11/01/2017 12:00
Thực phẩm không thể thiếu để nuôi sống con người, nó quan trọng bậc nhất bởi nó cung cấp năng lượng cho cuộc sống để duy trì sức lao động . Ngày nay khi điều kiện kinh tế ngày một phát triển thì nhu cầu về thực phẩm cũng tăng lên. Con người cũng quan tâm nhiều hơn tới chất lượng thực phẩm mà mình sử dụng.
Hạn chế ăn những thức ăn chế biến sẵn bảo quản không tốt, không ăn những thức ăn bị hỏng mốc, ôi thiu…
Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm bởi tác nhân sinh học, các chất độc hóa học, độc hại vật lý có thể gây ngộ độc nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe con người .
Các tác nhân sinh học chính gây ô nhiễm thực phẩm bao gồm vi khuẩn, nấm mốc, vi rút và ký sinh trùng. Vi khuẩn có ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Phân, nước thải, rác bụi, thực phẩm tươi sống là ổ chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Trong không khí và ngay ở trên cơ thể người cũng có hàng trăm loại vi khuẩn, chúng cư trú ở da (đặc biệt là ở bàn tay), ở miệng, đường hô hấp, đường tiêu hóa… Thức ăn chín để ở nhiệt độ bình thường là môi trường tốt cho vi khuẩn không khí xâm nhập và phát triển nhanh, đặc biệt các thức ăn còn thừa sau các bữa ăn chỉ cần một vài giờ là số lượng vi khuẩn có thể sản sinh đạtđến mức gây ngộ độc thực phẩm.
Nấm mốc thường gặp trong môi trường sống, nhất là ở các loại ngủ cốc, quả, hạt có dầu dự trữ trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm một số loại còn sản sinh ra các độc tố nguy hiểm như độc tố Aflatoxin là độc tố do nấm sản sinh ra trong ngô, đậu và lạc ẩm mốc có thể gây ung thư gan.
Vi rút gây ngộ độc thực phẩm thường có trong ống tiêu hóa người. Các nhuyễn thể sống ở vùng nước ô nhiễm, rau quả tưới nước có phân tươi hoặc các món rau sống chuẩn bị trong điều kiện thiếu vệ sinh hay thường bị nhiễm vi rút bại liệt, vi rút viêm gan. Vi rút có thể lây nhiễm từ phân qua tay người tiếp xúc hoặc nước bị ô nhiễm phân vào thực phẩm, với một lượng ít virut đã gây nhiễm bệnh cho người. Vi rút nhiễm ở người có thể lây sang thực phẩm hoạc trực tiếp lây sang người khác trước khi phát bệnh.
Ký sinh trùng thường gặp trong thực phẩm là giun sán. Người ăn phải thịt có ấu trùng sán dây trong thịt bò (sán dây bò) trong thịt lợn ( thịt lợn gạo) chưa nấu chín, khi vào cơ thể thì ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở đường tiêu hóa và gây rối loạn tiêu hóa.
Khi ăn phải cá nước ngọt có nang trùng sán lá gan nhỏ chưa nấu chín thì nang trùng chuyển tới ống mật, lên gan và phát triển ở gan thành sán trưởng thành gây tổn thương gan, mật. Nếu ăn phải tôm, cua, ốc có nang trùng sán lá phổi chưa nấu chin hoặc uống nước có nang trùng thì chúng sẽ xuyên qua thành ruột và qua cơ hoành lên phổi, phát triển thành sán trưởng thành gây viêm phế quản, đau ngực, ho khạc ra máu nguy hiểm. Bệnh do giun xoắn cũng bởi tập quán ăn thịt tái, nem bằng thịt sống, ăn tiết canh có ấu trùng gây nhiễm độc, dị ứng, sốt cao gây liệt cơ hô hấp có thể dẫn đến tử vong.
Những độc hại hóa học gây ngộ độc thực phẩm, các chất gây ô nhiễm công nghiệp và môi trường như các dioxin, các chất phóng xạ, các kim loại nặng; các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp sai quy cách thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất tăng trưởng, phân bón thuốc trừ giun sán và chất hun khói; các chất phụ gia sử dụng không đúng quy định, chất tạo màu, tạo mùi, tạo vị, tăng độ kết dính, chất bảo quản, chất tẩy rửa… và các hợp chất trong vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; Các chất độc tạo ra trong quá trình chế biến như thịt hun khói, dầu mỡ bị cháy khét, các hợp chất tạo ra do phản ứng hóa học trong thực phẩm, sản sinh độc tố trong quá trình bảo quản, dự trữ bị nhiễm nấm mốc (độc tố vi nấm). Các độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm như ở mầm khoai tây, sắn, đậu mèo, măng, nấm độc, cá nóc, cóc…các chất gây dị ứng trong một số hải sản, nhộng tằm…
Các độc hại vật lý như các mảnh thủy tinh, gỗ, kim loại, đá sạn, xương, móng, lông, tóc và các vật lạ khác lẫn vào thực phẩm cũng gây nguy hại đáng kể như gãy răng, hóc xương, tổn thương niêm mạc dạ dày, miệng…
Con người chúng ta đứng trước hàng loạt nguy cơ nhiễm chất độc từ các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày do không được sản xuất, chế biến và bảo quản đúng quy cách. Chính vì vậy mỗi người quan trọng hơn là người nội trợ phải biết sáng suốt khi lựa chọn cho mình và gia đình các loại thực phẩm đảm bảo, có nguồn gốc, chế biến khoa học, các loại thịt, cá hải sản nên nấu chín kỹ, không nấu tái, nên ăn ngay sau khi đã nấu chín. Hạn chế ăn những thức ăn chế biến sẵn bảo quản không tốt, không ăn những thức ăn bị hỏng mốc, ôi thiu… là cách tốt nhật phòng tránh độc tố xâm nhập vào cơ thể, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình./.
Trần Lan
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác