09/01/2017 12:00
Thói quen sử dụng túi ni lông đã trở nên quen thuộc trong mỗi gia đình.
Túi ni lông gây tác hại ngay từ khâu sản xuất bởi vì việc sản xuất túi ni lông phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ và khí đốt, và các chất phụ gia chủ yếu được sử dụng là chất hoá dẻo, kim loại nặng, phẩm màu… là những chất cực kỳ nguy hiểm tới sức khoẻ và môi trường sống của con người.
Giá thành rẻ, tiện dụng nên túi ni lông được sử dụng phổ biến để đựng thực phẩm.
Thói quen nhỏ, tác hại lớn
Hiện nay, cả người mua hàng và bán hàng đang có thói quen sử dụng túi ni lông để đựng hàng thực phẩn tươi sống, thức ăn chín và kể cả là đồ ăn còn nóng. Vẫn biết đó là thói quen, nhưng cả người mua và người bán không mấy ai ý thức được rằng thực phẩm, thức ăn, đặc biệt là thức ăn nóng, đồ chua, mặn như: bún, phở, sữa đậu nành, dưa, cà …sẽ khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai trong túi ni lông tách ra và ngấm vào thức ăn gây nhiễm độc. Việc sử dụng tràn lan các loại túi ni lông trong các hoạt động sinh hoạt xã hội thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng; người bán sẵn sàng đưa thêm một hoặc vài chiếc túi ni lông cho người mua khi được yêu cầu và người mua ít khi mang theo vật đựng (túi xách, làn…) vì đã có túi ni lông chứa đựng hàng hóa mang về.
Theo các nhà khoa học, túi ni lông được làm từ những hợp chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm hay đến hàng nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn. Nhiều loại túi ni lông làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ làm ô nhiễm môi trường đất và nước. Túi ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và Fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ… Đặc biệt trong một số loại túi ni lông có lẫn lưu huỳnh, dầu hoả nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axít Sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit rất có hại cho phổi. Mặt khác, Túi ni lông kẹt sâu trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nơi sản sinh ra nhiều ruồi muỗi, vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, túi ni lông còn làm mất cảnh quan môi trường.
Khó phân biệt về chất lượng túi ni lông
Người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt rõ đâu là túi ni lông làm từ nhựa nguyên sinh và đâu là túi ni lông tái chế. Thế nên, hầu hết chúng ta đang sử dụng túi ni lông tái chế chứa đầy hóa chất độc hại cho sức khỏe con người lẫn môi trường tự nhiên. Ở nước ta, chưa có cơ quan, đơn vị chức năng quản lý hết quy trình túi ni lông: từ sản xuất, lưu thông phân phối, sử dụng cho đến thải bỏ, thu gom, xử lý.
Vì vậy, để kiểm soát mức độ nguy hại từ túi ni lông Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện dự án “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bao bì khó phân hủy (các loại túi ni lông)” với mục tiêu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng có liên quan về tác hại của túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe. Ngoài ra, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực ngày 1/1/2012 có quy định một số sản phẩm tiềm tàng gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu thuế, trong đó túi ni lông là một trong những sản phẩm phải chịu mức thuế cao, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong tiến trình hạn chế, giảm thiểu các vấn đề môi trường do sử dụng và thải bỏ các loại bao bì khó phân hủy. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là thay đổi thói quen của người dân về việc sử dụng túi ni lông trong cuộc sống hàng ngày. Điều cần thiết là tăng cường công tác tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông. Nâng cao ý thức của người dân đối với thói quen dùng túi ni lông nhằm bảo vệ môi trường. Phát động phong trào giảm lượng dùng, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và thay dùng túi giấy, túi dùng nhiều lần một cách sâu rộng trong quần chúng dân cư. Phải làm cho người dân thực sự hiểu rõ được tác hại gây ô nhiễm do túi ni lông gây ra, từ đó gây dựng ý thức tự giác không dùng túi ni lông.
Với những tác hại tới môi trường sống và sức khỏe như vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần phải hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông trong đời sống hàng ngày. Để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân, người dân nên quay lại thời kì mang giỏ để đi chợ hàng ngày. Tất cả thịt cá, rau củ không cần đựng trong túi ni lông mà để trực tiếp vào giỏ. Khi về, nếu chưa chế biến thức ăn ngay, hãy rửa sạch để vào trong các dụng cụ bằng sứ, nhựa chất lượng cao và để vào tủ lạnh. Đó là biện pháp an toàn để đảm bảo vệ sinh và bảo vệ sức khỏe./.
Bài, ảnh: Võ Quỳnh
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác