30/06/2014 12:00
Bệnh sởi do virus Sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.
Những hiểu biết về bệnh Sởi
Trẻ 9 tháng tuổi trở lên cần tiêm phòng văcxin sởi. Phụ nữ đang cho con bú nên tiêm phòng để tránh cho con bị sởi. Người lớn cũng có thể mắc sởi.
1. Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?
Bệnh sởi do virus Sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.
2. Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?
Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là trẻ nhỏ không có miễn dịch từ mẹ truyền sang, trẻ đã tiêm văcxin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch, thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm văcxin trước đây.
3. Biểu hiện của bệnh sởi?
Trong vòng 7 - 21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng Sốt cao, Ho, Hắt hơi. Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân.
4. Cách phát hiện sớm bệnh sởi?
Bất kể ai chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi mà có biểu hiện sốt 39-40 độ, đỏ mắt, kèm ho khan, chảy nước mũi, cần đến khám ngay tại cơ sở y tế.
5. Cách tốt nhất để phòng chống bệnh sởi hiện nay?
- Thường xuyên nghe thông báo của ngành y tế về bệnh dịch.
- Cần áp dụng đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế cũng như của y tế cơ sở khi có dịch xảy ra.
- Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì vậy cần tránh chỗ đông người. Người lớn mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ.
- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các biểu hiện bệnh, đưa đi khám.
- Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế.
6. Cách phân biệt sốt do sởi với các loại sốt siêu vi, sốt xuất huyết, sốt do viêm amidan, sốt do chân tay miệng?
- Sốt do sởi thường xuất hiện ở trẻ em chưa được tiêm phòng sởi.
- Trẻ có sốt cao, 39-40 độ, kèm theo mắt kèm nhèm, ho nhiều, ho khan, chảy nước mũi, thậm chí có tiêu chảy phân lỏng 1-2 lần trong ngày.
- Đến ngày thứ ba của sốt sẽ thấy ban sởi mọc, thông thường bắt đầu ở vùng sau tai, trán, mặt, lan dần xuống cổ, thân mình và chân tay.
Đây là các dấu hiệu chính. Tuy nhiên, cách tốt nhất khi trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, ho hoặc có dấu hiệu bất thường khác, nên đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và tư vấn đầy đủ.
7. Có nên tắm hạt mùi khi bị sởi?
Hiện nay không có bằng chứng khoa học nào về việc tắm hạt mùi hay các loại cây cỏ có tác dụng phòng tránh bệnh sởi. Vì vậy, phụ huynh cần cẩn trọng khi sử dụng các phương pháp này.
8. Bị sởi có nên chữa ở nhà?
Bước đầu, nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, đừng đến chỗ tập trung quá đông bệnh nhân để tránh lây bệnh. Cần xin ý kiến đầy đủ về cách chăm sóc cháu tại nhà, sau đó có thể chăm sóc con tại nhà theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ.
Cần lưu ý mấy điểm sau:
- Khi trẻ sốt cần dùng thuốc hạ nhiệt, nên dùng thuốc đặt hậu môn vì loại thuốc này tan dần trong 6 tiếng giúp duy trì nhiệt độ luôn luôn dưới 38,5 độ, phòng nguy cơ co giật cho các cháu.
- Chú ý vệ sinh: Bao gồm vệ sinh răng miệng, vệ sinh mắt, mũi, vệ sinh da. Có thể tắm cho cháu bằng nước ấm và xà phòng, nhưng nên tắm nhanh ở nơi kín gió.
- Chú ý đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ.
Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, ví dụ đã hết sốt tự nhiên xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, trẻ có biểu hiện chói mắt hoặc đi ngoài hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đi khám lại ngay, để bác sĩ xem xét và quyết định trẻ có cần nhập viện điều trị.
9. Trẻ hết sốt là hết bệnh sởi?
Hiện nay nhiều trẻ bệnh sởi đã hết sốt nhưng vẫn có biến chứng. Do đó vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi hạ sốt để nhanh chóng phát hiện bất thường và kịp thời xử lý.
10. Phương pháp chẩn đoán bệnh sởi?
Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm huyết thanh là phương pháp chính xác nhất. Cần lấy 3 ml máu của bệnh nhân trong khoảng 28 ngày kể từ khi phát ban để tìm kháng thể IgM. Nếu kết quả dương tính chứng tỏ bệnh nhân đã mắc sởi. Bên cạnh đó, có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và thông tin tiếp xúc với nguồn lây.
11. Tiêm văcxin sởi sẽ không mắc bệnh sởi nữa?
Khi tiêm văcxin sởi, đáp ứng miễn dịch tùy thuộc vào tuổi tiêm chủng, loại văcxin và đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng văcxin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng. Cũng như các văcxin khác, tiêm 1 mũi văc xin sởi đạt phòng ngừa 80-85%, tiêm đủ 2 mũi văcxin sởi cũng chỉ đạt hiệu quả khoảng 95%.
12. Có thể hiểu khả năng phòng ngừa khi tiêm văcxin sởi đạt 80-85% là gì?
Về nguyên tắc, khi sản xuất văcxin sởi, các nhà sản xuất cố gắng đảm bảo hiệu quả phòng bệnh của văcxin sởi đến 90%. Tuy nhiên, một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến kết quả tiêm chủng, như sức khỏe của bản thân mỗi trẻ và một số lý do khác ngoài mong muốn của ngành y tế.
Số lượng 80-85% là số trẻ chắc chắn đã được bảo vệ sau tiêm mũi 1. Đây là kết quả đánh giá của chương trình tiêm chủng, chúng ta không thể chắc chắn cháu nào đã đạt hiệu quả và cháu nào chưa. Vì vậy, sau nhiều năm cân nhắc, ngành y tế quyết định phải tiêm ngừa sởi 2 mũi để những trường hợp chưa được bảo vệ bằng mũi 1 sẽ được bảo vệ bằng mũi 2. Tổ chức Y tế thế giới cũng hướng dẫn những người được tiêm phòng đủ 2 mũi sẽ có miễn dịch cả đời, và đủ kháng thể truyền cho con, với phụ nữ.
13. Tiêm văcxin sởi có tác dụng như thế nào?
Sau khi tiêm, văcxin sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm virus sởi, bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon.
14. Có những loại văcxin sởi nào?
Hiện nay, trên thế giới có hàng chục loại văcxin sởi dưới dạng văcxin đơn hoặc văcxin phối hợp (sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella). Hầu hết văcxin được trình bày dưới dạng văcxin đông khô đi kèm với dung môi.
15. Lịch tiêm văcxin sởi?
Đối với tiêm văcxin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:
- Trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
- Trong tiêm chủng chiến dịch: Thực hiện tiêm văcxin cho tất cả đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.
- Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm văcxin sởi là 1 tháng.
Đối với văcxin tiêm chủng dịch vụ: Tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả lứa tuổi đều có thể tiêm văcxin sởi.
16. Miễn dịch sau tiêm văcxin sởi có bền vững suốt đời?
Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm văcxin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.
17. Tại sao phải tiêm hai liều văcxin sởi?
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm văcxin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản văcxin...Việc tiêm mũi văcxin sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm văcxin sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.
18. Sau khi tiêm mũi một, có thể tiêm mũi 2 sởi trước lịch hẹn không?
Mũi 2 văcxin sởi có thể tiêm được khi cách mũi 1 phải ít nhất từ một tháng trở lên, nên các bố mẹ có thể đưa con đi tiêm sớm trước lịch hẹn.
19. Bao lâu sau tiêm, văcxin sởi phát huy tác dụng phòng tránh?
Thông thường, sau khi tiêm văcxin phải cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ. Trong thời gian cơ thể chưa có miễn dịch bảo vệ thì vẫn có nguy cơ phơi nhiễm và mắc bệnh.
20. Có nên tiêm văcxin đối với người từng mắc sởi?
Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm văcxin sởi. Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm.
21. Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm văcxin sởi?
Có. Kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.
22. Có thể tiêm ngừa sởi trong lúc đang mang thai không?
Khi mang thai thì không được chích ngừa văcxin này.
23. Có thể tiêm sởi trước 9 tháng tuổi không?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, độ tuổi tiêm phòng cho văcxin sởi cho trẻ là từ 9 tháng tuổi. Việc này để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn sức khỏe cho trẻ. Chỉ tiêm văc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình TCMR trong trường hợp cần thiết. Tất cả các trường hợp tiêm văcxin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay văcxin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là 1 mũi văcxin.
24. Trẻ đã chích ngừa sởi đủ 2 lần, nguy cơ mắc sởi có còn không? Có nên cho trẻ đi thử máu để xem đã có miễn dịch?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của Bộ Y tế, trẻ cần được tiêm hai mũi văcxin phòng bệnh sởi. Khi trẻ được tiêm văcxin sởi hai mũi đúng lịch thì khả năng bảo vệ phòng bệnh sởi có thể đạt 90-95% nên không cần thiết phải thử máu để tránh các nguy cơ có thể gặp phải.
25. Cách phòng tránh sởi cho trẻ em dưới 9 tháng?
Không nên cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người khi không cần thiết. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi. Không cho trẻ đến nơi đang có dịch, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Người chăm sóc trẻ cũng không nên tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh sởi hoặc nghi sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế ẵm, chăm sóc trẻ. Đảm bảo vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ. Khi trẻ đủ 9 tháng, cần cho đi tiêm văcxin sởi đúng lịch.
26. Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm văcxin sởi?
Văcxin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các văcxin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị gì. Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm văcxin sởi là rất hiếm gặp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm.
27. Có tiêm văcxin khi đang bị sốt, nhiễm trùng cấp tính hay không?
Các trường hợp sốt, nhiễm trùng cấp tính đang tiến triển cần tạm hoãn tiêm, đợi khi khỏi có thể đi tiêm được.
28. Có nên tiêm mũi thứ 3 để phòng sởi không?
Đã tiêm đủ 2 mũi văcxin sởi, tức đã có miễn dịch và không cần tiêm mũi 3 nữa.
29. Người lớn có bị lây bệnh sởi?
Người lớn mà chưa có miễn dịch sởi, tức chưa tiêm phòng hoặc chưa chắc chắn mình đã bị sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi sởi thì vẫn có nguy cơ cao lây bệnh. Nhất là khi người lớn đi chăm sóc trẻ bị đang bị sởi. Vì thế người lớn cũng cần được chích ngừa phòng bệnh sởi.
30. Văcxin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không?
Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, văcxin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Tiêm văcxin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
Bs.CK1: Nguyễn Đức Vũ (tổng hợp)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác