22/04/2025 03:31
Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là bệnh lưu hành hằng năm của tỉnh Đắk Lắk, ghi nhận tại tất cả các huyện/thị xã/thành phố. Mặc dù chưa chính thức bước vào mùa mưa nhưng theo các chuyên gia y tế, SXH Dengue có xu hướng bùng phát dịch theo chu kỳ 3 năm một lần, và năm 2025 chính là năm chu kỳ của dịch bệnh SXH. Do đó, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ngay từ những giai đoạn sớm để ngăn chặn nguy cơ SXH bùng phát thành dịch gây nguy hiểm đến sức khỏe của người dân trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dịch bệnh SXH diễn biến theo chu kỳ 3 năm. Cụ thể, năm 2010 ghi nhận 6.443 trường hợp mắc SXH, trong đó có 3 ca tử vong; Năm 2013 ghi nhận 4.940 trường hợp mắc; Năm 2016 ghi nhận 13.234 trường hợp mắc SXH, 2 ca tử vong; Năm 2019 có 23.040 trường hợp với 4 ca tử vong; Năm 2022 ghi nhận 10.352 mắc SXH với 10 trường hợp tử vong. Trong năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 7.372 trường hợp mắc, có 03 trường hợp tử vong và từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 150 trường hợp mắc SXH, trong đó TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp là những địa phương có số ca bệnh gia tăng. Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, năm 2025 được dự báo là thời điểm lặp lại chu kỳ đỉnh dịch của tỉnh, nên nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Bác sĩ Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Với mục tiêu nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Đồng thời xã hội hóa công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh, trong năm 2025, ngành Y tế sẽ chủ động triển khai công tác phòng, chống SXH trên tất cả các phương diện. Đối với công tác điều trị sẽ tổ chức tốt công tác điều trị, thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế về việc “Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue”. Đối với công tác dự phòng sẽ chủ động triển khai giám sát dịch tễ tại tuyến tỉnh và các tuyến huyện bao gồm giám sát bệnh nhân, giám sát huyết thanh và vi rút, giám sát véc tơ truyền bệnh nhằm phát hiện sớm và đề ra các biện pháp can thiệp xử lý, ngăn chặn sự bùng phát dịch kịp thời, hiệu quả. Trong đó, tuyến tỉnh sẽ thực hiện giám sát trọng điểm tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên; Tuyến huyện sẽ thực hiện giám sát trọng điểm tại Trung tâm Y tế huyện huyện Ea Súp và giám sát tại cộng đồng sẽ thực hiện tại 20 xã/phường/thị trấn điểm. Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trong năm 2025, ngành Y tế cũng chú trọng đến công tác xây dựng mạng lưới cộng tác viên bởi cộng tác viên là lực lượng chủ yếu thực hiện các hoạt động phòng, chống SXH tại hộ gia đình. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể của các cộng tác viên là thăm hộ gia đình phải tuyên truyền về bệnh SXH và các biện pháp phòng, chống. Đồng thời hướng dẫn hộ gia đình xử lý các ổ lăng quăng/bọ gậy, muỗi truyền bệnh, đôn đốc hộ gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH, tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, loại trừ bọ gậy. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên sẽ kiểm tra, giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi SXH tại cộng đồng và báo cáo cho Trạm Y tế xã. Làm sao để mỗi cộng tác viên sẽ thăm hộ gia đình ít nhất 01 lần/hộ/tháng và ít nhất 90% hộ gia đình gia đình tại xã có cộng tác viên được cung cấp kiến thức phòng, chống dịch, cam kết không có bọ gậy trong hộ gia đình, ít nhất 70% hộ gia đình tại xã có cộng tác viên kiểm tra định kỳ không có bọ gậy trong nhà.
.jpg)
|
Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk triển khai các biện pháp để ngăn chặn nguy cơ SXH bùng phát thành dịch gây nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Ngoài ra, ngành Y tế sẽ chủ động triển khai các hoạt động diệt lăng quăng/bọ ít nhất 2 lần/năm, tổ chức chiến dịch hằng tuần tại khu vực có ổ dịch hoạt động, tiếp tục duy trì 2 lần/tuần tại các tháng cao điểm (từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm) với sự huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương cho hoạt động này. Đặc biệt là sự tham gia của người dân trong cộng đồng. Đồng thời, ngành Y tế cũng chú trọng triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế. Đảm bảo 100% cán bộ phòng, chống SXH của tỉnh, huyện, xã, cộng tác viên được đào tạo và đào tạo lại ít nhất 01 lần/năm và ưu tiên cán bộ mới tiếp nhận nhiệm vụ hoặc cập nhật những quy định, kiến thức mới khi cần thiết. Ngoài ra, phối hợp tập huấn cho cán bộ chính quyền và ban ngành, đoàn thể địa phương và ngành giáo dục về các nội dung, biện pháp phòng, chống SXH trong cộng đồng.
Đối với vấn đề trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc. Tùy theo tình hình dịch bệnh xảy ra, Sở Y tế sẽ giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lập kế hoạch, phương án và có tờ trình xin hỗ trợ bổ sung kinh phí đảm bảo cung cấp đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh. Để công tác phòng, chống SXH đạt hiệu quả, ngành Y tế còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như dọn dẹp vật dụng có chứa lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống nhằm hạn chế mức thấp nhất ca mắc và ổ dịch.
“Để công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch SXH nói riêng đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt trong công tác phòng chống của lực lượng chức năng, ngành Y tế mong muốn người dân hãy chủ động, không đứng ngoài cuộc, không coi đó là nhiệm vụ của y tế mà thờ ơ với sức khỏe của bản thân và cộng đồng”, bác sĩ Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác