03/05/2014 12:00
- Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.
Những dấu hiệu nhận biết, biến chứng, chăm sóc và Cách phòng bệnh Sởi
- Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ.
- Bệnh có biểu hiện đặc trưng là Sốt, Viêm long đường hô hấp, Viêm kết mạc và Phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như Viêm phổi, Viêm não, Viêm tai giữa, Viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong.
1. Những dấu hiệu nhận biết về bệnh Sởi
1.1. Thể điển hình
- Giai đoạn ủ bệnh: 7-21 ngày.
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): 2-4 ngày. Người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
1.2. Thể không điển hình
- Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.
- Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.
2. Những biến chứng.
Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do vi rút sởi, do bội nhiễm sau sởi thường xảy ra ở: Trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch do HIV hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai. Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng như:
- Do vi rút sởi: Viêm thanh khí phế quản, Viêm cơ tim, Viêm não, màng não cấp tính.
- Do bội nhiễm: Viêm phổi, Viêm tai giữa, Viêm dạ dày ruột...
- Do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc kém: Viêm loét hoại tử hàm mặt (cam tẩu mã), Viêm loét giác mạc gây mù lòa, Suy dinh dưỡng...
3. Cách chăm sóc trẻ bị bệnh Sởi:
- Cho trẻ cách ly, tránh nơi đông người;
- Để trẻ nằm trong buồng thoáng khí, đủ ánh sáng;
- Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ;
- Vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh, tránh tập tục kiêng nước, kiêng gió;
- Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl) 0,9%, 3-4 lần/ngày;
- Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng, các thức ăn giầu vitamin đặc biệt là vitamin A;
- Cho trẻ uống đủ nước, ORS hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy cho trẻ bú nhiều hơn, chú ý bù đủ nước và điện giải;
- Chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao;
- Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của Bác sĩ;
C Chú ý:
- Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt phát ban dạng sởi để được khám và điều trị kịp thời.
- Một số dấu hiệu nặng của bệnh Sởi:
+ Trẻ mệt, li bì hoặc kích thích, bú kém, bỏ bú;
+ Sốt cao, ho nhiều, thở nhanh, khó thở, tiêu chảy…;
+ Ban lặn hết mà trẻ còn sốt.
2. Cách phòng bệnh Sởi:
2.1. Phòng bệnh chủ động bằng cách tiêm vắc xin Sởi:
- Tiêm Vắc xin phòng bệnh Sởi là biện pháp quan trọng nhất: Trẻ nhỏ, tiêm 2 mũi vắc xin sởi cho trẻ (mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi);
- Tiêm Vắc xin phòng sởi cho các đối tượng khác theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
2.2. Phòng bệnh chung:
- Cách ly bệnh nhân sởi, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh, hạn chế tập trung nơi đông người;
- Người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân sởi, nhân viên y tế cần sử dụng khẩu trang y tế;
- Nâng cao thể trạng, ăn uống dinh dưỡng đủ;
- Tuyên truyền sâu rộng trong cộng động về bệnh Sởi, cách nhận biết và các bệnh pháp phòng chống.
Bs.CK1: Nguyễn Đức Vũ
Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Krông Bông
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác