31/03/2016 12:00
Trong tư tưởng của Bác Hồ về phụ nữ được xuất phát từ tình cảm đặc biệt đối với những người phụ nữ nói chung và từ thực trạng bất bình đẳng của phụ nữ dưới chế độ phong kiến, sự cai trị của thực dân Pháp đối với nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò to lớn của Phụ nữ Việt Nam trong xã hội, Người nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Bác cũng từng khẳng định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Và Người đã rút ra kết luận “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia”.
Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội vui mừng được gặp Bác Hồ (25/11/1965)
(Nguồn ảnh:www.baotanghochiminh.vn)
Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng, đảm bảo mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Để ghi nhận những thành tích đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Bác tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Bác nhấn mạnh “ Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số nhân dân ta”, “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”. Người khẳng định: “Nếu Phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “ Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Bác phân tích: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ”.
Quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ theo Bác là “ Người Phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”. Vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác Hồ đề cập trong nhiều lĩnh vực nhưng nổi bật nhất là lĩnh vực quyền và lợi ích: Trong lời kêu gọi chống nạn thất học, Bác viết: “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”. Hay “Phụ nữ phải tham gia vào các cấp chính quyền, vào bộ máy lãnh đạo các ngành từ cơ sở đến trung ương, vào ban quản trị”.
Bên cạnh đó, vấn đề bạo hành trong gia đình, nhất là hiện tượng chồng đánh vợ. Bác viết “Khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ…Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thực sự đảm bảo”
Bác khuyên “Phải thông cảm sâu sắc với quần chúng, và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc khó khăn”. Các đoàn thể phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Và chính bản thân người phụ nữ, phải tự đấu tranh vì quyền lợi của mình, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Nhân kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà trưng và Quốc tế Phụ nữ ngày 8-3-1952, trong thư gửi Phụ nữ, Bác viết: Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng… Nhiều bà cụ ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu…Phụ nữ chân yếu tay mềm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã góp phần không nhỏ đem đến thắng lợi “Lẫy lừng năm châu chấn động địa cầu” trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Thực hiện lời dạy của Bác, mục tiêu thiên niên kỷ Quốc gia đã ưu tiên phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ, như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế -xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới…Cùng với Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường Quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhờ đó, cùng với bản chất cần cù, chịu khó, Phụ nữ nói chung và Phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt vai trò của mình, và hầu như trên tất cả mọi lĩnh vực, phụ nữ đều tham gia tích cực và giữ vai trò quan trọng, đóng góp không nhỏ sức lực của mình vào thành công chung của tổ chức xã hội, xứng đáng với 8 chữ vàng của Bác đã tặng Phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và hiện nay Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã kế thừa, phát triển là: “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”.
Bài: Hương Xuân (Tổng hợp)
ẢnhTL: Bảo Châu
(T4g Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác