Người mua hàng tin tưởng nhờ người bán hàng lựa chọn thực phẩm
Tại chợ truyền thống, những thực phẩm dùng hàng ngày như rau, củ quả, thịt cá luôn được người bán khẳng định là hàng sạch. Sự thật 100% không hề có mảnh đất canh tác, mọi hàng hóa đều được mua lại từ chợ đêm nhưng một chị bán rau tại chợ truyền thống thành phố Buôn Ma thuột luôn chào mời khách: Mua rau sạch đi em. Rau nhà chị tự trồng, ăn đảm bảo, không sợ thuốc sâu. Còn chị T, cũng chuyên bán rau, khi khách hỏi: Rau ở đâu đây? Chị cũng không ngần ngại trả lời: Rau vườn đấy, đảm bảo rau sạch. Ăn rau của chị là yên tâm. Khách vừa rời khỏi quầy, chị đã vô tư tâm sự cùng người quen: Chị bán rau này ngày được nhiều không? Được mấy đồng đâu, rau ngót lấy 2.400 bán 3000, rau dền lấy 2.300 bán 2.500, chả ăn thua. Các loại thịt gia súc, gia cầm cũng luôn được người bán khẳng định: Thịt lợn sạch, thịt gà sạch. Thịt lợn thì được khẳng định: Không nuôi bằng cám tăng trọng, nuôi hoàn toàn bằng ngô, sắn. Nếu người mua phàn nàn thịt heo nhiều mỡ cũng được người bán chấn an: Thịt như vậy mới ngon, không có chất tạo nạc. Gà lại được cho rằng, gà thả vườn 100% , ăn thử một lần cho biết…. Cô Tô Thị Thanh, phường Tân Thành không khỏi thất vọng: “Mình đi chợ này hơn 10 năm rồi, vậy mà nhiều khi vẫn bị mua nhầm đấy”. Bất chấp những nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng có người vẫn vô tư bán các mặt hàng đã hư hỏng như rau dập nát, thối rữa được cho vào giữa những ngọn rau tươi xanh, rau củ, quả thối được bán cho những người đang vội vàng không có thời gian chịn lựa hoặc tin tuỏng vào sự chân thật của người bán…
Những hành vi gian dối này cũng sẽ nhanh chóng bị người tiêu dùng tẩy chay. Cô Nguyễn Thị Mai quả quyết: “Đi mua hàng, hỏi rõ ràng người bán về xuất xứ của loại rau, củ mình cần mua. Tuy nhiên mình cần kiểm chứng lại, nếu không đúng sự thật thì không bao giờ mình quay lại chỗ đó”. Cô chỉ đi chợ truyền thống, hầu hết những người bán hàng cô đều quen. Anh Đỗ Chiến Thắng, phường Ea Tam cũng nói rằng: “ Mình thường mua chỗ quen biết, nếu phát hiện rau, củ quả có vấn đề cần nói thẳng với người bán để cho họ biết mà thay đổi, hàng hư hỏng mà bán là không được. Nguồn gốc các sản phẩm cũng phải nói rõ ràng”.
Mặc dù công tác ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là công tác kiểm soát rau, củ, quả, thịt an toàn. Để đảm bảo cung cấp được các sản phẩm sạch có chất lượng cho người tiêu dùng, thực phẩm cần được kiểm soát toàn diện từ phần nguyên liệu đầu vào là giống cây trồng vật nuôi cho đến chăm sóc, phân bón thu hoạch, sản xuất, quy trình bảo quản chế biến, hệ thông phân phối tới tay người tiêu dùng. Các cấp, các ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ. Bên cạnh đó,cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ đến sức khỏe và giống nòi. Các tổ chức, cá nhân cần thực hiện cách sản xuất rau an toàn, giết mổ gia súc, gia cầm an toàn, hình thành ý thức xây dựng một nền sản xuất an toàn, bền vững từ nông trại đến bàn ăn.
Bài & ảnh: Hồng Vân
Trung tâm Truyền Thông - GDSK