10/05/2016 12:00
Thời tiết diễn biến thất thường với khí hậu nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi Anopheles - muỗi truyền bệnh sốt rét phát triển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, ngành y tế Đắk Lắk đã chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống sốt rét.
Cán bộ y tế đang tẩm màn cho người dân tại xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar.
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm phòng chống sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Đắk Lắk thì trong năm 2015 toàn tỉnh có 906 trường hợp mắc sốt rét, giảm 55,4% so với năm 2014, trong đó có 1 trường hợp tử vong do sốt rét tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông và đặc biệt là không có dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm phòng chống sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Đắk Lắk đã tổ chức triển khai kế hoạch và cấp đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống sốt rét cho các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Chú trọng các vùng trọng điểm sốt rét, các vùng có nguy cơ sốt rét gia tăng. Cử nhân Đinh Minh, Trưởng khoa Côn trùng, Trung tâm Phòng chống sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Đắk Lắk cho biết: Trung tâm đã cử cán bộ bám sát địa bàn cùng với cán bộ chuyên trách phòng chống sốt rét của các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cán bộ trạm y tế tổ chức giám sát dịch tễ, phát hiện kịp thời những nơi có sốt rét, can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn không để dịch sốt rét xảy ra…
Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm cũng đã triển khai giám sát 2 đợt chiến dịch phun, tẩm hóa chất diệt muỗi tại tất cả các vùng sốt rét lưu hành, những vùng có nguy cơ cao về bệnh sốt rét tại 9 huyện như: EaH’leo, Krông Bông, CưM’gar, M’drắk, Krông Năng, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Kar, Lắk. Theo đó, các cán bộ trung tâm đã tổ chức kết hợp điều tra, giám sát, đánh giá kỹ thuật tẩm màn hóa chất của cán bộ thực hiện, đồng thời triển khai các lớp tập huấn về công tác phòng chống sốt rét để chia sẻ, nâng cao kinh nghiệm cho những lần sau, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống sốt rét phù hợp với từng vùng địa phương.
Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, Trung tâm cũng đã chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông như: phát thanh trên loa đài, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung phòng chống sốt rét nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tự bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nhóm dân di cư tự do; dân đi rừng, ngủ rẫy; dân giao lưu qua lại khu vực biên giới… Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ quân dân y các đồn biên phòng đã kết hợp cùng với y tế thôn buôn đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân ngủ màn cũng như các kiến thức về phòng bệnh sốt rét.
Đắk Lắk đang cùng với các địa phương khác trên cả nước triển khai chiến lược phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét tới năm 2020. Những kết quả đạt được sẽ là cơ sở để xây dựng các kế hoạch nhằm chủ động khống chế, ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại. Với những nỗ lực đó, hy vọng rằng trong thời gian tới công tác phòng chống sốt rét sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi tiến tới loại trừ sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh và góp phần vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bài và ảnh: Nguyệt Ánh - Quang Nhật
(Trung tâm TT GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác