09/01/2017 12:00
(Chinhphu.vn) - Hiện nay chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tiêm vắc xin phòng 12 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn.
Bộ Y tế tiếp tục giải đáp một số thắc mắc liên quan đến vắc xin khi tiêm chủng như sau:
Bà Phan Thị Thuỷ (thuyphan20@....): Con tôi được 4,5 tháng, đã tiêm đủ mũi vắc xin viêm gan B và 1 mũi vắc xin 6 trong 1 dịch vụ. Vậy giờ con tôi có được tiêm loại vắc xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không?
Bộ Y tế trả lời: Theo lịch tiêm chủng, trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Con của bà Phan Thị Thuỷ mới được tiêm 1 mũi vắc xin 6 trong 1, bà hãy cho trẻ đến các trạm y tế xã/phường để tiêm liều tiếp theo vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib và uống vắc xin Bại liệt.
Bà Thủy không nên chờ vắc xin dịch vụ vì như vậy đã bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cho trẻ. Khi đi tiêm chủng bà cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ để cán bộ y tế biết cháu đã tiêm chủng những vắc xin gì để có chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Ông Vũ Mạnh Quang (vmq2086@...): Con tôi hiện tại được 10 tháng 20 ngày tuổi, đã tiêm đầy đủ các mũi theo lịch tiêm chủng quốc gia đến mũi tiêm sởi. Xin hỏi tiêm phòng thuỷ đậu có nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không?
Bộ Y tế trả lời: Hiện nay chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tiêm vắc xin phòng 12 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn.
Vắc xin phòng bệnh thủy đậu hiện chưa được triển khai trong tiêm chủng mở rộng. Ông Vũ Mạnh Quang có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ (phải trả tiền) để tiêm vắc xin này. Khi đi tiêm chủng cần mang theo sổ/phiếu tiêm chủng của trẻ để cán bộ y tế biết và chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (ntthuy.halo@...): Con tôi đã tiêm vắc xin 5 trong 1 dịch vụ (vắc xin của Pháp) được 2 mũi theo đúng lịch (2 tháng và 3 tháng tuổi). Con tôi được 6 tháng nhưng hiện không có vắc xin dịch vụ. Nếu giờ tôi cho con đi tiêm vắc xin Quinvaxem có ảnh hưởng gì không? Con tôi có thể đợi vắc xin dịch vụ tối đa đến khi cháu mấy tháng để không ảnh hưởng đến hiệu quả của 2 mũi tiêm trước đó.
Bộ Y tế trả lời: Theo lịch tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu vì lý do nào đó trẻ không được tiêm chủng đúng lịch thì cần phải được tiêm chủng sau đó càng sớm càng tốt để đảm bảo khả năng phòng bệnh cho trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ không nên chờ vắc xin dịch vụ vì trẻ có thể mắc bệnh trước khi được tiêm chủng. Bà hãy đưa trẻ đến trạm y tế xã/phường vào buổi tiêm chủng để tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, và viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib và uống vắc xin bại liệt. Khi đi tiêm chủng bà cần mang theo sổ/phiếu tiêm chủng của trẻ để cán bộ y tế biết và có chỉ định tiêm chủng phù hợp.
Bà Tố Thanh Thảo (tothao87@...): Con tôi sinh được hơn 1 tháng (5 tuần tuổi) chỉ tiêm vắc xin ngừa mũi lao, chưa tiêm mũi viêm gan B. Theo tôi được biết mũi 5 trong 1 cũng có ngừa viêm gan B. Vậy, con tôi chỉ tiêm mũi vắc xin 5 trong 1, không cần tiêm vắc xin viêm gan B có được không?
Bộ Y tế trả lời: Theo lịch tiêm chủng, trẻ em cần được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh, sau đó tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não mủ do vi khuẩn Hib (Quinvaxem) kết hợp với uống vắc xin bại liệt lúc 2, 3, 4 tháng tuổi.
Con của bà Tố Thanh Thảo đã hơn 1 tháng tuổi, vậy khi trẻ đủ 2 tháng tuổi bà hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin Quinvaxem phối hợp phòng 5 bệnh trên (trong đó có thành phần vắc xin viêm gan B) và uống vắc xin phòng bệnh bại liệt trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm Y tế xã/phường.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác