Theo thông báo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua giám sát chủ động đã phát hiện một số trường hợp dương tính với cúm A(H5N6) trên đàn gà nuôi tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đây là lần đầu tiên vi rút cúm A(H5N6) được ghi nhận tại Việt Nam. Chủng vi rút này đã từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gien của các mẫu vi rút cúm A(H5N6) phát hiện ở Việt Nam thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng vi rút cúm A(H5N6) gây mắc và tử vong đầu tiên trên người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào tháng 4 năm 2014 và trên đàn gia cầm ở khu vực bệnh nhân sinh sống, đây là trường hợp duy nhất mắc cúm A(H5N6) ở người cho đến nay, trước đó Trung Quốc chưa có báo cáo về nhiễm cúm A(H5N6) trên gia cầm. Tại Lào cũng đã phát hiện các mẫu gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H5N6 nhưng không gây bệnh lâm sàng cho gia cầm tại tỉnh Luang Prabang vào tháng 7/2014.
Theo Tổ chức Thú y thế giới, đây là chủng vi rút có độc lực cao và chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, nên việc theo dõi, giám sát diễn biến của chủng vi rút mới cần được thực hiện chặt chẽ để có ứng phó kịp thời khi dịch bùng phát trên gia cầm.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người, Bộ Y tế đã có Công văn số 5439/BYT ngày 14/8/2914 gửi Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung công tác sau:
-
Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm cho ngành Y tế để phối hợp giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A (H5N6) ở người.
-
Chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng vi rút cúm độc lực cao, đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch.
-
Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh cúm, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có các biểu hiện hoặc dấu hiệu của bệnh cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
-
Bộ Y tế sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm A(H5N6) và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để chỉ đạo và triển khai các biện pháp cần thiết phòng chống hiệu quả đối với cúm A(H5N6) và các chủng cúm gia cầm khác./
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
|