26/05/2016 12:00
Là người con của quê hương Quảng Nam nhưng được sinh ra và lớn lên ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, từ nhỏ, chị Châu Thị Kim Phụng đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành người thầy thuốc để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y tế với chuyên ngành Nữ hộ sinh, Châu Thị Kim Phụng được phân công công tác tại Trạm Y tế xã Khuê Ngọc Điền gần thị trấn KrôngKmar (Krông Bông) nhưng chị đã xung phong về Trạm Y tế xã CưPui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk với mong muốn được đóng góp sức trẻ của mình vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở xã còn khó khăn này.
Chị Phụng trong một lần trả lời phỏng vấn.
Gắn bó với Trạm Y tế xã CưPui từ những ngày đầu gian khó, khi ấy, đường sá đi lại chỉ toàn đường đất với nhiều ổ voi, ổ gà, phải mất cả ngày trời mới lên đến thành phố Buôn Ma Thuột nếu có ca bệnh nặng chuyển tuyến; nhân lực toàn Trạm chỉ có 3 người, chưa có điện nên đèn dầu, xe công nông… đã trở thành phương tiện phục vụ cho khám chữa bệnh, cấp cứu, nhất là những ca sinh tại nhà. Khi đội ngũ cán bộ của trạm tăng lên, công việc cũng có phần vơi đi nhưng là cán bộ chủ lực của Trạm, chị Phụng được phân công đảm nhiệm chuyên trách kiêm cả 2 lĩnh vực: Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và Phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn xã, với tinh thần xung kích vì sức khỏe cộng đồng, chị đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh các chương trình mục tiêu y tế quốc gia mà mình phụ trách, như: thường xuyên đưa ra kế hoạch tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của các bà mẹ về sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ em, thành lập các nhóm sáng kiến về dinh dưỡng, an ninh lương thực gồm: nấu cháo dinh dưỡng, trồng rau cải thiện dinh dưỡng, câu lạc bộ nói chuyện dinh dưỡng…đến nay, các mô hình đã được nhân rộng tại 13 thôn buôn, đặc biệt, theo khảo sát của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk năm 2013 có 7/20 bà mẹ biết nấu cháo và chăm sóc trẻ đúng cách thì năm 2015 đã có 18/20 bà mẹ biết nấu cháo và chăm sóc trẻ đúng cách, nhờ đó, đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn xã CưPui từ 36% (năm 2010) xuống còn 26,8% (năm 2015). Chị Vương Thị Nhung ở thôn EaUôl, xã CưPui kể: “Từ khi tôi mới lập gia đình đã được cán bộ y tế Phụng thường xuyên về đây tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe, nhất là khám thai, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi trong thời gian mang thai, lịch tiêm phòng cho mẹ và con…nhờ đó, tôi đã có thêm nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe bản thân và con cái, hiện tôi đã có 2 con, con trai đầu 7 tuổi và con gái thứ hai 2 tuổi, các con của tôi đều khỏe mạnh và thông minh”.
Chị Phụng tư vấn tại hộ gia đình ở thôn Ea Uôl, xã CưPui.
Đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, chị Phụng thường xuyên đến thăm hộ gia đình, cùng cộng tác viên y tế tổ chức các buổi thảo luận nhóm, tư vấn, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt, với những trường hợp có “H”, chị luôn dành nhiều thời gian để động viên, khuyến khích họ sớm tiếp cận điều trị ARV và tái hòa nhập cộng đồng. Hiện, toàn xã CưPui có 6 trường hợp có “H” thì cả 6 người đều đã được điều trị ARV và 100% số đó đều khỏe mạnh, sinh hoạt, lao động, sống hòa nhập cộng đồng. Để có được kết quả này, chị Phụng đã bao lần phải đến gõ cửa từng nhà động viên, thậm chí thức trắng đêm để sẵn sàng tư vấn qua điện thoại về những thắc mắc mà bệnh nhân và thân nhân của họ gọi đến. Chị Phụng tâm sự: “ Hơn 15 năm công tác ở Cưpui, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng nhớ nhất là một trường hợp có “H” khi mới phát hiện dương tính với HIV, người này hoàn toàn không chấp nhận sự thật dù cán bộ y tế huyện và xã đã nhiều lần đến giải thích tận nhà, vận động đi điều trị ARV nhưng không thành. Hai năm sau, bệnh diễn tiến nặng, kèm theo các triệu chứng liên quan đến lao phổi, người bệnh và gia đình mới thật sự sợ hãi. Lúc này, mình lại đến tận nhà để cùng gia đình vận động, khuyên bệnh nhân đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh để được xét nghiệm, tư vấn và điều trị ARV sớm nhất. May mắn là được tiếp cận ARV kịp thời nên chỉ sau một tháng nhập viện điều trị, sức khỏe của người bệnh đã dần ổn định, được xuất viện. Hiện, nhờ duy trì điều trị ARV nên trường hợp này sức khỏe tốt, sống lạc quan, vươn lên phát triển kinh tế, trở thành một trong những hộ làm kinh tế giỏi tại CưPui”
Ngoài các hoạt động chuyên môn của Trạm, chị Phụng còn tích cực vận động các nhà tài trợ giúp đỡ trẻ em nghèo hằng tuần được ăn cháo dinh dưỡng miễn phí (2 lần/tuần) và hằng tháng tặng nhu yếu phẩm (mắm, dầu ăn, gạo, trứng…) với tổng trị giá mỗi suất quà là 400 ngàn đồng cho 9 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sinh sống trên địa bàn xã, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân tộc thiểu số di cư từ phía bắc vào. Đặc biệt, trong mùa hạn hán kéo dài, chị Phụng cũng đã kêu gọi các tổ chức từ thiện, như: “Người tôi cưu mang” cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã khoan được 7 giếng nước (tổng kinh phí mỗi giếng là 25 triệu đồng) ở vùng đồng bào Mông (các thôn Eabar, EaUôl) phục vụ nước sạch cho đời sống sinh hoạt của bà con.
Đến nay, những đóng góp của chị cho cộng đồng tuy mới được cấp huyện, xã ghi nhận và khen thưởng, như: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm, danh hiệu “ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Đảng viên điển hình trong giai đoạn 5 năm “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng ngày ngày chị Phụng vẫn miệt mài gắn bó với công việc của mình, yêu thích làm từ thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng. Với Châu Thị Kim Phụng, được đi nhiều, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật vươn lên trong cuộc sống, để khi thấy được nụ cười trên môi của họ thì đó cũng chính là niềm vui của chị trong công việc.
Hơn 10 năm qua, chị Phụng đã có tổ ấm riêng cho mình ở phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột với một người chồng hết mực yêu thương, sẵn sàng đảng đương mọi công việc, nhất là chăm sóc 2 con (con trai đầu học lớp 8 và con gái út học lớp 5) khi vợ thường xuyên vắng nhà. Nhờ vậy, chị Phụng càng yên tâm công tác, hết lòng tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương. Hiện chị đang theo học lớp Cử nhân Sản-Nhi để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình là chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là những người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa như Cupui mà họ vốn chịu nhiều thiệt thòi.
Nhận xét về người đồng nghiệp của mình, anh Lý Văn Tu- Y sỹ đa khoa, Trạm Y tế xã CưPui, huyện Krông Bông cho biết “Tôi mới về công tác tại Trạm Y tế xã CưPui gần 2 năm nay, tuy thời gian chưa dài nhưng tôi nhận thấy chị Phụng là một cán bộ y tế rất gương mẫu, đáng để tôi và nhiều người đồng nghiệp khác học hỏi, hằng năm chị không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác mà với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chị luôn cư xử ân cần, hết lòng vì người bệnh. Ngoài ra, chị còn năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, với những việc chị làm luôn đạt được kết quả cao nhất.”.
Bài, ảnh: Hương Xuân, Đình Thi
(Trung tâm TT-GDSK)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác