22/04/2025 09:10
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành giáo dục quan tâm chỉ đạo để học sinh có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, có sức khỏe tốt và phát triển trí tuệ, tầm vóc.
Trường mầm non Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột hiện có hơn 300 trẻ theo học. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ nhỏ, nhà trường đã xây dựng các kế hoạch cụ thể như nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, chế độ dinh dưỡng đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế… Bên cạnh đó, xây dựng các thực đơn đa dạng, phong phú, chú trọng sử dụng các loại thực phẩm tại địa phương, đảm bảo đủ calo và chất dinh dưỡng cho các trẻ nhỏ. Đồng thời, hạn chế sử dụng những thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như xúc xích, mì tôm, bánh kẹo…
.jpg)
|
Trường mầm non Thành Nhất chú trọng sử dụng các loại thực phẩm tại địa phương, đảm bảo đủ calo và chất dinh dưỡng cho các trẻ nhỏ. . (ảnh: Bảo Trọng)
|
Cô Trương Thị Bình – Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm, hệ thống bếp ăn được nhà trường xây dựng theo nguyên tắc một chiều từ khâu sơ chế đến khâu chia thức ăn, có đủ đồ dùng, dụng cụ phục vụ cho bếp ăn và được sắp xếp khoa học, phân biệt giữa dụng cụ chế biến sống và chín. Nơi chế biến thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ, thực hiện theo 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thức ăn và 5 chìa khoá vàng để có thực phẩm an toàn; nhân viên nhà bếp được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và được khám sức khoẻ định kỳ; dụng cụ chế biến thực phẩm vệ sinh sạch sẽ, rác thải để đúng nơi quy định và chuyển ra ngoài mỗi ngày.
Còn tại Trung tâm phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, mỗi bữa ăn Trung tâm phục vụ cho hơn 180 suất ăn, đối tượng là các trẻ em khuyết tật, khẩu phần ăn phù hợp cho từng trẻ. Trung tâm thường xuyên thay đổi món hàng ngày, đảm bảo tuyệt đối vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chấp hành nghiêm túc các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ khâu nhân lực chế biến đến cơ sở vật chất, nguồn thực phẩm, vấn đề vệ sinh… luôn được chú trọng. Đặc biệt, Ban giám đốc trung tâm thường xuyên kiểm tra nguồn nguyên liệu, quá trình sơ, chế biến và lưu mẫu thức ăn 24/24h. Để có bữa ăn đủ dưỡng chất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, trung tâm thành lập tổ giám sát bán trú, hằng ngày kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh. Ngoài ra, trung tâm cũng chú trọng đến suất ăn dành cho những trường hợp đặc biệt như: học sinh bị ốm, học sinh béo phì, học sinh bị dị ứng với một số loại thực phẩm...
.jpg)
|
Đồ dùng, dụng cụ phục vụ cho bếp ăn và được sắp xếp khoa học. . (ảnh: Bảo Trọng)
|
Bà Krông Ái Hương Lan – Phó Trưởng phòng, Phòng Giáo dục phát triển và giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên - Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 87/364 trường tiểu học, 325/327 trường mầm non có tổ chức ăn bán trú và 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật. Ở mỗi trường, cấp học, việc thực hiện bữa ăn bán trú cho các em không giống nhau tùy vào độ tuổi của trẻ, song đều vì mục đích chung là mang đến cho học sinh những bữa ăn bán trú an toàn vệ sinh thực phẩm. Nắm bắt nhu cầu và tâm lý của phụ huynh có con học bán trú, hiện nay các trường học đều xây dựng thực đơn trước hằng tuần với đa dạng món ăn, đủ các nhóm chất và được công khai trên website, các trang mạng xã hội của trường… để các phụ huynh giám sát, theo dõi.
.jpg)
|
Hiện nay các trường học đều xây dựng thực đơn trước hằng tuần với đa dạng món ăn, đủ các nhóm chất. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Thức ăn trong mùa nắng nóng rất dễ bị hư hỏng do có nhiều vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh phát triển, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Vì vậy, công tác đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể cần đặc biệt chú trọng. Cùng với sự kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng, các đơn vị có bếp ăn tập thể cần chú trọng nâng cao kiến thức, trách nhiệm của mình về an toàn vệ sinh thực phẩm để có bữa ăn đảm bảo chất lượng.
Có thể nói công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức lớn như vấn đề dư lượng hoá chất trong sản phẩm thực phẩm, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến; khó khăn trong kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu trên thị trường; ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng còn thấp… hậu quả cuối cùng là ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm cao, gây tổn thất về sức khoẻ đối với nhân dân nói chung và thế hệ trẻ em – tương lai của đất nước nói riêng. Vì vậy, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các nhà trường, ban giám hiệu và phụ huynh học sinh; sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương để xử lý tình huống phát sinh khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học, để các em có một sức khoẻ tốt, học tập tốt và phát triển thể chất khỏe mạnh./.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác