biết cách chủ động kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số con mong muốn.
Thanh Hóa mục tiêu đến năm 2025 đạt 70% tỷ lệ nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70%. Hoạt động tư vấn tiền hôn nhân đã triển khai tại 200 xã/18 huyện, thị, thành phố. Đã thành lập được 200 CLB tư vấn tiền hôn nhân, để nhằm tuyên truyền tư vấn cho các nam, nữ nhận thức cao về việc khám sức khỏe trước kết hôn.
Những hệ lụy nếu không tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh
Theo ThS.BS Phạm Hồng Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, mục đích của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Thực trạng về tỷ lệ mắc các bệnh tật bẩm sinh di truyền, chuyển hóa của thế giới cũng như tại Việt Nam trong thời gian qua. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Như vậy, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời mắc phải các dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó có từ 2 – 3% bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh như: mắc hội chứng Down (chậm phát triển trí tuệ); dị tật ống thần kinh; thiếu men G6PD; tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; thalassemia (tan máu bẩm sinh)... Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giống nòi cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
Như vậy, nếu thai phụ được sàng lọc trước sinh kết hợp vớí sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh. Đáng lưu ý, mỗi năm có khoảng 1.400-1.800 trẻ mắc hội chứng Down, khoảng 250 trẻ mắc hội chứng Edwards, có 1.000-1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 300-400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh, đặc biệt có khoảng 15.000-30.000 trẻ bị thiếu men G6PD, có khoảng 2.200 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh…
Theo tính toán hiệu quả đầu tư của hoạt động sàng lọc sơ sinh là 5,7 nghĩa là cứ 1 đồng chi cho hoạt động sàng lọc sơ sinh, xã hội sẽ tiết kiệm được 5,7 đồng chi phí nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ dị tật, tàn tật.
Ước tính chi phí điều trị Thalassemia trung bình cho 1 bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Hiện nay, theo thống kê không đầy đủ đang có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh và có trên 20.000 bệnh nhân thể nặng cần điều trị cả đời. Mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả các bệnh nhân được điều trị tối thiểu và cần khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.
M.H (th)
giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác