30/12/2015 12:00
Hút thuốc lá, thuốc lào đã trở thành thói quen lâu đời của nười Việt Nam. Mặc dù hầu hết mọi người đều biết ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe nhưng rất nhiều trong số đó vẫn không từ bỏ được hành vi có hại này. Trước thực tế đó, thời gian qua, ngành y tế Đắk Lắk đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với mục đích thay đổi hành vi hút thuốc lá của mọi người.
Mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không hút thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá năm 2015 tại Đắk Lắk
Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 40.000 người tử vong do thuốc lá. Số tiền hàng năm người dân Việt Nam chi cho thuốc lá lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia
Là ngành chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều biện pháp và kế hoạch hoạt động cụ thể nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng. Ngay từ khi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, Sở Y tế đã tổ chức hội thảo phổ biến Luật đến các đơn vị trực thuộc và một số ban, ngành trong tỉnh. Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá tỉnh với các thành viên là các sở, ban, ngành hữu quan. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đưa công tác phòng chống tác hại của thuốc lá vào nội quy, quy chế cơ quan. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và tổ chức công đoàn thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ công nhân viên về tác hại của thuốc lá, Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Đặc biệt đối với các cơ sở y tế thực hiện công tác khám chữa bệnh, nghiêm cấm cán bộ hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và phạm vi khuôn viên. Nhờ đó, tình trạng hút thuốc lá tại nơi làm việc đã giảm đáng kể.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk là một trong những đơn vị y tế thực hiện tốt công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Tại mỗi khoa, phòng và cả khuôn viên bệnh viện đều có biến báo “cấm hút thuốc” và “quy định cấm hút thuốc trong bệnh viện” kèm theo số điện thoại để tố giác hành vi vi phạm. Cán bộ y tế nào vi phạm sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo. Tái phạm sẽ bị phạt hành chính và nặng hơn là hạ điểm thi đua. Bác sỹ Ybliu Ajun, Phó Giám đốc Bệnh biện cho biết: Các y, bác sĩ và cán bộ bệnh viện còn thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách đến bệnh viện không hút thuốc lá. Vì vậy, hình ảnh hút thuốc lá tại bệnh viện không còn phổ biến như trước, tạo ra môi trường bệnh viện trong lành, an toàn”.
Bên cạnh đó, ngành y tế chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, cả truyền thông trực tiếp và gián tiếp về phòng chống tác hại của thuốc lá. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn buôn thường xuyên tổ chức thăm hộ gia đình, phát tờ rơi tuyên truyền, đặc biệt là tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có thói quen hút thuốc lâu đời. Tổ chức mít tinh, diễu hành nhân ngày Thế giới không hút thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá (từ 25-31/5) hàng năm. Trung tâm truyền thông GDSK phối hợp với Đài PHTH tỉnh và Báo Đắk Lắk xây dựng chuyên trang về phòng chống tác hại của thuốc lá với sự tham gia tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Được sự hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), năm 2015, Sở Y tế đã triển khai mô hình điểm về phòng chống tác hại của thuốc lá tại huyện Krông Bông, làm cơ sở để nhân rộng mô hình đến các địa phương khác trong toàn tỉnh những năm tiếp theo. Tại đây, hoạt động này đã được các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của huyện quan tâm, hưởng ứng tích cực và cam kết sẽ kêu gọi mọi nguồn lực để thực hiện công tác này.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm Truyền thông GDSK cũng đã tổ chức 8 buổi truyền thông trực tiếp, tập huấn cho các đối tượng là người dân, học sinh trung học, công an, thanh tra các ngành trên địa bàn về tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của thuốc lá với mục đích nâng cao ý thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện để Luật đi vào cuộc sống cộng đồng.
Mặc dù các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả nhất định. Song, ngành y tế vẫn còn gặp không ít khó khăn. Bác sỹ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với đặc thù công việc phải chịu nhiều áp lực, nhiều cán bộ y tế vẫn duy trì thói quen hút thuốc. Bên cạnh đó, việc đưa Luật phòng chống tác hại thuốc lá vào cuộc sống và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định 176 của Thủ tướng Chính phủ còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, nhiều người chưa biết về Luật, nhiều trường hợp biết nhưng lại làm ngơ, không chấp hành. Luật đã quy định rõ người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nhưng vì tâm lý ngại ngần, cả nể nên việc xử phạt chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Điều này làm hạn chế sự nghiêm minh của Luật và nguy cơ dẫn đến “lờn Luật”. Vì vậy, để cải thiện tình trạng này, trong thời gian tới, ngành y tế vẫn tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi người về tác hại của thuốc lá, tiến tới thay đổi hành vi có hại thành có lợi cho sức khỏe”./.
Thu Huế - Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác