21/07/2022 08:52
Chế độ ăn uống ưu tiên các thực phẩm có tính chống viêm là một cách để ngăn ngừa bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy, ăn những thực phẩm giàu vitamin có đặc tính chống viêm có thể giúp bạn ngăn ngừa một số bệnh như: tim mạch, viêm khớp, COPD và ung thư
1. Lợi ích của chế độ ăn uống chống viêm đối với sức khỏe
Viêm là phản ứng bình thường của cơ thể đối với nhiễm trùng, bệnh tật và chấn thương. Nhưng khi bị viêm mạn tính tồn tại trong một thời gian dài thì có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm mạn tính. Ví dụ ở một người béo phì, trong đó các mô mỡ thừa góp phần làm thay đổi nội tiết tố và hệ thống miễn dịch, tạo ra chứng viêm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Các nguyên nhân khác gây viêm mạn tính bao gồm:
-
Hút thuốc
-
Lạm dụng rượu
-
Nhiễm trùng mạn tính, như HIV hoặc viêm gan B
-
Các bệnh tự miễn như lupus và viêm khớp dạng thấp
-
Tiếp xúc liên tục với các chất độc hại như hóa chất công nghiệp
-
Căng thẳng kéo dài…
Theo thời gian, tình trạng viêm mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: bệnh tim, đái tháo đường, ung thư, viêm khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
TS.BS. Lê Thanh Hải
Viêm nhiễm có thể dẫn tới các căn bệnh như ung thư, đái tháo đường, bệnh tim, viêm khớp. Để chống lại viêm có thể sử dụng các thuốc chống viêm, nhưng thức ăn cũng có thể chống lại chứng viêm.
Theo BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể gây hại cho sức khỏe. Để ngăn ngừa và giảm viêm trong cơ thể cần điều chỉnh lối sống lành mạnh và một chế độ dinh dưỡng khoa học.
Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên lựa chọn các thực phẩm có tính chống viêm có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh như: bệnh tim, viêm khớp, COPD và ung thư. Đó là các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và vitamin như: vitamin A, B, C, D, E.
2. Những thực phẩm giàu vitamin chống viêm tốt nhất
2.1. Thực phẩm giàu vitamin A
Không chỉ là loại vitamin giữ vai trò quan trọng đối với thị lực, phát triển tế bào, sinh sản và hệ miễn dịch, vitamin A còn là một chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do gây hại.
Vitamin A có sẵn ở hai dạng: vitamin A và beta-carotene, là một loại tiền vitamin được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể. Chế độ ăn giàu beta-carotene và vitamin A có thể giúp giảm viêm.
Cách tốt nhất để bổ sung vitamin A là từ thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày vì chúng dễ hấp thu và an toàn.
Vitamin A có trong các thức ăn nguồn gốc động vật như: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm…
Thức ăn có nguồn gốc thực vật: Các loại rau có màu xanh sẫm như: rau ngót, rau muống, rau dền, rau bí…; các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài… chứa nhiều tiền vitamin A (beta-caroten). Khi vào cơ thể, beta-caroten sẽ được chuyển thành vitamin A.
Cà rốt chứa beta-carotene, một chất chống oxy hóa mạnh. Cơ thể của bạn chuyển đổi nó thành vitamin A. Cà rốt cũng chứa zeaxanthin và lutein. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa này có thể giúp giảm nguy cơ ung thư bằng cách ngăn ngừa tổn thương các tế bào khỏe mạnh của cơ thể.
2.2. Thực phẩm giàu vitamin B6
Theo nghiên cứu, những người có vitamin B6 ở mức thấp thường sẽ có mức độ cao của protein phản ứng C, một hợp chất gây ra chứng viêm, đặc biệt là trong các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp.
Vitamin B6 cũng rất quan trọng cho sự phát triển của não, giúp cho hệ thống thần kinh và hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin B6 bao gồm: thịt gia cầm, cá, khoai tây, đậu xanh, cải xoăn, nấm…
2.3. Thực phẩm giàu vitamin C
Vai trò quan trọng nhất của vitamin Clà giúp tăng cường miễn dịch. Vitamin C hỗ trợ đề kháng với nhiễm trùng như: cảm lạnh, cảm cúm, mau lành vết thương, cần thiết cho việc tạo ra collagen, tăng cường hấp thu chất sắt.
Vitamin C cũng được biết là một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương bởi gốc tự do. Chính tổn thương tế bào của gốc tự do gây ra các bệnh tim mạch ung thư và bệnh mạn tính khác.
Giống như vitamin B, vitamin C cũng có thể giúp giảm protein phản ứng C gây viêm trong cơ thể. Vì vậy, bạn nên cố gắng ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn uống của mình như: bông cải xanh, cà chua, ớt chuông cam, ổi, kiwi, dâu tây…
Đặc biệt, cam là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Chúng cũng chứa chất xơ, kali, canxi và folate có thể giúp giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh.
2.4. Thực phẩm giàu vitamin D
Các nghiên cứu từ lâu đã xác lập mối liên hệ giữa lượng vitamin D thấp và nhiều loại bệnh viêm nhiễm. Và việc cải thiện vitamin D có thể giúp giảm viêm trong cơ thể.
Vitamin D được cơ thể sản xuất tự nhiên sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhưng không phải ai cũng có thể nhận được tất cả vitamin D theo cách này. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý bổ sung thêm nguồn thực phẩm giàu vitamin D trong ăn uống như: cá, sữa, lòng đỏ trứng…
2.5. Thực phẩm giàu vitamin E
Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp giảm viêm, bảo vệ tế bào trong cơ thể chống lại tổn thương do các gốc tự do gây ra.
Vitamin E được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Các nguồn thực phẩm tốt nhất cung cấp vitamin E bao gồm các loại hạt, dầu thực vật. Nhiều loại trái cây và rau quả cũng rất giàu vitamin E như quả bơ và rau bina.
Nguồn Bộ Y tế
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác