28/01/2024 05:09
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Y tế: Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh sẽ giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật từ trong bào thai và ở trẻ sơ sinh, hạn chế hậu quả nặng nề do dị tật, dị dạng bẩm sinh gây ra, từ đó giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện nay, nhiều người dân ở tỉnh Đắk Lắk đã chủ động đăng ký thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để sinh ra những đứa con lành lặn và khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Viên chức dân số tư vấn cho người dân về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Trong quá trình mang thai, chị Nguyễn Thị Thúy Hiền ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana đã thực hiện khám thai theo định kỳ và tham gia sàng lọc trước sinh để biết được tình trạng phát triển của thai nhi. Đồng thời, chị Hiền quan tâm bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và chế độ làm việc hợp lý; sau khi sinh, chị cũng cho con của mình được sàng lọc sơ sinh. Còn anh Từ Văn An ở huyện Krông Năng, sau khi hiểu biết được ý nghĩa và tầm quan trọng của sàng lọc sơ sinh, anh đã cho vợ sinh ở cơ sở Y tế có dịch vụ sàng lọc sơ sinh để thực hiện tầm soát cho con của mình. Theo anh An, chăm sóc con từ trong bụng mẹ và những năm tháng đầu đời có ý nghĩa quan trọng đến sức khỏe và sự phát triển của con. Đó là việc mà mọi bố mẹ cần làm.
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Dân số-KHHGĐ, trong năm 2023 toàn tỉnh có 18.550 phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, trong đó có 110 ca được chẩn đoán xác định mắc một số dị tật bào thai (Hội chứng Down, Thalassemia...); có gần 21.900 em bé được sàng lọc sơ sinh, trong đó có 226 trẻ được chẩn đoán xác định mắc các bất thường bẩm sinh (Thiếu men G6PD, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh...). Tấ cả các trường hợp đang được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế.
Một em bé được sàng lọc sơ sinh ở Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin.
Bác sỹ Hà Văn Tuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột cho biết: Sàng lọc trước sinh là việc sự dụng các kỹ thuật trong thời gian mang thai để phát hiện nguy cơ dị tật bào thai. Sàng lọc trước sinh trong 3 tháng đầu thai kỳ: siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy vào lúc tuổi thai từ 11 - 13 tuần 6 ngày và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác; trong 3 tháng giữa thai kỳ thực hiện một số xét nghiệm cần thiết vào lúc tuổi thai từ 14 - 21 tuần, siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 - 24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu… Sàng lọc sơ sinh là việc sử dụng các kỹ thuật để phát hiện trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh, các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết, chuyển hóa, di truyền nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sơ sinh.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó có từ 2-3% bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh như mắc bệnh Down (chậm phát triển trí tuệ), dị tật ống thần kinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; thalassemia (tan máu bẩm sinh)...Trẻ em mắc dị tật bẩm sinh khi sinh ra không chỉ là gánh nặng cho mỗi gia đình mà cả toàn xã hội. Vì vậy, việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh là bước đi lâu dài của ngành Y tế nói riêng và cả xã hội nói chung. Qua đó nhằm phát hiện, can thiệp và điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền, dị tật bẩm sinh ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, nhằm đảm bảo trẻ sinh ra được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, từng bước cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số./.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác