07/03/2017 10:00
Ngày 9/12, Uỷ ban Các vấn đề xã hội (CVĐXH) của Quốc hội đã tổ chức phiên họp Thường trực Uỷ ban mở rộng để nghe Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình về tổ chức, bộ máy ngành y tế.
Dự phiên họp có đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban CVĐXH của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế. Tham dự cuộc họp còn có các đồng chí Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ và đại diện Bộ Nội vụ, Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyên gia y tế của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Việc đầu tư, quy hoạch, sắp xếp bộ máy ngành y tế, đặc biệt là cơ sở và Trung tâm DS-KHHGĐ đã được đề cập, đánh giá với mục tiêu hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phiên họp đề cập nhiều đến việc sắp xếp bộ máy ngành y tế.
Nhiều địa phương mong muốn đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện quản lý. Việc này sẽ không gây xáo trộn về tổ chức, không làm tăng biên chế, không làm tăng kinh phí, chỉ thay đổi về cơ quan chủ quản, cơ chế quản lý và hiệu quả thì sẽ tăng lên rõ rệt.
Bất cập về hình thức quản lý
Trong phần giải trình về tổ chức bộ máy ngành y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đầy đủ thực trạng cùng những thuận lợi và khó khăn của hệ thống y tế, dân số ở địa phương trong các giai đoạn. Nói về công tác DS-KHHGĐ khi sáp nhập về với y tế, Bộ trưởng cho hay thời gian đầu rất khó khăn cho đến khi có Công điện số 695/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới hoàn thành được việc chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành dân số ở địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ máy tổ chức của ngành dân số hiện nay ở tuyến huyện và xã vẫn chưa thống nhất về hình thức quản lý. Nhiều địa phương mong muốn đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện cho phù hợp với công tác tuyên truyền vận động, có sự chỉ đạo sát sao của UBND.
Được sự chỉ đạo của Bộ trưởng về việc thu thập ý kiến của các địa phương để từ đó đề xuất mô hình hoạt động dân số sao cho hiệu quả nhất, Tổng cục DS-KHHGĐ vừa thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở địa phương về vấn đề này.
Tại phiên giải trình, được sự uỷ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế, TS.Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã báo cáo về kết quả khảo sát và kiến nghị mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới.
Tổng cục DS-KHHGĐ đã thu thập được số lượng phiếu trả lời rất lớn: 8.883 phiếu; trong đó có 49 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 574 Phó Chủ tịch UBND huyện, 2.558 Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn xã (tất cả các đồng chí này đều là Trưởng Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tuyến tỉnh, huyện và xã), 63/63 Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, 614 Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, 2.488 Trạm trưởng Trạm y tế xã và 2.497 cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã.
Hầu hết các đồng chí Phó Chủ tịch UBND các cấp tỉnh, huyện, xã đều mong muốn đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và đưa cán bộ chuyên trách dân số xã về UBND xã quản lý để lãnh, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ hiệu quả hơn.
Kết quả thống kê các ý kiến trả lời cho thấy: Có tới 60,7% Phó Chủ tịch UBND tỉnh, huyện và 58% lãnh đạo Chi cục và Trung tâm DS-KHHGĐ muốn chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ huyện trực thuộc UBND huyện. Điều đáng lưu ý ở đây là ngay cả các đồng chí Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ và Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ đang là người trực tiếp quản lý Trung tâm DS-KHHGĐ cũng đồng ý cao với phương án này. Đặc biệt, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện rất mong muốn và sẵn sàng tiếp nhận Trung tâm DS-KHHGĐ về để trực tiếp quản lý. Điều này đã thể hiện ý thức, trách nhiệm rất cao của lãnh đạo UBND các huyện trong việc đóng góp ý kiến về việc xây dựng tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở.
Về việc đưa cán bộ chuyên trách dân số xã về UBND xã quản lý, có tới 68,3% Phó Chủ tịch UBND huyện mong muốn chuyển cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ thành viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ làm việc tại UBND xã để lãnh, chỉ đạo được hiệu quả hơn. Tuyệt đại đa số những người đang trực tiếp quản lý, chỉ đạo cán bộ DS-KHHGĐ ở xã (92,1% Chi cục trưởng và 90,4% Giám đốc Trung tâm) mong muốn chuyển số cán bộ này thành viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ làm việc tại UBND xã.
Phần lớn các ý kiến mong muốn chuyển cán bộ chuyên trách dân số thành viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ và làm việc tại UBND xã (Ảnh Dương Ngọc)
Cần một bộ máy tổ chức phù hợp
Phiên họp nhận được nhiều ý kiến phản biện và đóng góp cho bộ máy tổ chức của ngành y tế nói chung và của công tác DS-KHHGĐ của các đại biểu và chuyên gia trong lĩnh vực này.
Bàn về tổ chức bộ máy của công tác DS-KHHGĐ, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, Viện vừa nghiên cứu và xuất bản cuốn sách 50 năm về công tác DS-KHHGĐ. Theo ông, trong 50 năm qua ngành dân số đã 7 lần thay đổi bộ máy tổ chức và vẫn chỉ một tư duy làm DS-KHHGĐ. "Nếu chúng ta tư duy theo dân số và phát triển thì bộ máy phải khác. Tôi muốn quay trở lại bộ máy dân số những năm 1993 - 2000 rất hiệu quả nhưng gắn với nhiệm vụ mới là dân số và phát triển" - GS.Nguyễn Đình Cử nói.
Để triển khai công tác DS-KHHGĐ hiệu quả hơn, TS Dương Quốc Trọng đã kiến nghị mô hình tổ chức của ngành DS-KHHGĐ trong thời gian tới là: Ở cấp tỉnh, Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế, ở cấp huyện Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện (Chi cục DS-KHHGĐ chỉ đạo về mặt chuyên môn) và ở cấp xã thì CBCT dân số là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, biệt phái làm việc tại UBND xã. "Với mô hình trên, chúng tôi xin nhận thấy rằng sẽ không gây xáo trộn về tổ chức, không làm tăng biên chế, không làm tăng kinh phí; chỉ thay đổi về cơ quan chủ quản, cơ chế quản lý và hiệu quả thì sẽ chắc chắn sẽ tăng lên rõ rệt" - TS.Dương Quốc Trọng nhấn mạnh.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác