20/07/2016 12:00
Tảo hôn từ lâu đã trở thành hiện tượng phổ biến tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, trong đó có đồng bào người Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Kết hôn khi chưa hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lí sẽ gây ra nhiều hậu quả, rõ rệt nhất là sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh không được đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, kinh tế xã hội của địa phương.
Tuổi còn quá nhỏ, các em hầu như không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản
Trong khi nhiều em gái đồng trang lứa khăn gói lên huyện để học bậc trung học phổ thông sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thì em Vàng Thị Thương ở thôn 16 (xã cư K’Bang, huyện Ea Súp) đã quyết định lấy chồng ngay khi vừa học hết lớp 9. 16 tuổi, mang thai ở tháng thứ 6 nhưng trông Thương chỉ như một cô bé mới lớn đang có chút thay đổi về ngoại hình. Từ khi có thai đến nay, em chưa từng đi khám thai lần nào. Khi được hỏi em dự định sinh con ở đâu thì Thương chỉ cười lắc đầu nói “không biết”.
Cũng như em Vàng Thị Thương, em Thào Thị Sơ cùng thôn cũng lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. Mang thai ở tháng thứ 3, Sơ không hề có kiến thức về chăm sóc thai nghén, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và lao động, cũng không biết mình phải tiêm phòng những loại vắc xin nào để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Sơ cho biết “cán bộ y tế đến nhà nói sao thì em nghe vậy chứ em không biết gì cả!”.
Theo chị Lý Thị Bay, cộng tác viên y tế thôn 16, những trường hợp như em Thương và em Sơ ở đây khá phổ biến. Nhiều em lấy chồng khi mới 13, 14 tuổi. Đến tuổi 18, 20 mà chưa lập gia đình đã bị coi là “quá lứa lỡ thì”. Tuổi còn quá nhỏ, các em hầu như không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng đã vội sớm phải làm mẹ. Chưa chính chắn về ý thức và tương lai, ăn ở vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ nên nhiều cặp vợ chồng trẻ sinh con ra nhưng nuôi chúng lại là ông bà nội ngoại, kinh tế gia đình cũng vì thế mà khó khăn hơn.
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở đây luôn ở mức cao so với toàn huyện.
Chị Lý Thị Mai, cộng tác viên y tế thôn 14 cho biết “càng năm số người dân di cư vào đây càng nhiều. Trong đó nhiều người không được đi học, chưa từng tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản. Nhiều em trai, em gái kết hôn theo ý thích và không thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Năm 2015, thôn chị Mai có 6 cặp tảo hôn. Điều đáng nói là dù biết kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định là vi phạm pháp luật nhưng cha mẹ và gia đình các em không hề khuyên ngăn mà dễ dàng chấp thuận theo ý của con trẻ.
Nhà ông Tráng Seo Phừ ở thôn 16 có ba cô con dâu thì hai cô chưa đủ 18 tuổi. Đến nay các con của ông vẫn chưa đăng kí kết hôn. Mấy đứa cháu chưa có giấy khai sinh nên không được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, vì vậy mỗi lần đau ốm đi bệnh viện, gia đình đều phải bỏ tiền túi ra điều trị. Ông Phừ cho biết dù biết con dâu còn nhỏ tuổi nhưng vợ chồng ông vẫn đồng ý cho các con kết hôn vì chiều theo mong muốn của chúng. Nhà nghèo, đất canh tác ít nên sau khi dựng vợ cho các con trai, chưa có điều kiện cho chúng ra ở riêng, ông bà Phừ lại phải nuôi cả con lẫn cháu.
Thôn 14, 15, 16 và cụm dân cư 8, 9, 10 thuộc xã Cư K’Bang, huyện Ea Súp là nơi sinh sống của 100% người đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Cư K’Bang, năm 2015, toàn xã có 12 trường hợp tảo hôn thì các thôn người Mông có đến 8 trường hợp. 6 tháng đầu năm 2016, tại đây đã có 6 trường hợp tảo hôn. Bác sỹ Kiều Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho biết: “tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay, hậu quả rõ rệt nhất là sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở đây luôn ở mức cao so với toàn huyện. Điều này đang trở thành thách thức lớn đối với ngành y tế huyện trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bà mẹ và trẻ em”.
Trong những năm qua, ngành y tế huyện Ea Súp đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng tảo hôn ở những làng người Mông. Mọi dự án y tế đều được ưu tiên triển khai tại đây. Đồng thời, phối hợp với những người có uy tín trong cộng đồng để tăng cường vận động người dân thay đổi tập quán này. Nhưng vì dân di cư tự do luôn biến động, trình độ văn hóa của người dân còn hạn chế nên công tác truyền thông gặp nhiều khó khăn. Bác sỹ Kiều Thị Thanh Hà cho biết:” trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường tổ chức truyền thông trực tiếp tại trường học, nói chuyện với các em học sinh về chăm sóc sức khỏe sinh sản và kết hôn đúng độ tuổi. Trạm y tế cũng tổ chức nói chuyện tại các cụm dân cư, tập trung vào các đối tượng là ông bà, cha mẹ có con, cháu trong độ tuổi kết hôn. Đồng thời, tập huấn, nâng cao kĩ năng truyền thông cho các cộng tác viên y tế thôn, bản”.
Để hạn chế, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn ở đây, ngoài những nỗ lực của ngành y tế thì rất cần có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng thì các cấp chính quyền địa phương cũng cần tăng cường việc thực thi pháp luật về dân số, Luật Hôn nhân và gia đình. Bởi cải thiện được tình trạng tảo hôn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dân số mà còn đảm bảo anh sinh xã hội, sự phát triển kinh tế của địa phương./.
Bài, ảnh: Thu Huế - Bảo Châu
Trung tâm truyền thông GDSK
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác