22/11/2018 12:00
Sáng 16-11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Nhiều đại biểu đã cho rằng, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ và nghiêm khắc hơn, tăng chế tài trong nhiều nội dung.
Tên gọi dự thảo Luật chưa rõ
Một số đại biểu cho rằng, tên của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có chỗ chưa rõ. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng hiện giờ có hai phương án: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Những tên gọi này không sai nhưng có chỗ chưa rõ và có thể bị hiểu nhầm. Ví dụ, thuốc lá rất có hại thì có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, rất đúng, nhưng rượu, bia thì có mặt lợi, mặt hại của nó. Đại biểu đề nghị tên luật là "Luật Kiểm soát tác dụng có hại của các chất có cồn". Đại biểu nhấn mạnh ba ý, gồm kiểm soát - tác dụng có hại - các chất có cồn. “Dù chỉ có rất ít các chất có cồn không thực sự là rượu, bia nhưng cũng cần được đưa vào luật”, ông nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp
Cũng về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, bà không đồng ý cả hai phương án. Đại biểu đề nghị tên luật là "Luật Kiểm soát rượu, bia", bao quát hơn và chính xác hơn về mục tiêu. Đại biểu phân tích: “Nếu chỉ nói phòng, chống tác hại của rượu, bia thì chỉ nói đến tác hại của rượu, bia, tức là khía cạnh y tế, trong khi rượu, bia phải được xét trên nhiều khía cạnh, cả y tế, kinh tế, đặc biệt nó là một văn hóa và thói quen lâu đời. Còn “Kiểm soát rượu, bia” thì chúng ta phân định rõ được trách nhiệm, Nhà nước sẽ kiểm soát khâu sản xuất, lưu thông, người uống phải tự kiểm soát việc sử dụng rượu, bia cho chừng mực để dần thay đổi. Cần có luật nhưng phải gắn với thực tiễn và khả thi, phải chấp nhận thay đổi dần theo lộ trình. Mục tiêu là hạn chế sử dụng rượu, bia và giải quyết tác hại khi đã tiêu thụ rượu, bia”.
Luật cần phải nghiêm khắc hơn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, trong luật có một số điều thực ra chưa nghiêm khắc. Thí dụ, Điều 5 về các hành vi bị cấm, tại khoản 4 ghi "Cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia". “Tôi đề nghị cấm ép buộc và kích động người khác uống rượu, bia, và không cứ gì là dưới 18 tuổi cả, tôi đã từng chứng kiến có những cuộc vui, người ta đã kích động nhau uống, rất ảnh hưởng”, ông nói.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số khoản, cấm người dưới 18 tuổi, bà mẹ có thai và đang trong thời gian cho con bú uống rượu, bia, cấm triệt để việc uống chất có cồn trước và khi điều khiển phương tiện giao thông.
Cũng về đối tượng sử dụng rượu, bia, đại biểu Phạm Khánh Phong Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ở Điều 9 về các trường hợp không uống rượu bia, phải cấm người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia. Nếu không thì cũng phải xác định là cấm trẻ em dưới 16 tuổi và nếu cấm thì cấm rượu bia trên 15 độ. Ở đây, dự thảo mới chỉ quy định cấm bán, cấm cung cấp và cấm ép buộc. Nếu người dưới 18 tuổi có những biện pháp khác để có rượu bia thì chưa đả động đến.
Tương tự, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cũng đề nghị sửa Điều 9 thành “Cấm bán, cho, tặng, mời tiêu thụ thử hay ép người dưới 18 tuổi tiêu thụ rượu, bia”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan còn đề nghị, để hạn chế tiếp cận và giảm tiêu thụ rượu, bên cạnh việc tăng thuế rượu, bia, cần đồng bộ với việc kiểm soát nghiêm ngặt và giảm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu thủ công, rượu giả, rượu lậu. “Nếu không chúng ta vừa thất thu thuế, doanh nghiệp bị thiệt hại mà vẫn không giảm tiêu thụ được rượu, lại còn nguy hiểm hơn vì chuyển sang các rượu kém chất lượng”, bà nói.
Đại biểu cũng đề nghị phải có thiết chế về trại cai nghiện rượu bắt buộc hay tự nguyện để điều trị những người nghiện rượu, cũng như tính khác đối với chi phí bảo hiểm y tế của người nghiện rượu, bởi vì đây là đối tượng có nguy cơ cao về bệnh tật và cố tình hủy hoại sức khỏe của mình.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị phải tăng mức chế tài khi lạm dụng rượu, bia lái xe, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, gây rối trật tự công cộng.
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, dự thảo Luật đang cố gắng tiếp cận hài hòa giữa các khía cạnh kinh tế, sức khỏe và xã hội, đồng thời phải đồng bộ với các luật hiện hành, hội nhập với quốc tế và có tính khả thi.
Bộ trưởng nêu ba giải pháp cơ bản thực hiện trong luật gồm giảm tính sẵn có của rượu, bia…, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa là giảm bớt người uống, vừa tăng nguồn thu của ngân sách và kiểm soát vấn đề quảng cáo.
Bộ trưởng cũng giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, như về tên của dự thảo Luật. Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo mong muốn được giữ tên theo phương án số 1, vừa dễ hiểu, vừa đơn giản và người ta chỉ phòng chống tác hại của rượu và bia chứ không đả động gì đến ảnh hưởng văn hóa của rượu và bia hiện nay, chống tác hại trong tất cả các quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ và cách uống.
Về quảng cáo, về vấn đề rượu thủ công, Bộ trưởng cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để chọn ra phương án tối ưu và hài hòa.
Về chế tài, Bộ trưởng cho biết, trong dự thảo Luật cũng có những chế tài rất chặt. “Chúng tôi cũng muốn dự thảo Luật này nghiêm như các nước ở mức như hiện nay có những nước GDP cao, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu rượu, bia nhiều và đã xây dựng luật này 30 năm, hai lần sửa đổi, đến năm nay lại sửa đổi nữa để siết chặt hơn. Đến giờ này, chúng tôi đánh giá dự thảo Luật so vói thế giới là mức trung bình hơi yếu về tính chặt chẽ”, Bộ trưởng nói
Bộ trưởng cũng cho rằng, đây là một dự thảo luật rất khó, được đưa ra bàn thảo đến hai nhiệm kỳ và đến bây giờ vẫn khó. Bộ trưởng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu ở các góc cạnh khác nhau, lát cắt khác nhau khi nhìn vào dự thảo luật này và những ý kiến đó đều xác đáng. Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu trên tinh thần xây dựng luật và ban hành chính sách, vấn đề nào có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, không có lợi cho dân thì không làm.
Sức khỏe Cộng đồng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác