24/03/2023 02:44
Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Theo thống kê Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Đặc biệt là 2 năm diễn ra dịch COVID-19 (năm 2020-2021), công tác phòng chống lao tại nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn tồn tại, do đó, song song với tăng cường công tác phòng chống lao tại các tuyến, các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 vẫn được triển khai quyết liệt.
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây, cụ thể, số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.
Nhằm nâng cao nhận thức về bệnh Lao toàn cầu và nỗ lực loại trừ bệnh Lao, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống Lao năm 2023 trên toàn cầu được lấy là: “YES! WE CAN END TB” - “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh Lao”. Chủ đề Ngày thế giới phòng chống Lao năm 2023 của Việt Nam là: “Việt Nam chiến thắng bệnh Lao”. Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ thể “We - Chúng ta” nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Những kết quả phục hồi công tác phòng chống lao tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam đã cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Các biện pháp phòng, chống bệnh lao là:
- Tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh, tốt nhất là trong vòng tháng đầu tiên sau sinh.
- Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và triệt để cho người mắc bệnh lao. Người bệnh phải đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc đờm bừa bãi.
- Luôn vệ sinh môi trường sống, tạo điều kiện để không khí được lưu thông.
- Tất cả những người đang mắc bệnh lao cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị Lao
Với Chủ đề hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Lao 24/3 năm nay nhắc nhở toàn dân cần phải chạy đua với thời gian trong tiến trình đạt cam kết toàn cầu về chấm dứt bệnh Lao năm 2030. Đây là cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh Lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh Lao.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác