Cháu Hồ Văn Vương tại Trung tâm y tế huyện Phước Sơn.
Đến nay, tình hình dịch bệnh tạm ổn định. Qua giám sát, theo dõi tại thực địa, ngành y tế đã ghi nhận 13 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó. 10 ca đã được điều trị ổn định, 3 ca đã tử vong.
Thực hiện xét nghiệm ở 10/13 ca (do 3 ca không lấy được mẫu bệnh phẩm vì bệnh nhân và người nhà không hợp tác), đã có kết quả của 7 mẫu xét nghiệm, có 1 ca dương tính, đã được điều trị ổn định, 2 ca tử vong có kết quả âm tính.
Ngày 15/7, có 6 ca nhiễm bệnh đang được chữa trị cách ly tại Trung tâm y tế huyện Phước Sơn. Qua tiếp xúc, các bệnh nhân tỏ ra lo sợ vì dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh.
Anh Hồ Văn Xếu, 34 tuổi, một bệnh nhân điều trị ở đây cho biết: 6 người nhiễm bệnh nhưng không biết bị gì. Lúc nhập viện, họ đau sưng ở cổ, ăn uống không được. Trong thôn đã có 3 người chết nên dân làng ai cũng lo sợ.
Trong số 6 bệnh nhân, cháu Hồ Văn Vương (7 tuổi) là người nhỏ tuổi nhất. Trước đó, ngày 7/7, mẹ của Vương là Hồ Thị Nây đã tử vong với triệu chứng tương tự. “Mẹ con chết rồi. Con rồi có chết không? Con sợ lắm”, Vương lo lắng.
Vợ chồng Hồ Thị Váo và Hồ Văn Đảo lo sợ vì dịch bệnh.
Chị Hồ Thị Váo (24 tuổi) đang được chồng là Hồ Văn Đảo chăm sóc tại phòng bệnh. Hai vợ chồng vào đây được 2 ngày. Chị Váo được uống thuốc nhưng cổ họng còn đau, chỉ có thể ăn cháo. Hai vợ chồng lo lắng vì bệnh dịch lây lan nhanh và 2 người cùng làng chết dù đã được đưa lên bệnh viện tỉnh và huyện. “Tụi em lo lắm. Lỡ may chết, con cái ai nuôi”, chị Váo âu lo.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phước Sơn cho biết: Ngày 10/7, sau khi nhận được thông tin từ xã báo về trường hợp chị Nây tử vong, nhiều người có triệu chứng đau cổ họng, không ăn uống được, trung tâm đã tổ chức khám và vận động đưa về trung tâm 8 trường hợp nhiễm bệnh. Trong đó, có 2 trường hợp phải đưa xuống bệnh viện đa khoa tỉnh chữa trị.
Tuy nhiên, đến ngày 11/7, bệnh nhân Hồ Văn Quý (16 tuổi) tử vong tại bệnh viện tỉnh. Riêng bệnh nhân Hồ Thị Viên (17 tuổi) không hợp tác, bỏ bệnh viện tỉnh về điều trị tại trung tâm y tế huyện và tử vong vào ngày 12/7.
Ngoài 6 trường hợp đang chữa trị tại trung tâm y tế huyện, còn có 4 trường hợp khác đang được chữa trị và theo dõi tại trạm y tế xã Phước Lộc.
Ngày 14/7, Viện Pasteur Nha Trang đã có đoàn khảo sát thực tế tại vùng phát bệnh. Các trường hợp nhập viện đều có hạch vùng hầu, amidan bị sưng, cổ họng mưng mủ, khó khăn trong việc ăn uống.
Hiện Trung tâm y tế dự phòng huyện Phước Sơn đã tiến hành phun khử trùng, khử độc khắp trên địa bàn toàn xã Phước Lộc. Sở y tế và trung tâm y tế huyện đã lập trạm dã chiến với gần 10 y bác sĩ ngay tại xã Phước Lộc để khám, phát hiện và chữa bệnh kịp thời.
Cũng theo ông Dũng, những năm qua, việc tiêm chủng về các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế, trong đó có bệnh bạch hầu, ở địa phương được thực hiện tốt, đạt 95,6 % . Tuy nhiên, riêng xã Phước Lộc bị hạn chế vì không có điện để bảo quản được dây chuyền vắc-xin, nên nhiều người dân ở đây chưa được tiêm ngừa loại bệnh này.
THANH MINH
http://phunuonline.com.vn/