12/04/2016 12:00
Thời gian qua, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo, thu hút bác sỹ về trạm y tế xã, ngành y tế Đắk Lắk còn đầu tư nhiều trang thiết bị cận lâm sàng để các trạm nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Là một trong những đơn vị thuộc diện ưu tiên được hỗ trợ các trang thiết bị này, Trạm Y tế xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.
Một bệnh nhân đang được lấy máu xét nghiệm tại Trạm Y tế xã Cuôr Knia
Mặc dù cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 15 km, song hằng ngày Trạm Y tế xã Cuôr Knia có rất đông người đến khám và điều trị bệnh. Họ không chỉ là người dân của xã này mà còn có cả người dân ở các xã lân cận. Chị Triệu Thị Hoa ở thôn 14, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang mang thai ở tháng thứ 5. Chị cho biết: “Tôi thường đến Trạm Y tế xã Cuôr Knia để siêu âm và khám thai định kỳ bởi vì ở đây không chỉ có các y, bác sỹ nhiệt tình, trách nhiệm mà các trang thiết bị máy móc cũng hiện đại không kém so với tuyến trên”. Còn bà Tô Thị Ánh Thủy ở thôn 5, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk bị bệnh viêm gan B từ nhiều năm nay. Bà cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi kiểm tra chỉ số men gan thì tôi phải lên Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn để thực hiện, vừa xa xôi lại mất nhiều thời gian. Từ khi Trạm Y tế xã Cuôr Knia được trang bị máy móc hiện đại, lại có bác sỹ chuyên về siêu âm, kỹ thuật viên xét nghiệm nên tôi rất yên tâm để kiểm tra sức khỏe định kỳ tại nơi này”.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hòa- Phó Trạm Y tế xã Cuôr Knia cho biết: “Trước đây, người dân đến với trạm y tế chủ yếu điều trị một số bệnh thông thường, như: ho, cảm, sốt … Còn nếu gặp những trường hợp bệnh nặng, cần phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng, Trạm y tế đều chuyển tuyến hoặc người bệnh tự đến các địa điểm dịch vụ tư nhân để thực hiện. Việc thiếu các trang thiết bị phục vụ công tác khám, điều trị người bệnh, cụ thể là các thiết bị cận lâm sàng chẳng những gây khó khăn cho việc chẩn đoán, phát hiện bệnh mà còn gây tốn kém chi phí cho người dân”.
Với mục đích giúp người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, giảm chi phí điều trị và giảm chi phí chuyển lên tuyến trên, tháng 5 năm 2015, được sự hỗ trợ của Dự án AP và kinh phí từ ngân sách, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn đã đầu tư mua sắm cho Trạm Y tế xã Cuôr Knia một máy siêu âm, một máy đo điện tim và một máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học.
Từ khi được trang bị thêm máy móc, thiết bị y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân của trạm thuận lợi hơn rất nhiều. Điều dễ nhận thấy là trước đây mỗi lần siêu âm thai hay làm một số xét nghiệm thông thường, người dân phải đi hơn chục km để lên bệnh viện tuyến huyện thực hiện, thì nay người dân có thể sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng này ngay tại địa phương mình. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hòa- Phó Trạm Y tế xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nhờ được trang bị các thiết bị cận lâm sàng nên thời gian gần đây, Trạm Y tế xã Cuôr Knia đã phát hiện và điều trị ổn định nhiều trường hợp mắc bệnh liên quan đến các bệnh về tim mạch, tiểu đường và một số bệnh lý nội khoa khác. Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng gấp đôi so với trước và giảm đáng kể các trường hợp phải chuyển lên tuyến trên điều trị”.
Hiện nay, trung bình một tháng, Trạm Y tế xã Cuôr Knia tiếp nhận khoảng 600 đến 800 lượt bệnh nhân. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2016, Trạm y tế tiếp nhận trên 1.700 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh, tăng 500 lượt bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, siêu âm 60 lượt người, điện tim 10 lượt người và xét nghiệm là 40 lượt người”.
Để nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, Trạm Y tế xã Cuôr Knia cũng đã thường xuyên cử cán bộ chuyên trách lên Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk tham gia khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời cử cán bộ luân phiên tham quan học hỏi các trạm y tế khác để về áp dụng hiệu quả cho trạm y tế mình. Nhờ đó, tay nghề của đội ngũ y, bác sỹ được nâng cao, việc chẩn đoán cũng như phát hiện bệnh được chính xác, kịp thời, không có tai biến xảy ra.
Việc tăng cường thiết bị y tế cho tuyến cơ sở bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Song, hiện nay, nhân lực của Trạm Y tế xã Cuôr Knia còn kiêm nhiệm nhiều việc, nên trong quá trình triển khai các kỹ thuật cận lâm sàng vẫn còn bị gián đoạn, nhất là vào thời điểm tiêm chủng. Vì vậy, Trạm Y tế xã Cuôr Knia rất cần sự quan tâm của ngành y tế về việc bổ sung thêm nhân lực cho trạm y tế xã để hoạt động chăm sóc sức khỏe ở trạm ngày càng hiệu quả hơn./.
Bài: Mỹ Hạnh, ảnh: Quang Nhật
(T4G Đắk Lắk)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác