10/01/2017 12:00
Ðược Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, từ năm 2007, ngành Y tế bắt đầu triển khai Dự án Alive & Thrive (viết tắt là A&T) nhằm tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cải thiện thực hành ăn bổ sung cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ...
Ðược Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, từ năm 2007, ngành Y tế bắt đầu triển khai Dự án Alive & Thrive (viết tắt là A&T) nhằm tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cải thiện thực hành ăn bổ sung cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ. Ðến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, với nhiều hoạt động cụ thể, phong phú, Dự án đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trên địa bàn.
Theo đó, trong 5 năm qua, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp trang thiết bị, Dự án còn tập trung hỗ trợ ngành Y tế trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng. Ðặc biệt, cùng với các hình thức tuyên truyền thông thường, Dự án còn thiết lập các dịch vụ tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua mô hình phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ”.
Ðến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 15 phòng tư vấn hoạt động thường xuyên tại các xã, phường trọng điểm. Ðến với phòng tư vấn, các bà mẹ đều được tư vấn viên cung cấp các kiến thức về quá trình chuẩn bị làm mẹ cũng như việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ thông qua các gói dịch vụ như: khuyến khích, hỗ trợ, quản lý việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn; hướng dẫn, quản lý cách cho trẻ ăn bổ sung nhằm góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng trẻ em...
Chị Nguyễn Thị Xuân ở thị trấn Kiến Ðức (Ðắk R’lấp) mang thai lần đầu tiên nên những kiến thức về nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu hay cách chăm sóc trẻ vẫn còn rất lạ lẫm. Tuy nhiên, từ khi phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” được thành lập tại Bệnh viện Ða khoa huyện, chị đã tìm đến để được tư vấn, nắm bắt rất nhiều kiến thức cần thiết. Chị Xuân cho biết: “Sau các buổi tư vấn, được biết thêm nhiều kiến thức bổ ích, tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều để chuẩn bị cho ngày sinh nở cũng như quá trình nuôi con sau này”.
Còn chị Nguyễn Thúy Quỳnh ở xã Ðắk Nia (Gia Nghĩa) đang mang thai đứa con thứ hai cũng cho biết: “Khi sinh em bé đầu lòng, tôi cho bé uống sữa bột từ khi mới sinh và ăn dặm thêm ngay từ tháng thứ 3. Kinh nghiệm này do mẹ tôi truyền lại chứ tôi chưa nghe nói ăn và uống bổ sung cho bé trong 6 tháng đầu là không tốt. Ðến lần mang thai này, do được trang bị nhiều kiến thức bổ ích về việc nuôi con bằng sữa mẹ và cách cho trẻ ăn bổ sung hợp lý nên tôi thấy tự tin hơn”.
Theo đánh giá của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, việc triển khai thực hiện Dự án đã giúp ngành Y tế giải quyết không ít khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Ðiều quan trọng nhất là nhận thức của người dân về kiến thức và kỹ năng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý đã được nâng cao. Vì vậy, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng tăng lên đáng kể, cách nuôi con cũng hợp lý hơn và tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ đã có dấu hiệu giảm qua các năm.
Các dịch vụ về cấp cứu sản khoa và chăm sóc sơ sinh được tăng cường từ tuyến tỉnh đến cơ sở, việc chuyển tuyến đúng và an toàn hơn. Nhờ đó, tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tỷ suất tử vong mẹ đã giảm từ 54,9/100.000 dân (năm 2007) xuống còn 15,35/100.000 dân (năm 2012). Tỷ lệ tử vong sơ sinh cũng giảm từ 15,9/1.000 trẻ (năm 2007) xuống còn 10,6/1.000 trẻ (năm 2012). Ngoài ra, các chỉ tiêu về tỷ lệ phụ nữ được khám thai định kỳ, tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế, đẻ được cán bộ y tế chăm sóc, đẻ được chăm sóc hậu sản… đều tăng theo từng năm.
Cũng theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh thì mặc dù Dự án đã kết thúc, nhưng những kết quả bước đầu nói trên sẽ là cơ sở quan trọng để ngành tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác