07/03/2017 10:00
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động thương binh và xã hội, Đắk Lắk hiện có hơn 10.800 trẻ mồ côi, trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp nên công tác chăm sóc cho đối tượng này đã thu được những kết quả đáng mừng. Đã có 1.278 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng trợ cấp hành tháng và 824 người khuyết tật và trẻ mồ côi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 7 cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh.
Nhiều người đã già nhưng vẫn phải nuôi cháu thay con.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bất hạnh đang phải sống trong cảnh thiếu thốn, khổ cực. Rất cần được sự quan tâm thường xuyên để các cháu vơi đi khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Chia sẻ những khó khăn khi phải nuôi 2 đứa cháu bất hạnh, bác Phùng Duy Lựu ở thôn 7, xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo cho biết: “Con trai tôi lấy vợ và sinh được 4 đứa con, năm 2008 vợ mất, nó cũng bỏ nhà ra đi luôn. Từ đó, trong 4 đứa trẻ thì 2 đứa ở với người cô, còn 2 ở với tôi”.
Bác Lựu năm đã gần 70 tuổi, cuộc sống vốn đã khó khăn, nay phải nuôi thêm 2 đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi học nên càng khó khăn gấp bội. Tuổi như bác, nhiều người đã nghỉ ngơi tuổi già, nhưng vợ chồng bác không được như vậy. Với suy nghĩ, con dại cái mang, các cháu của mình không may mắn như những đứa trẻ khác thì mình phải cố gắng bù đắp cho nó. Vì thế, dù tuổi đã cao, sức ngày một yếu, hai bác vẫn cặm cụi chăm sóc vài trăm cây tiêu của mình để vừa có tiền trang trải bữa ăn hàng ngày, lại vừa có tiền đóng học phí cho các cháu.
Còn gia đình của H’Nét Nay và những đứa em ở buôn Săm A, xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo có phần bi đát hơn. Mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ hai, theo phong tục của người đồng bào thì người chồng phải về ở nhà vợ. Vì thế, bố đã bỏ H’Nét và 2 đứa em đi tìm hạnh phúc mới. 3 chị em nương tựa vào một người cậu mà sống. Được một thời gian, H’Nét đi lấy chồng, lúc đó cô mới 15 tuổi. Sống với chồng không lâu, chồng đánh ghen và dùng xăng đốt bị bỏng nặng, H’Nét quay về ở với người cậu và 2 đứa em. Nhưng nhà chỉ có 6 sào lúa và vài chục cây cà phê đã già cỗi nên thu nhập được rất ít. Bị thương tật do bỏng, H’Nét không thể đi làm thuê, làm mướn. Mặc dù, người cậu của H’Nét dù đã cố gắng rất nhiều nhưng không đủ tiền để chăm sóc các cháu. Vì thế, đứa em thứ 2 của H’Nét đã 12 tuổi nhưng không được đi học, còn đứa em còn lại đang học lớp 1, với hoàn cảnh như hiện nay, có lẽ việc học tập không phải là ưu tiên hàng đầu đối với đứa trẻ này.
H'Nét Nay và 2 em(bìa phải).
Thực tế cho thấy, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, khi bố mẹ mất sớm, hoặc bỏ nhau, bỏ nhà ra đi…không chỉ làm cho những đứa trẻ trong gia đình thiếu thốn về tình cảm, mà còn tương lai, học tập chắc chắn sẽ bị lùi lại. Vì vậy, một mặt, cần tăng cường công tác tuyên tuyền luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, nâng cao trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ đối với con cái. Mặt khác, các ngành chức năng cần triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ cho những đứa trẻ bất hạnh biết cách vượt qua khó khăn, vươn lên làm người có ích.
Sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp trong công tác chăm sóc trẻ em bất hạnh và mồ côi là điều rất cần thiết. Nhưng điều quan trọng là mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ, không chỉ vì một biến cố trong gia đình mà bỏ rơi con cái. Hãy biết vượt qua, thể hiện mình là chỗ dựa lớn nhất cho các con. Có như vậy, trẻ em mới có được niềm tin, có động lực để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống hiện tại và tương lai./.
V.T
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác