14/10/2024 04:46
Thời gian qua, số người mắc các bệnh về thận và phải chạy thận nhân tạo tại tỉnh Đắk Lắk ngày một tăng, trong khi máy móc, nhân lực phục vụ việc điều trị còn thiếu gây ra tình trạng quá tải. Nhiều bệnh nhân phải sang Bệnh viện tư hoặc qua tỉnh khác để chạy thận định kỳ, gây tổn hao về sức khỏe và thêm tốn kém chi phí.
Đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, một bệnh viện tư ở tỉnh Đắk Lắk, anh Y.M.S (trú tại xã Ea Ral, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, anh điều trị ở bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã hơn 6 tháng, bình quân mỗi tháng chi phí hết 5-8 triệu đồng tùy thuộc vào số lần chạy máy trong tuần. Kinh tế gia đình khó khăn nhưng anh Y.M.S không thể chọn Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, vì ở đó đã kín bệnh nhân. Sức khỏe yếu, kinh tế kiệt quệ càng khiến gia đình anh rơi vào bế tắc: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, con cái còn nhỏ đều đi ở độ tuổi đi học. Bố mẹ vợ cho 3 sào rẫy nhưng không có nước tưới nên chỉ trồng khoai, trồng mì. Mắc suy thận phải chạy thận càng khiến gia đình tôi khó khăn, cứ khi nào có tiền thì ra bệnh viện chạy thận, không có thì thôi, sống chung với bệnh vậy”, anh Y.M.S tâm sự.
|
Nhiều bệnh nhân đã tới Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh và các bệnh viện ở các tỉnh lân cận để chạy thận nhân tạo. (ảnh: Quang Nhật)
|
1 tuần 2-3 lần chở vợ vượt gần 80km lên Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để chạy thận định kỳ, ông Y.N (trú tại xã Đắk Mol, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cho biết, các Bệnh viện công của Đắk Nông và Đắk Lắk chúng tôi đều không đăng ký chạy thận được vì không đủ máy, nên ông đành phải đưa vợ vào Bệnh viện tư để chạy thận. Ngoài những buổi đưa vợ đi bệnh viện, ông Y Nhanh lại tranh thủ đi làm thuê để có tiền điều trị bệnh cho vợ: “Đầu năm 2023, tôi đưa vợ đi khám ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thì phát hiện vợ bị suy thận. Sau đó, vợ tôi được chạy thận ở Bệnh viện vùng khoảng 3 lần rồi các bác sĩ thông báo Bệnh viện đang quá tải, phải chờ vì không có máy. Lo lắng cho sức khỏe của vợ nên tôi chuyển vợ về chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh từ cuối năm 2023. Gia đình khó khăn, mỗi tháng mất 6 triệu nhưng có thể đóng 3- 4 kỳ, mỗi lần nộp từ 500 - 1 triệu nên cũng gắng cho vợ chạy thận để đảm bảo sức khỏe.”
Bác sĩ Vũ Đức Thịnh - Phó khoa Cấp cứu, Trưởng đơn vị thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết, Đơn vị Thận nhân tạo của Bệnh viện hiện có 19 máy, đang chạy 3 ca liên tục để điều trị cho khoảng 115 bệnh nhân. Nhằm cân đối quyền lợi của bệnh nhân và khả năng của Bệnh viện, đơn vị đã hỗ trợ chi trả theo bảo hiểm y tế và xây dựng bảng chi phí để bệnh nhân chi trả theo sức mình. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân quá lớn nên Bệnh viện thực sự không thể đáp ứng được toàn bộ bệnh nhân.
|
Để đáp ứng nhu cầu chạy thận của bệnh nhân trên địa bàn tỉnh, thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ đầu tư thêm các máy chạy thận. (ảnh: Quang Nhật)
|
Đắk Lắk hiện có ba đơn vị thận nhân tạo công lập là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, tất cả đều luôn trong tình trạng quá tải. Bác sĩ Huỳnh Thị Đoan Dung - Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, với 24 máy chạy thận, chia 4 ca/ngày, đơn vị cũng chỉ đáp ứng tối đa được 200 bệnh nhân. Hiện trong danh sách chờ được chạy thận tại Khoa còn khoảng 600 người. “Nhiều bệnh nhận không có máy để chạy chu kỳ nên các bệnh nhân chỉ chạy cấp cứu. Thực tế cũng có nhiều bệnh nhân không muốn đăng ký chờ nữa vì vô vọng quá. Số lượng bệnh nhân suy thận ngày càng đông nên tôi nghĩ phải có thêm số lượng lớn máy chạy thận mới có thể đáp ứng được nổi”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Đắk Lắk hiện có gần 1.000 bệnh nhận mắc suy thận mạn cần lọc máu, nhưng mới có khoảng 600 người đang được chạy thận nhân tạo tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Số còn lại, các bệnh nhân phải di chuyển đến các tỉnh lân cận để chạy thận. Để giải quyết thực trạng này, mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tổng hợp ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, Sở Tài chính tỉnh gửi UBND tỉnh về việc xin hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị huyết học truyền máu và thận nhân tạo tại địa phương. Bác sĩ Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Sau khi Nghị định 114 có hiệu lực từ ngày 3/10, Sở Y tế đã ngay lập tức tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường thêm các máy chạy thận nhân tạo và chia ra 4 điểm để giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Cụ thể, hướng phía Bắc sẽ tập trung ở Bệnh viện Buôn Hồ, phía Nam ở huyện Krông Búk, và 1 nhánh nữa ở Quốc lộ 27 thì tăng cường cho huyện Cư Kuin, còn lại đầu tư cho Bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột với tổng số máy cần phải đầu tư khoảng 100 máy. Như vậy mới giảm tải lượng bệnh nhân chạy thận, giảm bớt khó khăn cho người dân phải đi TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác.”
Việc đầu tư thêm các máy chạy thận nhân tạo cho các bệnh viện công lập là cần thiết để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân, giúp họ có cơ hội được điều trị ở gần nhà cũng như giảm tải áp lực về chi phí điều trị cho người bệnh.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác