22/08/2024 02:59
Trước thềm năm học mới 2024-2025 cũng là thời điểm giao mùa, nhiều dịch bệnh có nguy cơ gia tăng như: sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, ho gà, sởi… Với mục tiêu không để dịch bệnh xảy ra, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 4848/BYT-DP ngày 19/8/2024 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị phối hợp chỉ đạo phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Trong khi đó, hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch trong mùa tựu trường năm học 2024-2025, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.
|
Ngành y tế Đắk Lắk chủ động vệ sinh khử trùng, phòng chống dịch bệnh trước thềm năm học mới. (Ảnh: Đình Thi)
|
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý;
Hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và phối hợp truyền thông, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế để tăng cường và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Chủ động từ xa, phòng bệnh từ sớm
Tại tỉnh Đắk Lắk, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 18/8, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 593 trường hợp tay chân miệng; 26 trường hợp ho gà và 26 trường hợp mắc sởi.
Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài, Sở Y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong đó, đặc biệt là hóa chất phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ bệnh trên địa bàn triệt để, hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu cơ quan chuyên môn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh từ sớm, từ xa nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
Trước đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường học, ngay từ đầu tháng 8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác y tế trường học năm 2024 cho đội ngũ cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ là chuyên viên công tác tại Sở GD&ĐT; Phòng GD&ĐT; nhân viên y tế trong nhà trường cấp THCS và THPT ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Thông qua đó sẽ giúp cho cán bộ y tế của các đơn vị nâng cao trình độ, năng lực triển khai thực hiện công tác y tế học đường; triển khai tốt công tác phòng, chống các bệnh tật, phòng chống tai nạn thương tích, sơ cấp cứu ban đầu cho cán bộ, giáo viên trong trường học một cách nhanh chóng, hiệu quả.
|
Thời điểm trước thềm năm học mới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn công tác y tế trường học nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế trường học. (Ảnh: Đình Thi)
|
Khuyến cáo của ngành y tế
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi phát sinh bọ gậy và muỗi, khiến mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, số lượng học sinh, sinh viên bắt đầu nhập học cũng là nguy cơ làm gia tăng người mắc sốt xuất huyết trong thời gian tới. Ngoài sốt xuất huyết, thì bệnh tay - chân - miệng, ho gà, sởi…cũng đang có nhiều diễn biến phức tạp hơn.
Nói về bệnh tay chân miệng, bác sĩ Long cho biết, đây là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3-5 và từ tháng 8-11 hằng năm. Bệnh có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm như viêm não, viêm màng não; viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch...Nhiều bệnh nhân mắc tay chân miệng diễn biến rất nhanh, cấp độ nặng dần nếu không được phát hiện, chăm sóc, điều trị kịp thời. Do đó, khi trẻ có các triệu chứng như: sốt cao, quấy khóc hơn so với bình thường, chảy nước bọt nhiều, nổi mụn ban, giật mình, đi đứng không vững... thì người nhà nên đưa đến cơ sở y tế thăm khám, can thiệp kịp thời.
“Năm học mới, học sinh trở lại trường học kết hợp thời tiết chuyển mùa là những tác nhân khiến bệnh tay chân miệng dễ gia tăng. Đây là bệnh phát triển theo mùa và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, rất cần sự chủ động của các đơn vị, địa phương và bản thân phụ huynh, người dân trong việc tuyên truyền, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cần tăng cường vệ sinh nhà cửa, trường học, những khu vực trẻ hay tiếp xúc hằng ngày. Chăm sóc, vệ sinh chân tay, thực hiện ăn sạch, uống sạch, bổ sung dinh dưỡng tăng đề kháng cho trẻ” bác sĩ Long nói.
Để năm học mới 2024-2025 diễn ra an toàn, hiệu quả, công tác phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh và Ban giám hiệu các nhà trường cần quan tâm đến chế độ ăn uống, cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Phụ huynh và nhà trường cũng nên chú ý việc vệ sinh ăn uống như thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Phụ huynh và nhà trường cũng cần chú ý không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như chậu và khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chủ động theo dõi sức khoẻ của trẻ hàng ngày để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời không để lây lan thành dịch; thường xuyên cập nhật thông tin bệnh truyền nhiễm từ ngành y tế và kiến thức, kỹ năng xử lý dịch bệnh, từ đó xây dựng trường học an toàn, giúp trẻ khỏe mạnh, học tập và phát triển tốt. ./.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác