14/04/2016 12:00
Chăn nuôi là hoạt động quan trọng đối với người nông dân tại các vùng nông thôn, góp phần cung cấp thực phẩm trứng, thịt sữa cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi thường được người dân bố trí ngay trên diện tích đất sinh hoạt chung của gia đình nên đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh, sức khỏe con người và đặc biệt là dễ phát sinh dịch bệnh.
Chuồng trại chăn nuôi sát khu nhà ở gây mất vệ sinh môi trường.
Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc, gia cầm gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Vì vậy, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của nhiều người dân tại các địa phương, nhất là vùng nông thôn, làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng các chi phí phòng trị bệnh, sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh. Chăn nuôi không đúng quy cách không chỉ làm không khí bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng nặng tới môi trường sống của khu dân cư, nguồn nước và tài nguyên đất.
Đến nay, mặc dù các cơ quan quản lý đã khuyến cáo tình trạng ô nhiễm này nhưng người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến việc xử lý chất thải vật nuôi, bảo vệ môi trường trước những vấn đề bị ô nhiễm do chăn nuôi đưa đến. Với những người nông dân thì việc chăn nuôi thả rông, nhất là chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn, thì chất thải hoàn toàn xả tự nhiên ra môi trường. Đây là tập quán, truyền thống lâu đời rất khó thay đổi và là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, việc chăn nuôi không được xây dựng và quy hoạch cách ly khu dân cư, không có xử lý môi trường là nguyên nhân gây nên thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Đơn cử tại Khối 2, Phường Ea Tam, hiện có gia đình nhà bà Lê Thị Vang là một hộ gia đình chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ khoảng 3 năm nay, nhưng do không có xây dựng khu xử lý phân, nước thải nên đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chuồng nuôi lợn của nhà bà Vang lại nằm ngay cạnh một con đường mà bao người dân hàng ngày qua lại, họ phải chứng kiến những mùi hôi thối bốc lên nồng nặc...
Một trong những nguyên nhân là do việc xử lý chất thải, tiêu hủy gia súc, gia cầm còn chưa đúng kỹ thuật, ảnh hưởng đến nguồn nước, chất đất. Việc phân định trách nhiệm và các chế tài xử phạt trong hoạt động chăn nuôi làm ô nhiễm môi trường chưa rõ ràng và hiệu quả... Vì vậy, việc bảo vệ, xử lý môi trường trong chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Thực hiện nghiêm túc và triệt để công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là điều kiện tiên quyết, là biện pháp tất yếu giúp ngành chăn nuôi chủ động khống chế dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện chăn nuôi hữu cơ, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển chăn nuôi bền vững.
Để làm được điều này, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị hiệp hội và người chăn nuôi nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh phòng dịch, xử lý chất thải. Đồng thời, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì các trại, khu chăn nuôi cần được xây dựng trên các vị trí cao ráo, không bị đọng nước, thông thoáng, cách xa khu dân cư, đường giao thông, chợ, công sở, trường học, bệnh viện... Khu chăn nuôi phải có đủ nguồn nước sạch, có đủ diện tích nhất định để xử lý môi trường, chất thải. Xung quanh khu vực chăn nuôi cần có tường bao, hàng rào ngăn cách để bảo vệ và tránh sự xâm lấn của gia súc, gia cầm, các động vật gây hại... Thường xuyên phát quang cỏ dại, rắc vôi bột, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường, dụng cụ chăn nuôi, diệt côn trùng, chuột... hạn chế thấp nhất những điều kiện, môi trường có thể làm lây lan, phát tán mầm bệnh từ trong khu chăn nuôi ra ngoài và ngược lại. Trong khu chăn nuôi cần thiết kế chuồng trại phù hợp, bố trí hệ thống đường vào, đường ra riêng biệt. Kho để thức ăn, dụng cụ ở đầu đường vào, đầu hướng gió. Đường ra để vận chuyển chất thải, sản phẩm xuất bán, loại thải...
Người quản lý, người chăn nuôi gia súc, gia cầm cần được đào tạo, tập huấn các kiến thức về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình chăn nuôi ”sạch” đạt hiệu quả kinh tế cao để từ đó nhân rộng các mô hình, nhằm làm cho môi trường ngày càng trong sạch, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bài và ảnh: Nguyệt Ánh
(Trung tâm TT GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác