Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số, đại diện Phòng Cơ cấu và chất lượng dân số(Cục Dân số), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia về dân số, đại diện Chi cục Dân số/Chi cục Dân số-KHHGĐ/Phòng Dân số và một số ban, ngành có liên quan trong phối hợp thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của 10 tỉnh, thành phố (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận).
Theo các chuyên gia dân số cũng như báo cáo tại Hội thảo “Định hướng các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo đặc trưng vùng miền”, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở Việt Nam từ năm 2006 (tỷ số giới tính khi sinh: 109,8 bé trai/100 bé gái), năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái. Nguyên nhân chính là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ“ vẫn còn tồn tại, tâm lý ưa thích sinh con trai để “nối dõi tông đường” đã ăn sâu trong tâm thức người dân; hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa đảm bảo nên người dân mong muốn sinh được con trai để nương tựa tuổi già; sự lạm dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh chưa được kiểm soát. Mất cân bằng giới khi sinh gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như thừa nam thiếu nữ trong tương lai, gia tăng tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng giới…
Đại biểu nghiên cứu các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Năm 2020, Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo mới: Nếu tỷ số giới tính khi sinh giảm nhanh xuống 107 bé trai/100 bé gái vào năm 2029, năm 2039 xuống 105 bé trai/100bé gái (đạt mức cân bằng tự nhiên 103-107 bé trai/100 bé gái) thì năm 2044 Việt Nam sẽ có gần 1,3 triệu nam giới trong độ tuổi 20-39 tuổi bị dôi dư, gây khó khăn trong việc kết hôn.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày 2 chuyên đề Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh trong các cấp hội phụ nữ và chương trình giáo dục các trường trung học phổ thông. Đồng thời, đại diện các tỉnh Gia Lai trình bày báo cáo tham luận về kinh nghiệm triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nhằm giảm tỷ số giới tính về mức cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103-107 bé trai/100 bé gái), đại biểu các tỉnh cùng nhau trao đổi, thảo luận và đề ra một số giải pháp trọng tâm như: tiếp tục vận động các cấp, các ngành tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác dân số trong tình hình mới, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi đối với kiểm soát mất cân bằng giới khi sinh, triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao hiệu quả thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS, tích cực phối hợp liên ngành và chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức trong việc triển khai Đề án Kiểm soát MCBGTKS.