22/11/2018 12:00
100% trạm y tế xã/phường đều có bác sĩ, thu hút 70-100 bệnh nhân đến khám một ngày, triển khai đúng hướng nguyên lý y học gia đình tại tuyến y tế cơ sở… là những thành tựu mà một số tỉnh đã triển khai hiệu quả về tăng cường y tế cơ sở trong thời gian qua.
Khi trạm y tế là địa chỉ đỏ với người dân
Tỉnh Bạc Liêu được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá là một trong những điểm sáng khi cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 20, 21 về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu - Lâm Thị Sang, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành y tế đã triển khai thực hiện Đề án Xây dựng, phát triển mạng lưới tuyến y tế cơ sở trong tình hình mới, đã huy động, tăng cường đầu tư nguồn lực một cách đồng bộ về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, bảo đảm điều kiện cho y tế tuyến y tế cơ sở phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đến nay, 100% trạm y tế (TYT) đều có bác sĩ, đặc biệt một số xã có bệnh nhân đông được bố trí hai bác sĩ. 100% trạm y tế đã có đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Nhiều trạm y tế đã được trang bị máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học từ nguồn vận động xã hội hóa và ngân sách của tỉnh.
“Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, người dân tin tưởng, thu hút người bệnh đến trạm y tế khám, điều trị ngày càng nhiều, nhất là người bệnh có thẻ BHYT. Trong năm 2017 có 1.306.702 lượt người bệnh đến khám tại các trạm y tế, có nhiều trạm khám từ 70 – 100 lượt bệnh nhân/ ngày”, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Thị Sang tự hào nói.
Cũng như Bạc Liêu, nhờ xã hội hóa một số hoạt động cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại TYT, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình hình TYT chưa đủ nguồn lực thực hiện như nha khoa, y học cổ truyền, vật lý trị liệu, nhà thuốc/quầy thuốc… TP Hồ Chí Minh cũng đã tích hợp quản lý sức khỏe người dân trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; kết nối với bệnh viện tuyến trên để hỗ trợ chuyên môn, không để trạm y tế “đơn độc” trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Triển khai nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe người dân ở tuyến dưới, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đạt 97% việc cập nhật phần mềm hồ sơ sức khỏe; kết quả điều tra, khám lập hồ sơ sức khỏe đạt 83,17%. Ước tính đã có 85% hồ sơ sức khỏe đã được liên thông KCB trong tỉnh.
Triển khai y tế cơ sở tích hợp nguyên lý y học gia đình, trong đó chú trọng vào những bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường, tim mạch… nhiều địa phương đã thực hiện quản lý rất tốt. Tại Bắc Giang, tính đến tháng 9-2018, toàn tỉnh đã quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm cho trên 86.000 người; các TYT xã hiện đang quản lý 18.754 bệnh nhân tăng huyết áp tại 187/218 TYT xã (chiếm 85,7% tổng số TYT xã). Tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý tại tuyến y tế cơ sở là 97,3%; bệnh đái tháo đường là 86,2%.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, với sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, đến năm 2018, tỉnh có 99,3% số TYT đạt chuẩn quốc gia y tế xã. 100% số TYT xã có bác sĩ công tác. Các trạm y tế xã thực hiện bình quân khoảng 80% danh mục kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. Triển khai quản lý sức khỏe toàn dân đạt 51% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 86,7% dân số tham gia BHYT (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).
Nhiều sáng tạo trong tích hợp y học gia đình vào KCB y tế cơ sở
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế phường/xã nhờ đa dạng hoá các loại hình KCB ban đầu tại TYT, đặc biệt là nhân rộng mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận, huyện đặt tại trạm y tế. Sở chú trọng đào tạo cập nhật kiến thức về y học gia đình, bác sĩ thực hành tổng quát (GP) và điều động luân phiên bác sĩ từ bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện xuống trạm y tế.
Từ năm 2016 đến nay, Sở Y tế đã triển khai mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại các TYT nhằm phát huy uy tín, thương hiệu của bệnh viện, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của TYT để thu hút người dân đến khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại TYT. Mô hình này đã đạt hiệu quả rõ rệt trong việc gia tăng số lượng người bệnh đến TYT, trong đó Phòng khám đa khoa vệ tinh của Bệnh viện quận Tân Phú tại TYT phường Tây Thạnh; Phòng khám đa khoa vệ tinh của Bệnh viện quận 2 tại TYT phường Thảo Điền thu hút gấp đôi, gấp ba lần số người đến khám so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù chỉ có ba TYT được chọn làm TYT xã điểm gồm xã Thạnh An – huyện Cần Giờ, TYT phường Bình Chiểu – quận Thủ Đức và TYT phường Tân Quý – quận Tân Phú nhưng Sở Y tế chỉ đạo 21 trung tâm y tế quận, huyện lựa chọn một trạm y tế của mỗi quận, huyện để cùng triển khai mô hình TYT điểm. Các TYT này cũng đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù ngành y tế thành phố và đáp ứng tiêu chuẩn chung của Bộ Y tế. TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thiện đầu vào cần thiết cho 24 TYT thí điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng có những sáng tạo riêng để quản lý sức khỏe người dân. Thạc sỹ Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, từ năm 2018, để xây dựng kế hoạch phòng, chông bệnh không lây nhiễm năm 2018, tỉnh đã triển khai đo huyết áp cho 100% người dân trên 40 tuổi, cập nhật vào phần mềm hồ sơ sức khỏe. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh cũng phát động tổ chức ngày thứ 7 tình nguyện, vận động các y, bác sĩ là con em trên địa bàn xã, phường, thị trấn phối hợp với TYT, chính quyền địa phương khám, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân.
Việc ứng dụng nguyên lý y học gia đình đang được kỳ vọng sẽ giúp các TYT xã phát huy được vai trò của mình trong quản lý bệnh không lây nhiễm. Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong nâng cao vai trò của y tế cơ sở, nhiều TYT xã đã phát huy vai trò là địa chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đáp ứng tốt không tác phòng bệnh, chống dịch, quản lý bệnh không lây nhiễm.
Thiên Lam
Theo Nhân dân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác