17/07/2016 12:00
Bảo vệ người lao động trước những rủi ro ốm đau, tai nạn nghề nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng của Luật An toàn, vệ sinh Lao động (Bộ Luật số 84/2015/QH13 đã được Quốc Hội thông qua ngày 25/6/2015). Nhằm thực hiện có hiệu quả Luật an toàn, vệ sinh lao động, cùng với các đơn vị, tổ chức khác sử dụng lao động, ngành y tế Đắk Lắk cũng luôn chú trọng đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động đối với cán bộ, công nhân viên chức, lao động trong toàn ngành.
Cán bộ y tế thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, từ trường, tia laser, chì, rác thải y tế nguy hại.
Ngành Y tế là ngành lao động đặc thù, hầu hết các nhân viên đều làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều cán bộ y tế thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, từ trường, tia laser, chì, rác thải y tế nguy hại…v,v nên rủi ro về bệnh tật rất cao. Bên cạnh đó, cán bộ y tế còn bị ảnh hưởng bởi nguy cơ phơi nhiễm bệnh từ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh… Trước tình hình đó, bảo hiểm tai nạn 24/24 đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo Chị thị 07-CT/BYT. Theo đó, các đơn vị y tế đã ban hành kế hoạch hoạt động của hệ thống làm công tác bảo hộ lao động, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát các nội dung về cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe nhân viên y tế và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Nhiều đơn vị y tế đã đề ra các giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện làm việc, phù hợp với tiêu chuẩn về an toàn lao động, trang bị phương tiện bảo hộ cho nhân viên để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm hoặc mắc bệnh nghề nghiệp. Trong ngành y tế, ngoài việc trực tiếp thăm khám, tiếp xúc với bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh thì cán bộ y tế ở các lĩnh vực như: dự phòng, phòng chống dịch, phòng chống HIV/AIDS, bệnh viện lao- phổi, chụp X quang, CT scanner, chụp MR…. là những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị mắc bệnh nghề nghiệp. Hoặc nhân viên y tế ở phòng cấp cứu các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tâm thần cũng có nguy cơ bị người nhà và bệnh nhân đe dọa, đánh đập….Tất cả đều cần một môi trường làm việc an toàn, được bảo vệ, được che chở trước những mối nguy hiểm luôn rình rập. Theo bác sĩ CKI Hoàng Thị Nhâm- Trưởng khoa Nữ cấp - Bệnh viện tâm thần tỉnh Đắk Lắk : “… Làm việc trong môi trường bệnh viện chuyên khoa về tâm thần, các y bác sĩ ở đây phải xác định thường xuyên làm việc trong môi trường nguy hiểm, hầu hết các cán bộ y tế ở đây đều đã tiếp xúc với bệnh nhân khi lên cơn, họ trở nên hung dữ và trở thành mối đe dọa đối với cả y bác sĩ trực tiếp chăm sóc họ…”
Hơn ai hết, cán bộ ngành y tế là người hiểu rõ nhất những mối nguy cơ về an toàn lao động mà họ có khả năng gặp phải hàng ngày. Do đó, được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp... là một trong những quyền cơ bản nhất của người lao động mà Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định. Nhiều đơn vị y tế đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên y tế và người lao động. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo hộ lao động như trang bị vật dụng cá nhân, phương tiện bảo hộ như : quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, mũ, kính…
Bên cạnh đó, Công đoàn ngành y tế cũng đã chỉ đạo cho các công đoàn cơ sở hàng năm xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bảo hộ lao động, tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách Luật an toàn, vệ sinh lao động, kiểm tra, giám sát công tác bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn lao động tại đơn vị. Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Đắk Lắk cho biết: “ …ký thỏa ước lao động tập thể ở các đơn vị y tế cũng là 1 trong những tiêu chí chấm điểm thi đua cuối năm của công đoàn ngành, đây cũng là tiêu chế quan trọng để đánh giá, xếp lọai công đoàn cơ sở hàng năm. Hầu hết các công đoàn cơ sở đều chú trọng triển khai có hiệu quả tiêu chí này để vừa có cơ hội chăm sóc sức khỏe cho bản thân cán bộ y tế, vừa giúp họ có sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”.
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả Luật an toàn, vệ sinh lao động, ngành y tế còn cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho cán bộ y tế về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, đầu tư đồng bộ và thường xuyên các trang thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với điều kiện làm việc, tăng cường các đội ngũ bảo vệ, giám sát tại những nơi có nguy cơ đe dọa trực tiếp tính mạng của nhân viên y tế như: phòng cấp cứu bệnh viện; Thường xuyên tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế…. nhằm đảm bảo quyền lợi và phòng tránh các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bài: Minh Thu
Ảnh: Bảo Châu
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác