22/05/2024 08:24
Mang thai không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đối với nhiều cặp vợ chồng không có khả năng mang thai tự nhiên, việc thụ thai cần thêm một số công sức và sự can thiệp của y tế là thụ tinh nhân tạo trong tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thụ tinh nhân tạo trong tử cung (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là hai phương pháp điều trị sinh sản nhân tạo để giúp mang thai khi không có khả năng mang thai tự nhiên.
Trong quá trình IUI, tinh trùng được tiêm trực tiếp vào buồng tử cung của phụ nữ. Còn IVF là một công nghệ sinh sản gồm nhiều bước bao gồm kích thích, lấy trứng, thụ tinh trong phòng thí nghiệm và chuyển giao.
1. Thụ tinh nhân tạo trong tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Nếu phụ nữ đang gặp khó khăn trong việc mang thai một cách tự nhiên, các bác sĩ sản khoa hiếm muộn có thể đề xuất làm IUI hoặc IVF.
Thụ tinh nhân tạo (trong tử cung) là gì?
Trong quá trình thụ tinh trong tử cung, tinh trùng được đặt trực tiếp vào buồng tử cung của phụ nữ, giúp giảm khoảng cách tinh trùng phải di chuyển và tạo cơ hội tiếp cận trứng tốt hơn. Đối với IUI, mẫu tinh dịch được rửa để tách tinh trùng ra khỏi tinh dịch và sau đó toàn bộ mẫu tinh trùng được tiêm trực tiếp vào buồng tử cung. Điều này làm tăng đáng kể số lượng tinh trùng trong tử cung so với giao hợp truyền thống.
Thủ tục đơn giản tại phòng khám được thực hiện một ngày sau khi rụng trứng tăng đột biến và thường chỉ mất 5 đến 10 phút để thực hiện. Bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt để xác định vị trí cổ tử cung và sau đó đưa một ống thông mỏng vào tử cung, sử dụng nó để tiêm mẫu tinh trùng.
IUI đôi khi được kết hợp với kích thích rụng trứng, trong đó phụ nữ dùng thuốc để kích thích sự phát triển và giải phóng trứng. Điều này có thể làm tăng khả năng thụ thai ở một số phụ nữ.
Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm là cách cho trứng và tinh trùng kết hợp ở ngoài cơ thể. Phôi thai được tạo thành sau khi trứng và tinh trùng kết hợp thành công sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ. Phôi sau đó làm tổ, phát triển thành thai nhi như trong các trường hợp thụ thai tự nhiên.
Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là kỹ thuật đặc biệt giúp tinh trùng và trứng kết hợp với nhau trong môi trường phòng thí nghiệm. Tinh trùng sau khi được lọc rửa, sẽ được cấy chung với trứng trong đĩa môi trường và để ủ trong tủ. Tinh trùng có thể đi xuyên vào trứng và xảy ra quá trình thụ tinh chỉ trong vài giờ đầu. Trong kỹ thuật này, trứng và tinh trùng gặp nhau, kết hợp với nhau một cách tự nhiên để tạo thành phôi.
2. Lợi ích của thụ tinh nhân tạo trong tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm
IUI và IVF đều có những vai trò riêng trong việc điều trị vô sinh.
IUI và IVF - yếu tố nào phù hợp?
Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách kiểm tra các nguyên nhân gây vô sinh, bao gồm (nhưng không giới hạn) rụng trứng không đều, tinh trùng bất thường, ống dẫn trứng bị tắc và lạc nội mạc tử cung. Họ cũng sẽ xem xét độ tuổi của phụ nữ, tình trạng sức khỏe đã biết, lịch sử sức khỏe cá nhân và lịch sử sức khỏe gia đình để đưa ra khuyến nghị tùy chỉnh theo nhu cầu.
Khi nào nên thực hiện IUI đầu tiên?
Bác sĩ có thể đề nghị IUI nếu bị vô sinh không rõ nguyên nhân (có nghĩa là không thể xác định được nguyên nhân) hoặc chồng/người đàn ông bị vô sinh nhẹ do yếu tố nam.
IUI ít tốn kém hơn IVF và cũng là một thủ tục ít xâm lấn hơn, đó là lý do tại sao phương pháp này thường được khuyến nghị là bước đầu tiên.
Khi nào nên thực hiện IVF?
Nếu trải qua ba hoặc bốn đợt IUI không thành công, bác sĩ sẽ tư vấn chuyển sang IUI. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên nên bỏ qua IUI và chuyển thẳng sang IVF nếu người phụ nữ hoặc người chồng/người đàn ông mắc một trong các tình trạng như:
-
Vô sinh nặng do yếu tố nam.
-
Ống dẫn trứng bị tắc không thể điều trị bằng phẫu thuật.
-
Sảy thai nhiều lần.
-
Lạc nội mạc tử cung.
Các chuyên gia sản khoa lưu ý, tuổi tác và mong muốn về quy mô gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tư vấn về IUI trước tiên so với IVF thẳng.
3. IUI hay IVF - phương pháp nào hiệu quả, thành công hơn?
Việc trải qua các phương pháp điều trị vô sinh không phải là sự đảm bảo chắc chắn cho việc có con nhưng nó làm tăng cơ hội mang thai. Mặc dù về mặt kỹ thuật IVF có tỷ lệ thành công cao hơn IUI nhưng không hoàn toàn đơn giản như vậy. Tỷ lệ thành công còn phụ thuộc vào các đặc điểm cụ thể của cơ thể.
Tỷ lệ thành công IUI
Với mỗi lần thử hàng tháng, tỷ lệ thành công của từng cá nhân đối với IUI là 15% đến 20%. Các bác sĩ khuyên các cặp đôi nên thử thực hiện ba đến bốn đợt IUI, có tỷ lệ thành công tích lũy từ 40% đến 50%. Trong dân số nói chung, tỷ lệ mang thai trung bình mỗi tháng chỉ là 1 trên 5 cặp vợ chồng, hoặc 20% mỗi tháng. Với IUI, các bác sĩ cố gắng hết sức để đạt được tỷ lệ thành công tương tự nhưng nhiều cặp đôi vẫn cần tiến hành IVF.
Tỷ lệ thành công IVF
Tỷ lệ thành công của IVF phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, dự trữ buồng trứng, lý do vô sinh, mang thai thành công trước đó… Nhìn chung, hầu hết các cặp đôi có thể mong đợi thành công khoảng 50% đến 75% chỉ với một đợt IVF duy nhất. Khi tỷ lệ thành công của từng cá nhân thấp hơn, có thể cần hai hoặc ba đợt IVF trước khi mang thai thành công.
4. Điều gì sẽ xảy ra nếu IUI và IVF không hiệu quả?
Đôi khi cả IUI và IVF đều không hoạt động. Trong trường hợp này, có thể muốn xem xét IVF bằng trứng của người hiến tặng (đôi khi được gọi là DE IVF trong các cộng đồng hỗ trợ vô sinh).
Nếu IVF được coi là thất bại và một nỗ lực khác không được khuyến khích, nhiều bệnh nhân sẽ chuyển sang IVF bằng trứng hiến tặng. Đây là khi người hiến tặng thực hiện IVF thay cho bệnh nhân. Trứng của người hiến tặng được thu thập, hiến tặng cho bệnh nhân để tạo phôi bằng tinh trùng của người chồng/ người đàn ông hoặc người hiến tặng, sau đó phôi được chuyển vào tử cung của người phụ nữ để mang thai và sinh con.
Tuy nhiên, nếu mới bắt đầu điều trị vô sinh, điều quan trọng là phải hiểu IUI và IVF có thể không hiệu quả trong lần đầu tiên. Một số trường hợp cần nhiều đợt điều trị bằng một hoặc cả hai phương pháp điều trị để có thai.
Thực tế đó là một hành trình có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để mang lại một thai kỳ thành công. Nếu cảm thấy căng thẳng, hãy đi khám để được bác sĩ kết nối với nhà trị liệu giúp điều chỉnh và đối phó tình trạng này trong suốt quá trình điều trị.
ThS. BS Lê Quang Dương
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác