24/03/2024 05:49
Lắk là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây hiện có gần 78.000 người sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 65% dân số; 9/11 xã, thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Hàng năm, các cấp, các ngành ở huyện Lắk luôn xác định công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Người dân xã Đắk Phơi, huyện Lắk thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.
Công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở huyện Lắk giai đoạn 2021-2023 đạt nhiều kết quả quan trọng: mức sinh mỗi năm giảm 0,3%o, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 61% lên 64,8%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh tăng từ 21,6% lên 44,8%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh tăng từ 22% lên 44 %; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh duy trì mức ổn định. Giai đoạn 2018 đến 2023 đã có 348 phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ là 696 triệu đồng; chất lượng dân số ở huyện Lắk được cải thiện và nâng lên. Việc thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch về dân số đã góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc ở huyện Lắk.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở huyện Lắk vẫn còn một số khó khăn và thách thức. Tình trạng tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên còn xảy ra, mức sinh đã giảm nhưng chưa vững chắc, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh vẫn còn thấp, công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức… Ông Y Sĩ Buôn Dáp – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk cho biết thêm: Lắk với đặc thù là huyện có trên 65% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp, việc chấp hành pháp luật về Hôn nhân và gia đình cũng như ý thức về công tác Dân số-Kế hoạch gia đình của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Chất lượng dân số ở huyện Lắk chưa cao.
Trong năm 2023, toàn huyện có đến 78 trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên, 84 trường hợp tảo hôn, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm hơn 27% (cao gấp 2 lần so với mặt bằng chung của tỉnh Đắk Lắk). Mang thai ở tuổi vị thành niên đã chấm dứt cơ hội học tập và phát triển của trẻ em gái, tiềm ẩn những nguy cơ về sinh sản. Còn sinh đông con lại là một trong những nguyên nhân chính làm cho đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa vốn đã khó khăn lại càng thêm thiếu thốn. Gia đình chị H’Gái Preng ở xã Krông Nô hiện có 7 người con, trong đó đứa đầu 25 tuổi, còn đứa thứ 7 mới hơn 1 tuổi. Sau nhiều lần mang nặng đẻ đau, chị H’Gái thường xuyên đau ốm, kinh tế gia đình người chồng phải gồng mình gánh vác. Hàng chục năm nay, gia đình chị vẫn trong vòng luẩn quẩn của cái nghèo. Nhưng đáng lo ngại hơn cả, những đứa trẻ trong gia đình này chưa học hết lớp 7 đã lần lượt bỏ học để đi làm thuê, làm mướn.
Trước thực tế trên, ngay từ đầu năm 2024, các chỉ tiêu và giải pháp về Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã được huyện Lắk đềra và quyết tâm thực hiện. Trong đó, mức giảm sinh 0,3 phần nghìn; duy trì tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai 67%; 1.305 phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, đẩy mạnh công tác chăm sóc người cao tuổi cũng như triển khai dự án về nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Ông Y Sĩ Buôn Dáp – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk cho biết: Trung tâm Y tế đã tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các kế hoạch, chương trình về công tác dân số. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên cơ sở phối hợp đồng bộ có hiệu quả với các ban ngành, đoàn thể thông qua đa dạng các kênh truyền thông nhằm chuyển tải thông điệp “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”; từng bước chuyển trọng tâm chính sách từ Dân số-Kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế tiếp tục triển khai Nghị định 39/2015 về hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số; dự án 7 về Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Viên chức dân số huyện Lắk vận động người dân quan tâm nâng cao chất lượng dân số.
Với các giải pháp kịp thời và quyết tâm hành động ngay từ đầu năm 2024 của các cấp, các ngành ở huyện Lắk là cơ sở để địa phương sớm giải quyết được những vấn đề nổi cộm về giảm tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, sinh đông con…Tuy vậy, công tác Dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là vấn đề cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở địa phương trong việc tăng cường đầu tư nguồn lực về tài chính, con người và cơ sở vật chất cho việc triển khai thực hiện các mô hình, đề án về dân số.
Võ Thảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác