Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số (tháng 12) và Ngày dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, chiều 23/12, Chi cục Dân số-KHHGĐ tổ chức tọa đàm Kỷ niệm 63 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1961 – 26/12/2024). Bà H Bê Niê – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chủ trì.
Tại đây, các đại biểu cùng nhau ôn lại ngọn nguồn và ý nghĩa của Ngày Dân số Việt Nam. Cách đây 63 năm về trước, giữa lúc đất nước còn bị chia cắt, dân tộc Việt Nam phải đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước. Lúc đó, Hội đồng Chính phủ nước ta đã thông qua quyết định đặc biệt đó là Quyết định số 216 ngày 26/12/1961 về việc hướng dẫn sinh đẻ cho Nhân dân do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Quyết định số 216 là văn bản pháp quy đầu tiên về chính sách dân số ở Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, mang đậm tính nhân văn và làm cơ sở định hướng cho các chính sách Dân số-KHHGĐ. Mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là vì sức khỏe của người mẹ, vì hòa thuận, hạnh phúc của gia đình và để cho việc nuôi dạy con được chu đáo. Từ ý nghĩa thiệt thực đó, theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia Dân số-KHHGĐ, ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ban hành Quyết định số 326 lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chươngtrình dân số và kế hoạch hoá gia đình vì mục đích góp phần nâng cao chất lượngcuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội.
Sau Quyết định số 216, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách dân số để hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt là Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VII, Chỉ thị 50 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới từng bước chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Công chức và người lao động Chi cục Dân số-KHHGĐ chụp hình lưu niệm.
Cũng tại buổi tọa đàm, các công chức và người lao động Chi cục Dân số-KHHGĐ đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong quá trình công tác. Đồng hành với sự nghiệp dân số, trong những năm qua các thế hệ công chức và người lao động Chi cục Dân số-KHHGĐ không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số đến với các tầng lớp Nhân dân... góp phần đẩy lùi phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân, gia đình, từng bước giảm sinh hợp lý, tiến dần mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số; thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về công tác Dân số-KHHGĐ ở tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu chia sẻ tại buổi Tọa đàm, bà H Bê Niê – Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ khẳng định quyết tâm cùng toàn thể công chức và người lao động đoàn kết một lòng, đổi mới sáng tạo trong công tác để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Võ Thảo