01/09/2016 12:00
THỜI KỲ 1954 ĐẾN 12/1959.
Ngày 22 .7.1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi:
“…Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao, tôi tin chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt mà ra sức cùng đồng bào cả nước phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập trong cả nước”.
TÌNH HÌNH:
Sau khi có lệnh ngừng bắn, tại Đắk Lắk lực lượng vũ trang chủ yếu là Trung đoàn 84, cùng với nhân dân các dân tộc hân hoan chào đón ngày hòa bình lập lại, khắp nơi quân dân tổ chức ăn mừng đợi chờ ngày tổng tuyển cử độc lập, thống nhất tổ quốc. Theo quy định của hiệp định Giơnevơ, Đắk Lắk phải chuyển quân tập kết xong trước ngày 31/8/1945, tận dụng thời gian ngắn ngủi trước khi tập trung tới vị trí tập kết, các đội vũ trang của tỉnh ta vào vùng sâu trong lòng địch như Cheo Reo, Buôn Ma Thuột, phía Tây đường 14 để tuyên truyền chiến thắng của ta và chuẩn bị cho tinh thần tổng tuyển cử chung cho cả nước hiệp định Giơnevơ.
Các đồng chí Nguyễn Khắc Tính, Ama Khê – Thường vụ Tỉnh ủy dẫn đầu phái đoàn thay mặt chính quyền cách mạng vào M’drăk bàn giao vùng Cheo Reo, sau đó sắp xếp cho cán bộ ở lại bám dân chuẩn bị cho công tác tuyên truyền vận động nhân dân lâu dài tại địa phương. Các cán bộ thôn xã hầu hết ở lại, khoảng một nửa số cán bộ được bố trí bí mật nằm vùng tại chỗ hoặc chuyển vùng, tổ chức những cơ sơ cách mạng hoạt động lâu dài (số các cán bộ ở lại thì không có y tá, y sĩ, chỉ một số ít là vệ sinh viên trước đây được bố trí ở lại buôn làng).
Sau Hiệp định Giơnevơ, Liên khu 5 được tổ chức thành nhiều liên tỉnh. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk thành liên tỉnh 4 do đồng chí Trương Quang Tuân làm bí thư ban cán sự. Các tổ chức cơ sở Đảng tại địa phương được lệnh đình chỉ sinh hoạt, Đảng viên được chỉnh huấn tư tưởng cách mạng, phải giữ vững niềm tin, giữ vững phẩm chất, quan hệ tốt với quần chúng, luôn nhớ rằng lúc nào cũng có Đảng bên cạnh và khi cần cấp trên sẽ bắt liên lạc. Mỗi xã chọn một vài nòng cốt không bị lộ, hoặc trước đây hoạt động công khai, bán hợp pháp, giao nhiệm hướng dẫn Đảng viên cơ sở hoạt động trong quần chúng. Ở tỉnh có một số Tỉnh ủy viên và một số ít đồng chí giúp việc, chủ yếu là văn phòng có đường dây liên lạc và trang bị điện đài, cơ yếu đảm bảo giữ thông tin với cấp trên được thông suốt. Các anh em ở lại được cấp 2 năm sinh hoạt phí, cùng quân trang, thuốc chữa bệnh, chuẩn bị cho công tác vận động quần chúng và đấu tranh khi có yêu cầu mới của cách mạng.
Tại Đắk Lắk chia thành 2 bộ phận:
+ Bộ phận hợp pháp do Đồng chí Nguyễn Tuấn (tức Ama Đăng) phụ trách, bám lại vùng Chư Dliê Ya, tổ chức 3 đội thọc sâu vào Nam Đắk Lắk .
- Một đội do đồng chí Trần Phòng (Bảy Biên) phụ trách đứng ở Nam Nung.
- Một đội do đồng chí Ama Oanh vào gây cơ sở tại Chư Yang Sin, Nam Buôn Ma Thuột.
-
Một đội vào vùng hồ Lắk (đội này bị địch tập kích hi sinh hết)
+ Một bộ phận do đồng chí Phạm Thuần hợp pháp, lên thị xã Buôn Ma Thuột, tổ chức ban cán sự đảng bí mật, lãnh đạo phong trào tại thị xã và các vùng chung quanh… , đáng chú ý là trong lực lượng cài cắm lại không có ai làm nhân viên y tế, mà hầu hết là cán bộ quân đội và chính quyền.
Năm 1954, Đắk Lắk có 117.800 dân Êđê, 40.000 dân tộc M’nông, 6.000 dân tộc Gia Rai hơn 35.000 người kinh sống ở các thị trấn, thị xã và đồn điền, hình thành 3 mảng lớn: Người Gia Rai ở các huyện phía Bắc, người Êđê ở vùng giữa, và người M’nông ở phía Nam. Sau hiệp định Giơnevơ 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa 5 vạn dân di cư từ Bắc vào, bố trí theo ý đồ kết hợp kinh tế với quân sự dọc các trục lộ giao thông quan trọng như đương 14, 20, 21, cùng các điểm xung yếu quanh thị xã Buôn Ma Thuột. Điều này đã làm thay đổi mật độ dân cư và địa hình, địa thế ở đây, qua đó chúng tạo thêm thế và lực để đàn áp, khống chế, đàn áp phong trào cách mạng, lừa phỉnh dụ dỗ nhân dân bằng những phong tục tập quán hủ bại, khơi ngòi hiềm khích sắc tộc, chia rẽ đồng bào Kinh, Thượng…, hòng cai trị, bóc lột nhân dân các dân tộc Tây Nguyên lâu dài, âm mưu và thủ đoạn của chúng rất thâm độc, trắng trợn.
Cuối 1955, Mỹ phế truất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên dựng chính phủ lên bù nhìn thân Mỹ, phá hoại hiệp định Giơnevơ. Ngô Đình Diệm tiến hành đánh dẹp tan Giáo Phái, thực hiện chế độ độc tài gia đình trị, ra sức đàn áp những đảng phái chống đối, dụ dỗ người dân Tây Nguyên với âm mưu tách cách mạng ra khỏi nhân dân, hòng xóa nhòa hình ảnh Đảng, Bác Hồ trong các dân tộc Tây Nguyên. Đối với những người kháng chiến, chính quyền Diệm bắt trình diện, bắt làm giấy quy thuận quốc gia. Bọn chúng tổ chức lùng sục, điều tra phát hiện một số cán bộ ta nằm vùng, dùng mọi thủ đọan đê hèn tàn ác nhất hòng tiêu diệt các cơ sở cách mạng, với luật 10/59 chúng lê máy chém khắp nơi để chém giết và đe dọa nhân dân, bắt ly khai tận gốc với cộng sản. Nhưng những hành động dã man, tàn bạo của địch chỉ làm khóet sâu thêm lòng căm thù, mâu thuẫn của nhân dân đối với chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, hun đúc thêm ý chí, hành động cách mạng của dân các dân tộc Tây Nguyên nguyện một lòng theo cách mạng. Mặc dù bọn tay sai càn quyét, lùng sục, lúc đầu khi địch chưa đủ sức kiểm sóat toàn bộ địa bàn rừng núi Tây Nguyên và còn sơ hở, những cán bộ của ta đã tranh thủ, tích cực thâm nhập nhân dân, tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng lâu dài, hướng dẫn nhân dân đấu tranh, đòi thực hiện hiệp định Giơnevơ, đòi tổng tuyển cử thống nhất toàn quốc, chống địch càn quét, bắt bớ (*1).
Tuy nhân viên y tế trong kháng chiến tập kết hết, nhưng những hoạt động của cán bộ y tế và vệ sinh viên trong thời gian kháng chiến chống Pháp với nhân dân đã để lại chính sách dân vận có hiệu quả tốt. Dù dưới sự kìm kẹp của chính quyền Mỹ - Diệm, nhân dân vẫn giữ vững niềm tin vào Đảng và tích cực phòng chống bệnh tại các căn cứ bí mật và trong buôn làng vơí nhân dân , đặc biệt số cán bộ quân đội, dân chúng đều ở lại tích cực học tập, tìm hiểu cách chữa bệnh đơn giản để tự chữa bệnh cho mình và chữa bệnh cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân cách vệ sinh phòng bệnh…, nên ngay trong thời kì tạm chiến đen tối, trong sự khủng bố của địch, nhiều người vẫn âm thầm nhận nhiệm vụ nguy hiểm như tiếp tế thuốc men từ trong vùng địch kiểm sóat ra cho lực lượng ta tại căn cứ, hoặc tình nguyện cung cấp thông tin, tình hình địch cho cán bộ.
-
CHẾ ĐỘ NGỤY QUYỀN SAU NĂM 1954:
Đời sống của nhân dân trong vùng địch kiểm soát:
Thời gian đầu sau hiệp định Giơnevơ, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương thu phục Cao Nguyên thành 2 giai đoạn:
-Thu hồi độc lập: 1954 – 1956
-Đồng tiến xã hội:1957 – 1961
Ở giai đoạn 1, Ngô Đình Diệm chủ truơng củng cố bộ máy ngụy quyền cấp tỉnh, quận; cho bọn tay sai ác ôn, mật vụ lùng sục các vùng sâu, đưa bọn tề điệp vào các buôn làng, lập bộ máy chính quyền cơ sở. Chúng vẫn dùng tổ chức xã- tổng trước đây, gạt bỏ những người không ăn cánh, đưa bọn tay sai đắc lực giữ các vị trí, chức vụ chủ chốt ở tỉnh, quận. Ở xã, lập Ban đại diện, Hội đồng xã để điều hành và khống chế nhân dân.
Tháng 3/1955, Ngô Đình Diệm xóa bỏ chế độ Hoàng Triều Cương Thổ của Bảo Đại, lập tòa đại diện chính phủ ở Cao Nguyên trung phần, trụ sở đóng tại Buôn Ma Thuột. Cùng một số cơ quan như Nha cảnh sát Cao Nguyên, Nha Thuế vụ Cao Nguyên, Nha xã hội Cao Nguyên, nhằm biến thị xã Buôn Ma Thuột thành trung tâm chính trị ở Cao Nguyên.
Tháng 12/1955, Ngô Đình Diệm ban hành chính sách “Kinh Thượng để huề; Quân dân nhất trí – Khai thác sơn cước”.
Tuy lập ra Nha Xã hội, nhưng thực tế, chính quyền Diệm không hề tổ chức chăm lo sức khỏe cho người dân, ngoài việc khôi phục lại Nhà thương Buôn Ma Thuột để chữa bệnh cho quân đội và các công chức của ngụy quyền.
Chúng tổ chức đưa một số thuốc chữa bệnh, chăn màn, quần áo, gạo muối lên Đắk Lắk viện trợ cho những nơi mà chúng cho là có thể quy thuận được, nhằm biến những gia đình này thành các cơ sở chỉ điểm, làm mật vụ cho chúng. Về mặt xã hội, chúng bắt đồng bào thay đổi cách mặc: Đàn ông phải bỏ khố, đàn bà bỏ yêng (váy), măc quần áo như người kinh.
Đầu năm 1957, địch tiến hành chiến dịch tố cộng đầu tiên ở Đắk Lắk dưới chiêu bài Thượng du vận, với phương thức “Đánh mạnh, nhổ sạch”, “Dĩ di chế di” (lấy người dân tộc trị người dân tộc).
Để mị dân, bọn chúng tuyên truyền là Quốc gia chống sốt rét, diệt muỗi độc, tung lực lượng lớn tay sai, gọi là đoàn công tác dân vận đi “phun thuốc diệt muỗi” len lỏi vào các thôn, buôn để phát hiện cán bộ bất hợp pháp của ta; cùng với đoàn y tế, còn có đoàn thương lái mang gạo, muối đến bán cho đồng bào, thực chất là dò chỉ điểm. Một mặt chúng xua quân đội đi đốt phá nhà cửa, làng mạc ở vùng chúng cho là có cơ sở mạnh; mở các lớp chiêu hồi, tố cộng hàng tháng liền, thực hiện kiểm soát gắt gao người làm ngoài rẫy, mang gạo ra rẫy.
Đoán trước âm mưu địch, phương châm đấu tranh của ta giai đoạn đầu sau hiệp định Giơnevơ là: “kết hợp công tác hợp pháp và không hợp pháp, kết hợp lợi dụng mọi khả năng và tuyên truyền tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh, khéo công tác, che dấu lực lượng”. Việc bố trí lực lượng ở lại địa bàn đã thắng lợi. Tranh thủ thời gian địch chưa cũng cố miền núi, bộ phận hợp pháp của ta đã lọt vào được thị xã Buôn Ma Thuột, Cheo Reo, Đức Lập, đồn điền Chapi, Me Wal,… dưới hình thức các nhà tư sản, chủ thầu, nhân viên công chính, bưu điện,… được nhân dân che chở bắt đầu nối lại cơ sở và xây dựng cơ sở mới. Bộ phận hoạt động bất hợp pháp đã bám dân, tổ chức lại các vùng du kích trước đây như Buôn Mùng, Buôn Ua, Dliê Ya, Cư Jút, M’drắk, Đất Bằng… cơ sở cách mạng phát triển khá nhanh, ta đã có cơ sở ở 521 làng trong tổng số 556 làng của tỉnh. Cuối năm 1955 đầu 1956, các buôn ở các huyện phía Bắc tỉnh đều có cơ sở cũ và mới. Vùng Đắk Mil có được 7 xã. Toàn tỉnh có 400 cơ sở các loại, ngay cả trong đồn điền, thủy điện Dray H’ling, sân bay Phụng Dực,… đều được gây cơ sở, lãnh đạo nhân dân chống xâu, chống thuế, đòi thi hành hiệp định Giơnevơ, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước…
Địch càng đánh phá phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm càng mạnh. Điển hình là việc nhân dân đã giúp đỡ cho cơ sở đặc biệt của ta tổ chức ám sát Ngô Đình Diệm tại Buôn Ma Thuột (*2). Đến cuối năm 1959, Đắk Lắk đã bắt đầu tổ chức lực lượng vũ trang tự vệ với nòng cốt là các thanh niên tiên tiến tại buôn làng đã được tuyên truyền giáo dục tốt, rèn luyện thể lực, võ thuật, sử dụng các vũ khí thông thường, chuẩn bị căn cứ, dự trử lương thực để chuẩn bị đón thời cơ mới. Suốt mấy năm trời, chính quyền Diệm chỉ lo cũng cố chế độ gia đình trị, độc tài chuyên chế, sau khi bị ám sát hụt, Ngô Đình Diệm bắt đầu thi hành chính sách mới “chiếm đất lập dinh điền” nhằm mục đích khai thác tài nguyên miền núi, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho quân địa phương của chúng. Trong thời gian cuối 1957 đến hết 1958, địch dồn dân lên Đắk Lắk tới 57.000 người, lập 43 dinh điền, chiếm hàng vạn hécta đất của đồng bào, cuộc đấu tranh giữ đất, giữ dân với ngụy quyền diễn ra hết sức khốc liệt: Nhiều nơi có hàng ngàn người mang cọc, căng dây giữ đất, hàng trăm người kết thành khối chặn xe ủi đất, san nhà cửa bị địch tàn sát hết sức dã man (vùng Phú Nhơn, Phước An, Đất Bằng, Cheo Reo)… Trong cuộc đấu tranh giữ đất này, nhiều cán bộ đảng viên, quần chúng yêu nước và cả những người vô tội đã hy sinh dưới đầu lưỡi tê giác của giặc, trong khi chúng không hề có một tổ chức nào gọi là y tế để chăm lo sức khỏe của người dân mà chúng tự hào gọi là sống dưới sự che chở của quốc gia (!). Qua năm 1959, phong trào cách mạng ở miền Nam bắt đầu có sự chuyển biến mạnh, Mỹ Diệm ra sức phản ứng trắng trợn, mà đỉnh cao là lụât 10/59 đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi, mở những phiên tòa bất công, tàn ác xét xử và chém ngay tại chỗ những người cách mạng. Chính sách tàn ác, dã man của Diệm và hành động côn đồ của bọn tay sai phe cánh Diệm càng đẩy mâu thuẫn xã hội lên đến cùng cực.
-
TỔ CHỨC Y TẾ CÁCH MẠNG GIAI ĐOẠN 1959 – 1961
Đảng đã xác định đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai là tất yếu và sẽ diễn ra rất quyết liệt. Vì vậy tổ chức, xây dựng khu vực Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng lớn cho cả miền Nam là một việc cấp bách và lâu dài.
Tháng 7/1958, Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Phải ra sức gấp rút xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng” gắn bó với lực lượng vũ trang, qua phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân phát triển mạnh mẽ. Tại Đắk Lắk qua đấu tranh chống tố cộng, chống dồn dân, một số buôn đã thóat khỏi vùng địch, ra rừng sống bất hợp pháp. Những buôn còn ở vùng tranh chấp ta vẫn nắm được cơ sở nhân dân và các chủ làng. Một số cơ quan Đảng, chính quyền đã về đứng chân tại Dliê Ya, các huyện Buôn Hồ, M’drăk, Cheo Reo đã xay dựng được các căn cứ lõm, đường hành lang liên lạc của cách mạng đi Phú Yên, Gia Lai và từ tỉnh xuống huyện đã thông suốt. Vùng phía Nam khu vực Lắk, Quảng Đức, Đắk Mil…, là miền đất bản lề nối khu 6 với Nam Bộ, đã xây dựng được một số căn cứ, tạo thế liên hòan vững chắc. Từ phong trào đấu tranh thắng lợi của nhân dân, mở rộng thêm địa bàn hoạt động của lực lượng vũ trang, y tế cách mạng ra đời, phục vụ cho phong trào đồng khởi sau này.
Ngày 13/01/1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp lần thứ 15 ra Nghị quyết về đường lối cách mạng ở miền Nam nêu rõ: “con đường phát triển cạch mạng Việt Nam ở miền Nam là lấy sức mạnh bạo lực của quần chúng, dựa vào lực lượng của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, dựng lên chính quyền cách mạng. Cách mạng miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ,… và thắng lợi nhất định về ta”.
Liên khu 5 là địa phương được Trung ương tăng cường cán bộ vào giữa năm 1959, trong đó có một số cán bộ y tế. Họ rất vinh dự là những “Cán bộ đi B” đầu tiên, những cán bộ giải phóng miền Nam, đầu đội mũ tai bèo, vai mang ba lô nặng trĩu, ruột nghé, gạo súng, thuốc, chân đi dép cao su, lương khô trang bị đầy đủ. Số cán bộ y tế B vào khu 5, phần lớn là y tá, một số bác sĩ. Anh em được điều về cơ quan quân khu, tỉnh và lực lượng vũ trang. Lúc này chưa hình thành được tổ chức y tế để chỉ đạo từ khu tới tỉnh, huyện, vì cán bộ y tế còn ít.
Trước khi vào chiến trường, họ đã được Bác Hồ căn dặn: “Về Nam phải làm gì, lo cho dân ra sao để có thể chiến đấu lâu dài và phải trường kì bồi dưỡng sức dân”. Phụ trách y tế khu 5 được giao cho bác sĩ Dương Võ Tố.
Tháng 4/1959 một đoàn cán bộ bao gồm cán bộ Đảng, đặc công, bộ binh, cơ yếu, y tế…, có 36 người miền Bắc vào Khánh Hòa, một nhóm gồm 20 đồng chí tách ra trở về Đắk Lắk có Đ/c Siu Pui (Ama Thương) là cán bộ y tế đã được bộ y tế đào tạo tại miền Bắc, mang theo 20 kg thuốc men, dụng cụ y tế. Trước khi về lại chiến trường, anh đã được Bộ y tế mời dự lớp bổ túc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cấp tốc và được Bộ Y tế công nhận bác sĩ từ năm 1961. Khi tới căn cứ Dliê Ya công việc đầu tiên là củng cố tổ chức cán bộ tại căn cứ, triển khai chữa bệnh cho cán bộ nằm vùng và nhân dân tại khu căn cứ. Do yêu cầu cán bộ y tế lớn nhưng cán bộ từ ngoài Bắc vào không kịp, nên Đ/c Siu Pui đề xuất với Ban cán sự Đảng và tổ chức lớp đào tạo cán bộ y tế cấp tốc tại căn cứ để đáp ứng nhiệm vụ cứu chữa cho thương bệnh binh và nhân dân. Đây chính là lớp học đầu tiên của y tế Đắk Lắk trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ - Diệm, là nòng cốt cho lực lượng cán bộ y tế của cả tỉnh sau này.
Tuy ít người, quán triệt nhiệm vụ: “Xây dựng hệ thống y tế tổ chức ở miền Nam là nhiệm vụ cấp bách”, những lời căn dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác y tế và phương châm chỉ đạo của ngành làm cho cơ sở ngành quân và dân y miền Nam xây dựng và phát triển trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Tư tưởng chủ đạo của y tế lúc này là: Tích cực xây dựng một ngành y tế theo đường lối đại chúng, khoa học, tiến bộ và lành mạnh, trên cơ sở tự lực cánh sinh dựa vào khả năng của quần chúng, nổ lực, củng cố phát triển công tác y tế từng bước khẩn trương và vững chắc, kịp thời đáp ứng nhu cầu của đấu tranh cách mạng, phục vụ cán bộ, bộ đội, quần chúng nhân dân, chủ yếu là quần chúng lao động, đảm bảo chiến đấu và sản xuất.
Trong Chỉ thị của Trung ương Cục cũng nhấn mạnh: “Tích cực giáo dục và xây dựng phong trào phòng bệnh, làm tốt việc chữa bệnh, chủ động giữ gìn sức khỏe và chống các bệnh tật, trọng tâm là bệnh sốt rét ở miền núi, bệnh đường ruột ở các nơi, đẩy mạnh sản xuất thuốc, đặc biệt là thuốc nam, vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam, trong công tác điều trị phải có thuốc, dụng cụ cứu chữa kịp thời thương binh và người bệnh, đảm bảo tinh thần chiến đấu của bộ đội. Y tế lưu động tới nhân dân, vừa chăm sóc y tế, vừa vận động cách mạng”.
Theo tự thuật của Bác sĩ Siu Pui: “… Đoàn chúng tôi đi B được ưu tiên trang bị súng ngắn, quần so vải mỏng, thuốc men, lương thực và còn mang theo sách y dược, bộ dụng cụ phẫu thuật để có thể làm việc ngay được. Suốt mấy tháng trời, cõng nặng ba lô trên vai, đi bộ dọc theo dãy trường sơn trùng điệp, đói, đau, vô cùng gian khổ nhưng cuối cùng cũng đã đến được đích cần đến. Tôi đến căn cứ Đắk Lắk, cơ quan Tỉnh ủy ở rừng sâu, bí mật cả với dân. Đến cơ quan tỉnh, tôi gặp Ama Đăng và Rơ Chăm Thép trong ban cán sự. Hỏi về y tế, chỉ có mỗi đồng chí Long là y sỹ phục vụ cơ quan ngoài ra không còn ai khác.
Ban cán sự giao nhiệm vụ nhanh chóng tổ chức nghành y tế của tỉnh để kịp phục vụ nhiệm vụ sắp tới. Nhưng tôi nghĩ: Chưa có người nào làm sao hoàn thành tổ chức, cũng không thể tổ chức rồi đi tìm người. Và tôi đề đạt, phải đào tạo ngay một lớp y tế mới có thể thành lập nghành y tế. Thấy tôi nói có lý, Ban cán sự chấp thuận đồng ý để tôi đi tìm người. Y sỹ Long tiếp tục ở lại phục vụ cho cơ quan tỉnh vì đang có một cán bộ bị ốm nặng. Tôi xuống tìm người tại các buôn gần căn cứ tìm thanh niên, tháng 3/1960, kiếm được 18 cháu dân tộc đưa về Chư Jú,vùng căn cứ tỉnh mở lớp cứu thương đầu tiên ở Đắk Lắk”. (*3)
Lớp thanh niên dân tộc ra căn cứ họ làm “ thầy thuốc” nhưng không em nào biết chữ, nhưng em nào cũng rất nhiệt tình, hăng hái tham gia cách mạng.
Thiếu tá Quân y Ra Lan Niên kể lại: “Khi được bác sĩ Siu Pui trở về động viên đi làm cách mạng và làm thầy thuốc, thì rất mừng. Vừa có thể đi đánh Mỹ - Diệm lại vừa biết cách chữa bệnh cho bà con đồng bào thì còn gì hơn nữa, vậy là đi luôn. Đến căn cứ rồi mới thấy, muốn chữa bệnh thì phải có chữ…”
Lớp cứu thương đầu tiên của Đắk Lắk được mở ra đúng vào thời kỳ cuộc đấu tranh của nhân dân đang tiến đến giai đoạn sôi sục nhất “đồng khởi”, làm lán ở xa dân, thức ăn chính là củ mì, nhưng cái khó là học viên không biết chữ.
Bác sỹ Siu Pui vừa làm Hiệu trưởng lớp y tế, làm Hiệu trưởng dạy chữ và kiêm luôn công tác hậu cần, đi xin gạo muối và giấy bút cho học sinh. Bằng tình cảm của mình với cách mạng và quê hương, Siu Pui đã vượt qua và cùng các em đào tạo chương trình cứu thương 3 tháng. Vừa biết chữ, vừa biết nghề, thật là việc làm hiếm có: Không biết chữ, lấy lọ đen nồi viết các chữ cái A, B, C để các em học, lấy que vẽ lên cát để đánh vần; không có giấy lấy lá chuối non ép lại làm giấy; không có dụng cụ phương tiện để học tập: Anh em sáng tạo bằng cách lấy le, nứa làm nẹp thươg cố định , lấy bẹ chuối khô giả làm băng. Không có ống tiêm lấy ống nứa tép là ống tiêm, tiêm thực tập vào nõn chuối non. Có thể nói đây là lớp học nghề nghiệp chưa từng có trong lịch sử nghề thầy thuốc.
Vậy mà, với sự hào hứng, hăng say, nhiệt tình củ tuổi trẻ và sự sáng tạo kiên trì của Bác sỹ Siu Pui, sau 3 tháng học tập lớp cứu thương đầu tiên của Đắk Lắk ra đời tại căn cứ kháng chiến Dliê Ya đã thành công. Bài thi tốt nghiệp nghề y là tự băng bó cho nhau. Thi tốt nghiệp văn hóa là bức thư khoảng 100 từ gửi cho Hiệu trưởng nói về quyết tâm của mình khi đi theo cách mạng.
Lớp cứu thương đầu tiên về chuyên môn biết sơ cứu, băng bó thương binh và chữa một số bệnh cho nhân dân bằng thuốc men, nhất là thuốc Nam. Biết hướng dẫn nhân dân vệ sinh phòng bệnh, như phòng chống muỗi đốt, ở sạch, uống chín, đi làm biết đội nón che mưa nắng, các nhà biết lấy vỏ cây dền nấu nước uống phòng bệnh sốt rét…
Về dược, được giới thiệu tính năng dược lý một số thuốc tây thông thường như Quinine, Apirin, Ganidan, Sulfamide (đem từ miền bắc vào và khai thác từ Phú Yên lên được chút ít) chủ yếu là dạy cách trị bệnh xông hơi giải cảm và sử dụng các loại lá cây sẵn ở trong rừng…
Kết thúc lớp học, các cứu thương viên được phân về các đội vũ trang công tác bám cơ sở, một số về phục vụ nhân dân khu căn cứ và các huyện phục vụ cho phong trào đồng khởi của tỉnh.
-
THỜI KỲ PHÁT TRIỂN Y TẾ CÁCH MẠNG 1960 – 1963.
-
Tình hình Đắk Lắk sau Nghị quyết Trung ương 15
Chính quyền Ngô Đình Diệm lập tỉnh Quảng Đức, tỉnh lỵ đóng tại Gia Nghĩa, chúng tăng cườn lực lượng quân sự ở Đức Lập, Bupơrăng, Đức Xuyên và Lạc Thiện, thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét vào các vùng căn cứ cách mạng ở khu vực này, nhằm ngăn chặn đường hành lang Nam Tây Nguyên của ta.
Tháng 3/1960, Trung ương quyết định tách Quảng Đức (gồm 4 huyện: Đức Lập, Kiến Đức, Khiêm Đức và Đức Xuyên) sang trực thuộc liên tỉnh 4.
Tỉnh Đắk Lắk chia thành 3 vùng:
a. Vùng Bắc đường 21 gồm 4 huyện : M’drăk, Cheo Reo, Tây Cheo Reo và Buôn Hồ, cùng căn cứ Dliê Ya gọi là B3.
-
Vùng Nam đường 21 gồm Lắk, Tây Lắk và Nam đường 14 gọi là B5.
-
Vùng nông thôn, thị xã và thị xã Buôn Ma Thuột gọi là B6. Vùng Quảng Đức gọi là B4.
Thời gian này lực lượng cách mạng đã gây nhiều cơ sở và mở cả vùng đồng bào M’nông dưới chân núi Chư Yang Sin, từ Buôn Tuôr đến giáp khánh hòa, phía Lắk gây cơ sở giáp Lâm Đồng, phía Quảng Đức có vùng căn cứ Nam Nung.
Tháng 2/1960, Đắk Lắk bắt đầu thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ tại Chư Jú (Dliê Ya). Tại vùng B3 (khu vực M’drắk- Cheo Reo- Buôn Hồ), ta đã xây dựng cơ sở 411 thôn buôn, tại B4 (vùng căn cứ Nam Nung) đã xây dựng lực lượng tự vệ và du kích.
Ngày 19/5/1960, phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên tổ chức Đại hội đại biểu và tuyên bố thành lập. Trong khí thế sôi sục cách mạng, đồng bào vùng hậu cứ giáp ranh và cơ sở Buôn Ma Thuột đã tích cực đóng góp lương thực, gạo, muối về căn cứ tỉnh, góp sức lực của nhân dân vùng tạm chiếm vào sự nghiệp cách mạng của tỉnh. Ngoài ra, Ban kinh tài bám vùng Phú Yên khai thác lương thực dự trử lâu dài.
Tháng 8/1960, Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk họp tại Chư Jú (B3), đồng chí Hồng Ưng được bầu làm Bí thư Đảng bộ (*4).
Sau Đại hội Đảng, Tỉnh ủy quyết định nhanh chóng phát triển lực lượng, đưa đấu tranh quân sự lên cùng đấu tranh chính trị, và đưa lực lượng vũ trang ra chiến đấu. Quyết định này đã tác động đến sự phát triển của ngành y tế phải có bước chuyển biến để phục vụ kịp thời nhiệm vụ chiến đấu của quân, dân tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn cách mạng mới.
16 giờ 00 ngày 30/9/1960, hai đoàn mở tuyến đường Trường Sơn Bắc Nam, gặp nhau tại Đắk Tih gần Gia Nghĩa, mở thông hai tuyến đường hậu phương lớn từ miền Bắc vào Nam Bộ.
Y tế phục vụ phong trào đồng khởi
Cùng với sự phát triển của đấu tranh chính trị, quân sự, sau khi tiếp nhận Nghị quyết Trung ương 15, công tác đưa đón cán bộ, bộ đội ở miền Bắc vào chiến trường ngày càng tăng lên, lực lượng giao liên của tỉnh cũng tăng lên nhiều lần và quy mô trạm, trại giao liên cũng mở rộng. Có thời điểm lực lượng hành lang tỉnh Đắk Lắk lên đến 200 người. Đường hành lang từ Bắc vào Nam trải dài 100 km, phải qua nhiều sông lớn, núi cao và đồn bốt của địch. Chỉ tính từ năm 1954 và đến tháng 2/1960 lực lượng giao liên đã phải chiến đấu đối mặt với quân địch phục kích nhiều lần. Chỉ riêng chiến sĩ giao liên có 6 đồng chí hy sinh trong đó có 2 y sĩ là đồng chí Long và Nguyễn Kiểm hy sinh (*5).
Sau khi kết thúc lớp cứu thương tại căn cứ Dliê Ya, tháng 3/1960 đồng chí Siu Pui thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục xây dựng cơ sở y tế đầu tiên của tỉnh.
Vào thời điểm này, hình thái chiến trường Đắk Lắk cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta chống chế độ Mỹ Diệm đã chuyển sang một bước tiến mới hết sức quyết liệt. Từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp lực lượng vũ trang, giành chính quyền làm chủ. Sau đồng khởi vùng nhân dân làm chủ được mở rộng, buộc địch phải co cụm về mốt số quận lỵ, thị trấn và trục đường giao thông. Nhưng sự phản ứng của địch cũng tàn bạo hơn. Nhiều cuộc càn quét liên miên, nhất là vùng Chị Hồ (bí danh B3, chỉ vùng Cheo Reo- M’drắk- Buôn Hồ), vùng căn cứ Nam Nung vùng ven Hai Phu (Buôn Ma Thuột).
Vấn đề cơ bản của tỉnh lúc này là “khẩn trương xây dựng thực hiện thực lực cách mạng, củng cố hệ thống lãnh đạo, cũng cố và xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang từ tỉnh đến cơ sở hỗ trợ và đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, đưa lên thành cao trào giành chính quyền làm chủ nông thôn”.
Đi đôi với các cuộc đánh phá quyết liệt, bọn Mỹ Diệm ráo riết thi hành thủ đoạn bao vây kinh tế. Bọn ác ôn ngày đêm lùng sục tất cả các ngã đường, không một người dân nào được phép ra khỏi vùng núi bị chúng phong tỏa. Ngay cả người trong gia đình nhân viên ngụy quyền cũng không được tiếp xúc, mua bán trao đổi với nhân dân trong các khu căn cứ. Các mặt hàng chúng coi là quốc cấm như muối, thuốc chữa bệnh, nếu chúng bắt được đều bị đánh đập, có khi bị bắn chết. Thủ đoạn bao vây kinh tế ngặt nghèo của địch khiến cho dân vùng căn cứ bị đói cơm, thiếu muối và thiếu thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, phong trào đồng khởi giải phóng nông thôn vẫn còn sôi sục, hàng trăm nam nữ thanh niên dân tộc từ các buôn làng giải phóng và các vùng giáp ranh, xin tham gia lực lượng vũ trang, hoặc đi làm mọi việc cách mạng phân công. Cũng thời gian này, liên khu 5 tăng cường cho tỉnh 150 thanh niên Quãng Ngãi, Phú Yên, biên chế thành một đại đội binh (A 35), kế đó, thành lập thêm một đại đội người dân tộc (A 37). Lực lượng tỉnh có thêm các trung đội trinh sát, đặc công, (A31 – A33). Đến cuối năm 1960, tỉnh đã có 2 đại đội vũ trang tập trung, 2 trung đội trực thuộc Ban quân sự tỉnh, các huyện M’drắk, Cheo Reo có một trung đội bộ binh vùng B4 (Quảng Đức) có một trung đội (B6-B5) Buôn Ma Thuột chưa có. Để phục vụ cho lực lượng vũ trang và cán bộ thuộc các cơ quan trong chính Đảng tỉnh đã thành lập Ban kinh tài đứng chân tại căn cứ.
Ban kinh tài có các tiểu ban sản xuất, thương nghiệp, mậu dịch, khôi phục lại các cơ sở sản xuất, tự túc trong kháng chiến chống Pháp trước đây, như lập tổ dệt vải, tổ may mặc,… Tổ chức các cửa khẩu khai thác hàng Tây từ Phú Yên lên, khai thác hàng từ vùng của địch như muối, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm phục vụ công tác văn phòng.
Đứng trước nhu cầu cứu chữa phục vụ nhân dân trong vùng chiến đấu và lực lượng vũ trang, xuất phát từ tình hình thực tế, việc khai thác thuốc chữa bệnh từ địch hậu gặp rất nhiều khó khăn. Con đường tốt nhất là khai thác đẩy mạnh dược liệu tại chỗ, lấy thuốc nam làm mũi nhọn đột phá, kết hợp với đẩy mạnh phòng bệnh, mới có thể bảo đảm được sức khỏe cho đại bộ phận nhân dân vùng căn cứ.
Tháng 3/1960, nghành y tế được sự chỉ đạo của Ban cán sự tỉnh phải thành lập tổ đông y để phục vụ cho nhân dân căn cứ và cơ quan tỉnh. Đồng chí Siu Pui xuống vùng căn cứ Phú Yên đón được một thầy lang giỏi tên là Minh, thoát ly đi làm cách mạng lên Đắk Lắk, làm nòng cốt xây dựng cơ sở đông y đầu tiên của tỉnh. Trong tổ này còn có Y Su là y tá cũ của nhà thương Phú Yên, hai cứu thương Y Ly và Ama Tur chuyên làm thuốc nam.
Ban Dân y tỉnh do đồng chí Siu Pui làm Ttrưởng ban, với số hành trang là sách dược lý mang được từ Hà Nội vào, vận dụng với kinh nghiệm của lương y Minh, đồng bào địa phương, biên soạn một số bài chữa bệnh bằng thuốc nam, gửi cho các y tá cứu thương đang công tác tại lực lượng vũ trang và cơ quan huyện sử dụng.
Tháng 10/1960, sau đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, Đ/c Siu Pui được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, được giao nhiệm vụ Trưởng ban dân y, kiêm Trưởng ban Dân vận tỉnh. Sau đó do yêu cầu phục vụ chiến đấu phối hợp quân dân y, thành lập Ban quân, dân y tỉnh, và triển khai các bộ phận chuyên môn, đáp ứng nhu cầu cả quân và dân trước tình hình cuộc đấu tranh vũ trang của tỉnh phát triển mạnh.
Ban quân, dân y được thành lập tháng 10/1960 có các bộ phận sau:
-
Bộ phận phong trào vệ sinh phòng bệnh do Y tá trưởng Y Vi phụ trách và vài cứu thương.
-
Thường trực Ban quân, dân y gồm:
- Đ/c Siu Pui Trưởng ban.
- Đ/c Y Thô vừa phụ trách kho dựơc vừa làm văn thư.
- Y tá Y Hiên phụ trách lưới nhân viên y tế, phục vụ cơ quan tỉnh và lực lượng vũ trang.
3. Bộ phận Đông y do Luơng y Minh phụ trách, có các nhân viên Y Su, Ama Wek, Y Ly và Ama H’Tur.
Đồng thời xây dựng trạm xá tỉnh do Y sĩ Bích – Phó Ban làm Trạm xá trưởng. Có các y tá H’Dil, H’Blao và Y Biêr phụ trách điều trị. Các cứu thương viên, hộ lý là Amí Bhiăng, H’nai, Amí Hiu.
Quản lý Trạm xá là Đ/c Hoa, 2 nhân viên Y Nót và Y Sin làm anh nuôi.
Địa điểm trạm xá đặt tại núi Ta Hiăng (Chư Dliê Ya) trạm xá có nhà riêng cho thương binh và bệnh binh, làm bằng tre nứa, lá và có một tiểu đội du kích bảo vệ.
Kết thúc năm 1960, y tế cách mạng Đắk Lắk bắt đầu hình thành tổ chức, nhằm hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang của tỉnh, chấm dứt giai đoạn chính quyền Mỹ - Diệm thực hiện chiến tranh một phía thất bại.
Ban quân dân y trực tiếp chỉ đạo trạm xá tỉnh và đề ra các nhiệm vụ cho trạm xá như sau:
-
Điều trị thương binh của tỉnh, tổ chức đưa số cán bộ, chiến sĩ bị thương, đau ốm nặng giao cho hành lang đưa anh em ra Bắc điều trị, đồng thời chữa bệnh cho số cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào và bị ốm nặng trong các trạm giao liên, tổ chức thu dung điều trị anh em khỏi bệnh đi tiếp vào Nam Bộ.
-
Số cán bộ nhân viên trạm xá, vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tự phát rẫy trồng lúa, bắp, mì và chăn nuôi gia cầm, theo chỉ tiêu tự túc lương thực và còn dành phần lớn phục vụ thương bệnh binh tại chỗ, cung cấp cho anh em bệnh binh lương thực để anh em đi tiếp vào chiến trường khi đã phục hồi sức khỏe.
-
Xây dựng mạng lưới y tế cách mạng phục vụ cho cuộc đấu tranh chống chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục về xây dựng tổ chức ngành y tế giải phóng miền Nam, với phương châm:
- Đề cao tinh thần tự lực cánh sinh, phát huy tính sáng tạo, tháo vát của từng địa phương, từng cán bộ nhân viên ngành y.
- Đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, song song với việc làm tốt công tác điều trị, nhưng phải lấy công tác phòng bệnh làm cơ bản.
- Kết hợp Đông y và Tây y trong công tác điều trị, sản xuất thuốc, đặc biệt phát triển thuốc Nam.
- Tổ chức bộ máy y tế phải gọn nhẹ, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, thích hợp trong hoàn cảnh chiến tranh.
Chú ý:
- Ở vùng căn cứ giải phóng phát triển mạnh y tế tới cơ sở, góp phần xây dựng căn cứ, cải thiện đời sống, cải tiến xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp, tiến bộ và lành mạnh của chế độ ta, gây ảnh hưởng tốt tới nhân dân sống dưới vùng địch kiểm soát.
- Ở vùng tranh chấp, tổ chức y tế phải phù hợp với điều kiện, kịp thời cứu chữa bộ đội cán bộ và nhân dân, giành dân, mở rộng căn cứ. Hướng dẫn chống địch phá hoại cơ sở cách mạng, tổ chức dân đấu tranh, buộc chúng cứu chữa bệnh tật cho nhân dân.
- Ở vùng địch kiểm soát, công tác y tế chưa gây dựng được, cần vạch rõ âm mưu thâm độc của địch cho nhân dân biết là địch dùng tổ chức y tế làm gián điệp phá hoại cách mạng, vận động nhân dân đòi thực hiện quyền dân sinh chủ, trong đó có quyền lợi y tế, tạo mọi điều kiện gây ảnh hưởng y tế cách mạng vào vùng địch.
-
Y tế phục vụ phá ấp chiến luợc, giành dân (1960 – 1962)
Tháng 9/1960, Liên khu 5 chỉ thị cho các tỉnh mở đợt hoạt động phát động quần chúng phá kìm kẹp, mở rộng căn cứ. Tỉnh Đắk Lắk mở đầu đợt diệt ác ở Phú Cần diệt tên chánh cử ác ôn và bứt rứt đồn M’Lá,... kế đó võ trang tuyên truyền qua các làng dọc theo đường số 7, giải phóng vùng Đông Cheo Reo. Tại A10 (mật danh huyện M’drắk và Cheo Reo), ta tổ chức cuộc biểu tình tuần hành lớn có tới trên 3.000 nhân dân tham gia kéo lên bao vây đồn Ai Nui. Địch hốt hoảng bắn súng cối ra đoàn đấu tranh, các nhân vien y tế lập tức vận động nhân dân khiêng người bị thương lên đồn đòi chúng bồi thường. Bọn tề ngụy hoảng sợ bỏ chạy, lập tức các cơ sở của ta đứng lên thành lập chính quyền tự quản. Đến cuối 1960, vùng tự do của tỉnh (B3) đã đã mở rộng bao gồm đại bộ phận nông thôn ở M’drắk, một số xã ở vùng Buôn Hồ, một số xã thuộc Quảng Đức (Đắk Mil). Vùng tự do của tỉnh lên đến 30 xã, với hơn 300 buôn và hơn 30.000 người đứng dậy làm chủ, đợt đồng khởi này tiếp tục diễn ra khắp toàn tỉnh năm 1961, tạo thêm nhiều khu lõm tại B4 (Quảng Đức), Buôn Đôn (B6) và Đắk Rpul ở B5. Vùng căn cứ được củng cố, vùng dân tự do làm chủ được mở rộng, đòi hỏi ngành Y tế cách mạng phải vươn lên nhằm phục vụ tốt cho phong trào phá ấp chiến lược của Mỹ Diệm.
Ấp chiến lược thực chất là một trại giam trá hình, có 3 lớp rào bao quanh, giữa các lớp có hào sâu cắm chông, gài mìn và có bốt gác. Chúng bắt dân vào ăn ở trong ấp, ban ngày có dân về áp tải ra lao động sản xuất, tối lại lùa về cổng ấp đóng kín, nhằm triệt tiêu chỗ dựa vào dân của lực lượng cách mạng. Đắk Lắk bước vào thời điểm thực hiện chủ trương toàn Đảng, tòan quân toàn dân phá ấp chiến lược bằng 3 mũi giáp công ( chính trị + vũ trang + binh vận).Đứng trước nhu cầu cấp bách trên, nhiệm vụ đặt ra cho ban Quân Dân y là tiếp tục phải mở lớp đào tạo y tá, cứu thương để phục vụ nhân dân và bộ đội trong tình hình nhiệm vụ mới. Mặc dù tại khu căn cứ phát hiện một số bệnh nhân đường ruột và tỉ lệ người sốt rét khá cao, cán bộ và nhân viên y tế còn ít, nhưng với tinh thần hăng hái và lương tâm của người thầy thuốc cách mạng, nhiều anh em y tá, cứu thương được cử đi tham gia vào các đội vũ trang phát động quần chúng, đều không ai từ nan thóai thác nhiệm vụ. Khi vào ấp, họ là cán bộ dân vận, khi gặp địch bất ngờ họ là người lính chiến đấu, lúc gặp dân bị thương họ thành người thầy thuốc, thậm chí còn là nhân chứng lịch sử phát động lòng căm thù quân xâm lược tại chỗ, hướng dẫn nhân dân đấu tranh như vụ anh Ama Tô- một cơ sở của ta ở Ea- Trul bị địch bắn chết rồi chặt xác làm đôi bỏ ở cổng đồn (M’drắk), hàng ngàn đồng bào đã kéo lên đồn đòi bồi thường nhân mạng, kết hợp với lực lượng vây ép bốt Buôn Thu. Ta giải phóng luôn ấp Ea Truôl, có sự góp sức của cứu thương đi đấu tranh cùng lực lượng quần chúng biểu tình.
c. Việc ra đời Ban Quân Dân y. Thành lập bệnh xá tỉnh.
Tình hình chính trị, quân sự: Tháng 5-1961, Trung ương quyết định chia Miền Trung thành hai khu: khu 5 và khu 6. Khu 5 cắt phần Quảng Đức về Khu 6 (B4) Đắk Lắk trở thành tỉnh địa đầu của khu 6 và khu 5. Từ đó, B3, B5, B6 trực tiếp dưới sự chỉ đạo của khu 6, nối khu 5 và miền Đông Nam Bộ. Lực lượng vũ trang của tỉnh thời gian này có 4 đại đội, ở mỗi B đều có lực lượng trinh sát, đặc công; các huyện đều có lực lượng vũ trang từ 01đến 02 trung đội.
Đối với địch, bị thất bại trong chiến lược chiến tranh một phía, chuyển sang chiến lược chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, mà cốt lõi là gom dân lập ấp chiến lược.
Ngày 3/2/1961, đại đội 32 cùng đặc công (Liên tỉnh 4) tập kích tiêu diệt đồn M’ghân. Quần chúng 2 xã Lắk Yang Đam và Buôn M’ghân nỗi dậy dành quyền làm chủ. Trước khí thế sôi sục của quần chúng, bọn ngụy ở Buôn Ngô, Buôn Kiên bỏ chạy. Kế đó, tại B5 lực lượng vũ trang của ta tiêu diệt đại đội bảo an quân Lắk, giải phóng một vùng rộng lớn từ Lạc Thiện, Đức Xuyên, Đầm Ròn, vùng Nam Lắk trở thành căn cứ của Liên tỉnh 4. Những chiến thắng trên khiến quân ngụy ở Đắk Lắk phải hốt hoảng kêu lên: “Có lực lượng chính quy của Bắc Việt về”, bọn chúng biết rằng ngoài căn cứ Chư Dliê Ya ở bắc đường 21, ta còn có căn cứ dọc thung lũng sông Krông Nô mà chúng cho là căn cứ chính của khu 6. Tên Ngô Đình Nhu lên thị sát Đắk Lắk thừa nhận ngoài căn cứ phía Bắc, Việt cộng đã chiếm lĩnh phần phía Nam rộng lớn của tỉnh Đắk Lắk và ra lệnh cho tên tướng ngụy Tôn Thất Đính chỉ huy khu vực Cao Nguyên Trung phần phải bằng mọi giá chiếm lại địa bàn này.
Sau ngày B3 tổ chức Đại hội mặt trận dân tộc giải phóng do ông Rơ Chăm Thép làm Chủ tịch, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng và ủng hộ. Hàng trăm nam nữ thanh niên vượt rào ấp chiến lược đi tham gia cách mạng, lực lượng vũ trang phát triển khá nhanh cả về đầu đơn vị và số quân nhân. Tỉnh Ủy Đắk Lắk quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh, củng cố Ban Kinh tài để lo bảo đảm cơ sở vật chất cho lực lượng chiến đấu tập trung, hành lang và các đoàn khách từ Bắc vào Nam qua địa bàn; lập các kho vũ khí, lương thực, muối, hình thành các tổ chức rèn và sản xuất vũ khí tự tạo, thành lập Ban Quân dân y và đội phẫu thuật của tỉnh để điều trị thương bệnh binh và nhân dân tại B3 (gồm M’đrắk, Đông Tây Cheo Reo- Buôn Hồ). Trạm xá tỉnh được bổ sung thêm cán bộ và một số trang thiết bị y tế từ miền Bắc vận chuyển vào trở thành Bệnh xá tỉnh với quy mô lớn hơn phục vụ cho cuộc chiến đấu lâu dài của quân dân tỉnh Đắk Lắk.
Bệnh xá tỉnh đặt tại vùng rừng dưới chân núi Chư Jú (Dliê Ya) nhiều lần bị máy bay địch đến oanh tạc quanh khu vực. Chỉ riêng năm 1961 sang đầu 1962, bệnh xá phải chuyển địa điểm tới 3 lần, mà mỗi lần di chuyển thật vô cùng vất vả, thương binh, bệnh binh và nhân dân vào điều trị, người nhẹ phải tự đi lấy, số cứu thương và nhân công tình nguyện chỉ đảm bảo khiêng cáng người không đi được. Vừa di chuyển, các nhân viên y tế còn phải sẵn sàng đánh địch khi gặp trên đường di chuyển và đảm bảo vừa điều trị, vừa nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh mau lành, chóng khỏe trở về đơn vị để tiếp tục chiến đấu.
Giữa năm 1961 lực lượng y tế của tỉnh được bổ sung thêm 2 quân y sỹ, mộ 01 y sỹ và 03 y tá quân đội ( Y Wi, Y Thô, Y Hiên).
Đồng chí quân y sỹ Y Giật và y sỹ Y Wơn về phục vụ bệnh xá tỉnh, 01 quân y sỹ là đồng chí Vinh về Ban Quân sự thành lập đơn vị cấp cứu tiền phương có các y tá là Y Bun Tao, Ngãi, Bổn đi theo các đơn vị chiến đấu để sơ cứu tại chỗ rồi chuyển thương binh bệnh binh về bệnh xá tỉnh tiếp tục điều trị.
Phụ trách Ban Quân dân y vẫn là bác sĩ Siu Pui đảm nhiệm
Ngoài bộ phận Đông y do Lương y Minh phụ trách. Ban còn lập thêm tổ sản xuất thuốc men tự túc do các nhân viên Ama Nhai, Y Lim, Amí Tlang phụ trách.
-
Hoạt động của Ban Quân Dân y
Lớp cứu thương đầu tiên của tỉnh đã chuyển về các huyện và đội vũ trang sau hơn 1 năm chiến đấu phục vụ, hầu hết đã trưởng thành và nâng cao nghề nghiệp khi qua thực tế đi vào quần chúng nhân dân. Anh em làm nòng cốt xây dựng y tế tại các huyện (A – mật danh gọi huyện của B3) và xây dựng được một số nhân viên vệ sinh phòng bệnh ở các buôn làng. Hoạt động trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhưng nhờ biết phát huy tính tích cực sáng tạo và học tập đồng bào, khai thác dược liệu tại chỗ để phục vụ bà con khi lâm bệnh.
Y sĩ, Thiếu tá Quân y Rơ Lan Niên, một thiếu nhi được dự lớp cứu thương đầu tiên tự thuật:
“Mười bốn tuổi đầu A, B không biết, tôi không ngờ có ngày lại trở thành quân y sỹ. Sở dĩ được như vậy tôi luôn nhớ nằm lòng lời dạy của thầy Siu Pui, 10 chữ vàng của Bác Hồ, đó là người thầy thuốc phải có tinh thần: “Hăng hái – Hi sinh – Bác ái – Đoàn kết – Kỷ luật”
Thầy nói: Đây là lời của Bác từ năm 1946, làm kim chỉ nam cho người thầy thuốc. Ba tháng học cứu thương, làm gì có khoa học chuyên ngành như bây giờ. Vào dân hỏi cây thuốc nam để thử và chữa bệnh luôn cho đồng bào, tập hợp bà mụ đở đẻ ở buôn, hỏi kinh nghiệm rồi hướng dẫn trở lại việc cắt rốn cho trẻ sơ sinh nhằm chống uốn ván...”
Tháng 9/1960, vùng Dliê Ya xuất hiện bệnh tả. Ban Quân Dân y được tin báo liền huy động các cứu thương đến vận động nhân dân không mổ trâu cúng thần núi, mà hướng dẫn người khỏe vào rừng lấy ngọn Ana Mlan rang lên đun lấy nước uống, kịp thời dập tắt dịch tả cho cả buôn, trừ 07 người quá nặng không lấy kịp lá thuốc rang cho uống.
Vậy là ngành y dựa vào dân, nhờ dân dạy để mình đi chữa bệnh cho người khác. Ngoài ra, còn vận động nhân dân vệ sinh phòng bệnh miệng nói tay làm, hướng dẫn cho quân dân thực hiện các biện pháp ăn chín uống sôi, hun khói đuổi muỗi, nuôi gia súc xa nhà... đã phòng được nhiều bệnh cho quân dân ta, không đợi có thuốc mới trị bệnh.
Mở lớp y tá tại B4 (Quảng Đức- Khu 6).
Khoảng tháng 11/1960, Bộ Tư Lệnh khu 6 (do Đ/c Nguyễn Minh Châu làm tư lệnh, Đắk Lắk nhập vào liên tỉnh 4 thành khu 6), quyết định Bác sĩ Siu Pui, Tỉnh ủy viên, phụ trách luôn quân y, thống nhất chỉ đạo ban Quân Dân y tỉnh Đắk Lắk, kiêm hiệu trưởng trường y tá của tỉnh. Địa điểm trường đặt tại chân núi Mró bên bờ sông Krông Năng (thuộc vùng M’đrắk), ngoài bác sĩ Siu Pui trực tiếp giảng dạy, còn có giáo viên giảng dạy là các quân y sỹ được tăng cường của khu như Y sỹ Luận và một số đồng chí khác (*6). Lớp này chiêu sinh được 60 học viên gồm 15 nữ và 26 thanh niên dân tộc, 18 thanh niên kinh (xem danh sách ở phụ lục). Tháng 6/1961, mãn khóa lớp, anh em đều tốt nghiệp, phân bổ về các huyện và các đơn vị bộ đội phục vụ cho đợt tổng phá ấp, giành dân vào cuối năm 1961 – đầu năm 1962. (Cuối năm 1961, B4 tức Quảng Đức tách khỏi khu 6, sáp nhập với khu 10 gồm: Lâm Đồng, Quảng Đức, Phước Long).
Sau lớp y tá đầu tiên, đội phẫu thuật của tỉnh, do y sỹ Vinh – phó ban quân dân y phụ trách, tiếp tục mở lớp đào tạo cứu thương để cung cấp cho huyện và nhân dân khu căn cứ và các cơ quan của tỉnh.
Y tá ra trận:
Đầu tháng 9/1961, Ngô Đình Diệm bắt đầu thực hiện chiến dịch gom dân lập lại ấp chiến lược trên địa bàn Đắk Lắk. Trước tiên ở những vùng cơ sở yếu, chúng gom dân lập lại ấp tại chỗ và dồn một số buôn từ núi cao xuống, bắt dân rào ấp và tổ chức lực lượng nghĩa quân, dân vệ để khống chế dân (như vùng Thuận Mẫn), dồn các buôn giáp ranh Chư Cúc, Buôn Đôn, Buôn Hồ,...
Đối vùng ta làm chủ, địch đánh phá quyết liệt, cho bọn chiến tranh tâm lý xâm nhập, có nơi bất ngờ đổ quân xuống xúc dân. Thực tế, chúng biến mỗi ấp chiến lược vừa là nơi kìm kẹp dân, vừa làm những cứ điểm (có tới 160 dân vệ, trang bị súng ống đầy đủ) liên lạc bằng điện thoại để các ấp có thể chi viện cho nhau. Trong sách lược dồn dân này, đã gây cho đồng bào ta nhiều xáo trộn trong cuộc sống, khi bị địch xúc đi, không kịp đem theo tài sản, lương thực dẫn đến bệnh tật, thiếu đói trầm trọng, gây ra cảnh mẹ xa con, vợ lìa chồng, gia đình ly tán...
Phải chặn ngay thủ đoạn dồn dân lập ấp của địch, khu ủy 6 (vùng Quảng Đức) cùng cấp ủy B3, B5 ra quyết định động viên mọi lực lượng vượt khó khăn, mở đợt tiến công địch, hạn chế chúng kéo dân đi đàn áp và tiếp tục dồn dân. Từ cuối tháng 10/1960 đến tháng 4/1962, lực lượng vũ trang của ta hoạt động mạnh trên khắp các địa bàn địch coi là trọng điểm dồn dân, quanh Buôn Đôn, Quảng Nhiêu, vùng Buôn Chấp, vùng phía Nam Lắk và Krông Bông,... đợt hoạt động dài ngày đầu tiên có sự tham gia của học sinh lớp y tá mới ra trường tháng 6/1961.
Đội phẫu thuật do Y sỹ Vinh phụ trách cũng bám sát mũi chủ công phá ấp tại vùng phía Nam Lắk. 21 học sinh y tá tốt nghiệp khóa 2 (mở tại khu 6) bám các mũi vũ trang phá ấp chiến lược đều hòan thành nhiệm vụ(*7).
Trong điều kiện hoạt động địch hậu, nhiều anh chị em y tá, cứu thương đã chiến đấu như người chiến sĩ thực thụ, nhưng được tạm lui về phía sau họ không có được phút nào rảnh tay, nghỉ ngơi dù thời gian ít ỏi. Sau đó, lại bắt tay vào tăng gia sản xuất hoặc quay về Bệnh xá tỉnh để phục vụ thương, bệnh binh, làm công tác hộ lý, hoặc vào các buôn làng tiếp tục vận động nhân dân thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh, không để sự tàn bạo, bao vây của địch ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Có y tá trên đường đi cứu dân mắc bệnh dịch tả ở Buôn Mlang, Krông Năng bị địch phục kích đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh như Y Dơn, Y Niu; hoặc chiến đấu cản địch để dân chạy không bị địch xúc mà hy sinh như Y Thanh (hy sinh ở Quảng Phú), Y Ngưng hy sinh ở Lắk, Y Nguyên chiến đấu với lực lượng vũ trang chặn địch ở Krông Pắk; chịu đựng vất vả, gian khổ, luôn tận tụy với người bệnh, tất cả vì nhân dân, nói lên phẩm chất cao đẹp của người “Lính, thầy thuốc”. Ngành y tế Đắk Lắk càng cũng cố thêm lòng tin vào thắng lợi của cách mạng đối với những người dân sống trong vùng kìm kẹp của địch./.
(*1) Tỉnh Đắk Lắk của ta ngày đó gồm toàn bộ phần của Đắk Lắklà của địch, và một phần của đất Gia Lai (đông, tây Cheo Reo sau địch làm tỉnh Phú Bổn), 1 huyện của Phú Yên ( quận Phú Đức), 1 huyện Khánh Hòa (quận Khánh Dương) và một phần Nam Đắk Mil (địch lập Quảng Đức)
(*2) Diệm bị ám sát hụt tại hội chợ triển lãm Buôn Ma Thuột ngày 22/2/1957
(*3) Trong số này: Krông Pắk có 01, Krông Hing có 03, Ea H’Leo và Lắk có 01, Ayun Pa có 4, Ea Kar có 2, Chư Sê có 2 (xem phụ lục)
(*4) Đồng chí Siu Pui được bầu vào BCH Đảng Bộ tỉnh
(*5)Theo đồng chí Siu Pui, thì trận này có Âm Lý và Y Tang là cán bộ giao liên cùng hy sinh
(*6) Y tá Đô- Giảng viên phụ đạo, Đ/c Mỹ - Chính trị viên.
(*7) Đắk Lắk – 30 năm chiến tranh giải pong. Tr 46; Và lịch sử Đảng bộ Đắk Lắk, tập III, tr46
D.THỜI KỲ 1962 – 1968:
Đầu năm 1962, liên khu 5 đươc tăng cường một số bác sĩ, trong đoàn có Bác sĩ Nguyễn Minh Định được phân công về khu 6 và sau này, khi điều chỉnh lại chiến trường, Bác sĩ Định chuyển sang công tác ban Quân Dân y B5 (vùng Lăk, Krông Bông của Đắk Lắk).
Cán bộ y tế thời kì này, ngoài một số cán bộ nằm vùng và một số y tá, y sỹ được điều động vượt Trường Sơn từ năm 1959 – 1962 vào chiến trường miền Nam trước đó còn chủ yếu là mới được đào tạo từ miền Bắc và các nước XHCN trở về xung phong và được phân công trở về Đắk Lắk tiếp tục chiến đấu. Những người thầy thuốc đi trong đoàn quân đội mũ tai bèo, xẻ dọc Trường Sơn bằng đôi chân băng rừng, vượt suối, ba lô trĩu nặng vì cùng với súng đạn, gạo, tư trang, còn cõng thêm 20kg trang bị phẫu thuật và thuốc men phục vụ chiến trường. Những viên thuốc nặng nghĩa tình của người hậu phương lớn miền Bắc dành dụm cho chiến sỹ, nhân dân miền Nam ruột thịt.
Vượt Trường Sơn mùa mưa thật vất vả với những cơn mưa triền miên không ngớt, làm đất rừng nhão ra thành bùn lầy, mỗi bước đi vai ba lô kéo về phía sau, súng đạn lôi người lao lên phía trước, từng bước, từng bước đoàn quân cách mạng vẫn tiến tới, xẻ dọc Trường Sơn về phía miền Nam ruột thịt. Với quân lệnh: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” mỗi chặng hành quân là cả một kỳ tích cho những người cán bộ y tế, bởi thầy thuốc thường làm nhiệm vụ trong những điều kiện có sẵn tại bệnh viện, nhưng khi Tổ Quốc kêu gọi thì cùng cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến thần kì chống quân xâm lược. Tới mỗi cuộc giao liên mới được nghỉ theo hiệu lệnh, đường hành quân khi vất vả nhưng khi mọi cán bộ chiến sĩ được nghỉ ngơi, các cán bộ y tế lại phải chăn sóc những người trong đoàn bệnh tật, ốm đau, bị thương. Ngoài ra, còn thực hiện việc chôn cất các chiến sỹ hy sinh dọc đường đảm bảo vệ sinh và an toàn bí mật cho tuyến đường cách mạng.
Vượt Trường Sơn mùa mưa gian khổ, nhưng mùa khô lại còn gian khổ hơn gấp bội phần, bởi dưới ánh sáng gay gắt từ sáng tới chiều tối, dọc đường hành quân những con suối cạn dần, người ta có thể chịu được cái đói, cái rét cùng những con côn trùng cắn lở da, loét thịt vào mùa mưa, nhưng chỉ một ngày hành quân bị đông nước cạn thì cả đoàn nhanh chóng kiệt quệ. Tới mỗi binh trạm, may mắn thì nằm ở ven sông , đoàn quân thỏa thích tắm giặt, nấu nướng và đun nước đổ vào bi đông chuẩn bị cho hành quân ngày mai. Nếu trạm giao liên nằm ở ven suối rừng thì ngoài vất vả của người chiến sĩ anh nuôi: lo đào hầm nấu bếp không khói tránh máy bay địch phát hiện bắn phá, gặn lọc nước nấu cơm, đun nước uống cho chiến sỹ. Còn người thầy thuốc thì tất tưởi bắc nồi nấu nước cất, pha dung dịch sát trùng vết thương, chăm sóc thương bệnh binh mà nguồn nước sạch vô cùng quý báu.
Mùa khô mỗi bước chân trên đường hành quân, trên trời máy bay trinh thám OV10 vo vo thám thính, chỉ với một vệt khói nhỏ, một đám cây lá ngụy trang bị héo rũ là có thể trả giá bằng cả tính mạng của nhiều cán bộ, chiến sỹ. Thêm bọn biệt kích luôn rình rập luồn lách tìm cách ngăn trở bước chân của đoàn chân Nam tiến.
Tình hình chiến trường, đầu năm 1962 quân Mỹ, Diệm thực hiện chiến lược “bủa lưới phóng đao” (cho biệt kích thám báo lùng sục, khi phát hiện ta thì đổ quân xuống) và “trên đe dưới búa”, dùng máy bay ném bom, cho biệt kích luồn đánh dưới đất. Chúng đặt ra các vùng: Đỏ (vùng căn cứ của ta), Xanh (vùng tranh chấp), Vàng (nơi chúng kiểm soát), mở cuộc càn quét lớn vào vùng Nam Lắk mang tên chiến dịch An Lạc và Dân Thắng. Suốt 4 tháng địch càn lớn, khu 6 phối hợp với vùng B5, điều thêm lực lượng từ Khánh Hòa lên cùng lực lượng tại chỗ tiêu diệt chi khu quân sự Đầm Ròn, đập tan cuộc càn lớn của địch.
Trong cuộc càn này, có buôn, địch xua dân lên xe, có cả y tá xuống cứu thương cũng bị xúc, đã đấu tranh kiên quyết nhảy xuống, thà chết không chịu về ấp chiến lược; nhân dân Dăk Tre Pul, Liêng Krăk đưa nhau vào hang đá lánh địch. Có người tự mổ bụng để phản ứng kẻ thù như Y Ơn buôn Dăk Tuôr. Ta đánh bại cuộc càn, giữ vững địa bàn, nhưng mùa màng nương rẫy bị tàn phá, gây thiếu đói và đau ốm nặng trong dân, nhiệm vụ của dân y càng nặng nề.
Bệnh xá tỉnh lúc này đặt tại Ea Hiăng (DliêYa) do đồng chí Bích – Y sĩ làm Bệnh xá trưởng, với các y tá H’Blao, H’Đil, Y Biêr, Amí Bhiăng, H’Nai hằng nghày phải chữa bệnh, sản xuất lương thực nuôi ăn hàng trăm thương bệnh binh, cả bệnh nhân của thôn, buôn được đưa đến điều trị đều được cứu chữa kịp thời, đảm bảo không để xảy ra tử vong đáng tiếc. Các trạm xá huyện 3, huyện 2 (vùng Cheo Reo, M’drăk) nổi lên nhiều tấm gương phục vụ người bệnh tiêu biểu như y sĩ Hoàn (Trạm trưởng H3), y tá Ama Hiăng (Trạm trưởng Trạm H2), Y tá Huỳnh Tài Ba,...
Trong khi xuống cơ sở phục vụ, mỗi nhân viên ngành y là một cán bộ dân vận, phải nắm thật chắc phong tục tập quán của đồng bào mới tuyên truyền có kết quả. Ví dụ, muốn vận động dân ăn sạch uống chín, phải hiểu các bến nước của đồng bào các dân tộc Êđê cũng mang nét văn hóa truyền thống làng quê như mái đình, cây đa của người Kinh. Vì bến nước là nguồn nước sạch nuôi sống cả buôn hết đời này sang đời khác. Việc giữ gìn là trách nhiệm của cả buôn đã được truyền lại: “Nếu để nguồn nước bẩn – Cây lúa không ra bông – Cây kê không có hạt – Con cá không sống được – Con người sẽ mang bệnh”. Hoặc đối với rừng: “Rừng không chỉ là vây quân thù, che bộ đội trong chiến đấu, mà đối với đồng bàp còn hơn thế: Rừng đối với bà con không chỉ là vàng mười mà còn nuôi sống mọi người. Người đốt than phải giữ lấy lửa, để cháy chòi thì tội ấy phải xử, để cháy buôn tội ấy càng nặng”. Nắm được luật tục của đồng bào, hoạt động của các chiến sĩ tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh càng thuận lợi (*8).
Đứng trước sự phát triển của chiến tranh, nhất là sau khi mở cuộc càn quét lớn tại thung lũng sông Krông Nô (đó là hai cuộc càn quét An Lạc và Dân Thắng), ta chống càn quét trong điều kiệm hết sức khó khăn, có thời gian hằng tháng trời người chiến sĩ và đồng bào căn cứ chỉ ăn lá bép với hột xà bu. Trong lịch sử từ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bấy giờ, biết bao đồng bào, đồng chí hy sinh mới dành được mảnh đất chiến lược này, nếu để địch chiếm thì bao giờ mới dành lại được, phải quyết tâm bám trụ đánh trả địch. Để đảm bảo cho sức chiến đấu của bộ đội, ngành y tế phải bám sát đơn vị, bám sát chiến trường. Cán bộ y tế phải bám sát bộ đội, bám sát dân để chăm sóc sức khỏe cho quân dân, đảm bảo đánh địch lâu dài và chiến thắng. Tháng 10/1964, địa bàn B5 (Lắk và Krông Bông) trước thuộc khu 6 nay lại chuyển về dưới sự chỉ đạo của liên tỉnh 3 khu 5.
-
Năm 1965, Bác sĩ Nguyễn Minh Định được cử làm trưởng ban Quân Dân y, thay đồng chí Siu Pui chuyên lo ban dân vận (mũi tấn công chính của tỉnh) và ban thương binh tỉnh (Đắk Lắk thời gian này có 2 bệnh xá tại H1 và H2). Việc củng cố, đào tạo và xây dựng mạng lưới y tế là một yêu cầu bức thiết.
Mạng lưới y tế trong thời kỳ 1965-1968:
-
Ban dân y được thành lập vẫn kiêm quân dân y do Bác sĩ Định làm Trưởng ban. Bên quân y chỉ có một y sĩ và một số phục vụ hậu phẫu cho các đơn vị hoạt động ở tuyến trước. Ban dân y có một bệnh xá phục vụ nhân dân vùng căn cứ và các cơ quan tỉnh.
-
Bệnh xá do y sĩ Xuân (miền Bắc vào) làm bệnh xá trưởng.
-
Đội phẫu thuật do Y sĩ Xuân Dũng (miền Bắc vào) làm đội trưởng (*1).
-
Đầu năm 1965, Ban dân y tỉnh có thêm một bác sĩ, y sĩ, dược sĩ tăng cường nên bước đầu có sự tổ chức.
-
Bệnh xá tỉnh do các bác sĩ Bằng, Bác sĩ An, Bác sĩ Thăng đảm nhận. Bác sĩ Bằng làm bệnh xá trưởng.
Xưởng dược do dược sĩ Lê phụ trách, có các dược sĩ Song, Hoàng, Liễu. Thành lập trường y tế đào tạo lại y tá, dược tá có y sĩ Toàn, y sĩ Điền, các y sĩ Tuấn, Yến đảm nhiệm. Đội y tế lưu động do Y sĩ Linh phụ trách.
Một số hoạt động y tế sau khi được cũng cố
Việc chia Ban Quân Dân y thành Quân y và Dân y (*1) thời điểm này xuất phát từ sự phát triển của phong trào cách mạng. Bộ đội đã đánh địch với quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn, số thương binh tăng hơn. Vùng giải phóng ta cũng mở rộng, số dân quản lý đông hơn, và thêm nữa lực lượng cán bộ y tế cũng được tăng thêm cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Sự tách ra là đòi hỏi khách quan, sự kết hợp giữa quân dân y cũng là đòi hỏi tất yếu, đặc biệt trong tình hình sự phát triển của chiến tranh phải có hình thức phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến đấu lẫn đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Ban Dân y luôn quán triệt trong anh chị em tinh thần phục vụ cách mạng triệt để và lâu dài với phương châm “Y tế phục vụ chiến đấu, phục vụ dân”.
Lấy định hướng phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, chủ động tích cực là chủ yếu, thực hiện tốt phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch; kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh; dập tắt các bệnh dịch trong nhân dân vùng căn cứ và vùng mới giải phóng.
Ban Dân y tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, xây dựng trong anh chị em tinh thần phục vụ cách mạng vô điều kiện và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã tỏ rõ phẩm chất người thầy thuốc, đồng thời là chiến sĩ tận tụy vì dân sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ ngoài nghiệp vụ chuyên môn, như tham gia đội công tác vũ trang. Có đồng chí bên cạnh bông băng túi thuốc và cấp cứu, còn làm đội trưởng đội công tác vùng sâu, đi sâu vào vùng địch mà chiến đấu, và cứu thương chữa bệnh, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, có thời gian huy động nhân viên y tế Đắk Lắk phục vụ chiến dịch dành dân dài ngày tại vùng Ea H’leo, Thuần Mẫn, lập trạm xá và đội phẫu đã chiến, phục vụ bộ đội chiến đấu, ngay từng bước quân đi, đảm bảo thương binh được cứu chữa kịp thời, lập trại thương binh tại vùng Ea Engao (do Ama Yú – phó Ban thương binh phụ trách). Tỉnh cũng thành lập và tăng cường cho bệnh xá B5 cũ hoạt động điều trị thương bệnh binh và nhân dân vùng Lắk, đây và bước khởi đầu cho việc xây dựng bệnh xá tỉnh tại căn cứ H9 của tỉnh sau này.
-
ĐÀO TẠO CÁN BỘ Y TẾ:
Nhìn lại quá trình trước đây, lực lượng cán bộ y tế còn quá mỏng, cán bộ sơ cấp y tá, cứu thương, hộ sinh hòan toàn tự lực là chính (Ban Dân y đảm nhận lập trường đào tạo) với phương châm thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ học viên tại chỗ, với nguồn nhân lực chủ yếu là các thanh niên tiên tiến tại các thôn buôn vùng giải phóng và khu căn cứ.
Ban Dân y tỉnh (B5) cử cán bộ xâm nhập các dinh điền, tuyển chọn được 10 nam nữ thanh niên có trình độ tương đương hết cấp I, cử xuống nhờ ban Quân Dân y Khánh Hòa đào tạo gấp y tá cấp tốc tại Buôn Mgăng (Krông Bông). Lớp y tá này kịp thời đưa ra phục vụ chiến dịch giành dân trên đường 14 và 21 kéo dài và Nam Lắk, mở một mảng vùng giải phóng từ Thăng Qúy, Thăng Thạnh, Quảng Cư, Vũ Bổn về đến Khuê Ngọc Điền.
Sau khi B3, B5 hợp nhất (không kể B4 – Quảng Đức), tỉnh bắt đầu mở trường đào tạo y tế nhằm đào tạo y tá, dược tá, hộ sinh. Địa điểm đặt tại Ea Ngao (căn cứ tại Tây Phú Yên) do Y sỹ Y Wi làm hiệu trưởng. Đến cuối năm 1965, trường chuyển về Krông Bông, Buôn Khor, do Y sỹ Đặng Thị Yến làm hiệu trưởng, lớp dược tá do Dược sỹ Ngọc Liễu làm chủ nhiệm.
Như vậy, đến cuối năm 1965, Ban Dân y Đắk Lắk đã hình thành các tổ chức và đào tạo khá thống nhất, hoạt động học tập quy củ, nề nếp và phối hợp đồng bộ, gồm:
a. Ban Dân y tỉnh:
-
Bệnh xá tỉnh và 2 huyện
-
Trường y tế đào tạo sơ cấp
-
Xưởng Dược
-
Đội y tế lưu động
Các cơ quan đều có y tá phục vụ. Riêng cơ quan tỉnh có bác sĩ (đ/c Huỳnh Thị Xuân )
b. Tuyến vùng, huyện :
- Mỗi vùng hoặc xã có một y tá, có hệ thống nhân viên vệ sinh ở các buôn.
- Mỗi huyện có từ 1 đến 2 y sĩ phụ trách.
Đầu năm 1966, các huyện đều có bác sĩ.
H1 – Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Mai.
H2 – Bác sĩ Trần Tiến Thăng.
H3+7 – Bác sĩ Nguyễn Văn Trực, Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa.
H4 – Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, sau là bác sĩ Nguyễn Đức Phồi, kế đến là bác sĩ Hùynh Thị Xuân.
H5 – Bác sĩ Phạm Du Hà.
H6 – Bác sĩ Lê Bá Thành, Bác sĩ Nguyễn Văn Lập (hy sinh trong chiến đấu).
H8 – Bác sĩ Đặng Công Long.
H9 – Bác sĩ Nguyễn Đình Hồ (từ trần vì sốt rét).
+ Tuyến các buôn làng: Cơ bản đã có cứu thương, nhân viên vệ sinh phòng bệnh hoạt động.
+ Các dinh điền do ta làm chủ, có y tá phụ trách điều trị.
+ Các huyện: H1- H2 – H3,7 – H4 – H5 – H6 – H9 và H10 đều có trạm xá để cấp cứu và điều trị bệnh thông thường và thương binh nhẹ.
Tóm lại:
Vùng giải phóng ngày càng mở rộng, mạng lưới y tế Đắk Lắk từ ban đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ mới chỉ có vài người, đã nhanh chóng được hình thành rộng khắp để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhờ có số lượng y tế từ miền Bắc vào, vừa góp phần quan trọng hết sức vào việc đào tạo cán bộ y tế của tỉnh, vừa đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong giai đoạn mới. Điều đáng trân trọng là số anh em cán bộ dù mới ở miền Bắc vào chiến trường, hoặc là cán bộ tập kết, nhưng trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, và công tác bất kể ngày đêm, ăn uống thiếu thốn, bệnh tật dày vò, thời tiết, khí hậu và cuộc sống, ngành y tế và cán bộ nhân viên y tế không hề có ai thoái thác nhiệm vụ hoặc giao động chiêu hồi, đầu hàng địch. Đó là một truyền thống, một nét son của y tế Đắk Lắk được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh.
F.CÁC HOẠT ĐỘNG Y TẾ THỜI KỲ MẬU THÂN:
Tiếp tục vận động vệ sinh phòng bệnh trong đồng bào dân tộc vùng mới giải phóng là yêu cầu cấp bách của nhân dân cũng như quan điểm của Tỉnh ủy, kiên quyết không để nhân dân vừa được giải phóng bị ốm yếu, thiếu đói, chết vì bệnh. Thời kì này, đối với các vùng giải phóng, ngoài việc dùng đại bác, máy bay bắn phá, bao vây và khủng bố nhằm đẩy dân vào vùng chúng kiểm soát, địch đã bắt đầu dùng B52 ném bom rải thảm vào vùng căn cứ Chư Dliê Ya, Nam Nung,... dọc đường biên giới, chúng rải chất độc màu da cam, chất phát quang nhằm tiêu diệt môi trường sống của ta. Chất độc này biến từ củ sắn cũng trở thành thực phẩm chứa chất độc đắng ngắt. Nhiều bờ sông, con suối, cây cối trơ trụi, bên dưới bột độc trắng xóa,... Anh chị em cán bộ y tế vào chiến trường, luôn luôn ghi nhớ lời căn dặn của bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch: “Trong việc cấp cứu chiến thương, muốn nhanh hơn Mỹ được trang bị bằng máy bay hoặc xe cơ giới, ta phải dựa vào tổ chức, bất cứ lúc nào cũng phải có cán bộ y tế ngay tại chỗ”, và “ Cần gì học nấy, rồi dần dần bổ túc. Công tác chính trị rất cần như chính quy, nó đòi hỏi sáng tạo trong thời gian ngắn mà đào tạo được cán bộ giỏi”.
Chính xuất phát từ điểm trên đây, ban Quân Dân y đã mở các lớp đào tạo cấp tốc được các y tá, cứu thương tại chỗ, cử anh em về buôn làng hoạt động, vừa chữa bệnh vừa học đã mang lại nhiều kết quả thiết thực tới cuộc vận động đồng bào dân tộc ăn uống vệ sinh, không ăn bốc , dùng thìa hoặc đũa, uống nước đun sôi để nguội, ăn rau sạch không uống các nguồn nước bị nhiễm các chất độc phát quang của đế quốc Mỹ,...dù đồng bào ra sống bất hợp pháp, dưới tán cây rừng hoặc hang đá, dưới các lán, sàn vẫn phát rộng làm chuồng gia súc, không để nuôi gần người, dưới sàn nhà đào hố xí; vận động đêm đến hun khói chống muỗi, phòng bệnh sốt rét được nhân dân tích cực thực hiện.
-Tại vùng căn cứ giải phóng, tỉnh đã hình thành tổ chức lực lượng sản xuất tới 234 tổ vòng đổi công, một số lao động trên mặt trận sản xuất lương thực tới trên 5.000 người. Vùng giải phóng M’drăk và Krông Bông nhân dân đã xây dựng chiến đấu, điển hình như Khuê Ngọc Điền của H19, Dliê Yacủa huyện 4, Ea Lấp của huyện 5, Đất Bằng huyện 2,... Ngành y tế cũng phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh khai thác dược liệu tại chỗ, chế biến thuốc, thuốc viên phục vụ nhân dân bộ đội như: Khai thác vỏ cây, dây lang ty huynh giã đắp chống vết thương nhiễm trùng, vỏ cây dầu làm thuốc chống sốt rét; hướng dẫn cho nhân dân sử dụng các lá xông chống cảm cúm,... ngoài ra còn tổ chức nấu cao gạc nai, cao xương động vật, phục hồi sức khỏe cho thương binh bệnh binh,...học tập phương pháp chữa bệnh của nhân dân như lấy vỏ cây bằng lăng chữa tiêu chảy, dùng lá cây đa đa để chữa bệnh viêm đại tràng, dùng vỏ bẹ chuối phơi khô thay cho vải xô để băng vết thương. Có thể nói rằng, ngoài một số ít thuốc Tây khai thác từ trong vùng địch ra, thì phần lớn việc chữa bệnh nội khoa cho thương binh bệnh binh, nhân dân là sử dụng thuốc Nam, đây cũng là đặc điểm rất sáng tạo của quân dân y Đắk Lắk thời chiến,trong quá trình tiếp tế thuốc khó khăn từ miền Bắc vào. Sự năng động ấy đã cứu sống được hàng ngàn người qua khỏi mà ngày nay với khoa học y tế hiện đại phương tiện điều trị đầy đủ các căn bệnh không khó, nhưng vào thời điểm và hoàn cảnh chiến tranh lúc đó, thành công của y tế nhân dân là thành công của bài học tự lực, tự cường và có sức đóng góp không nhỏ của cán bộ quân, dân y từ miền Bắc vào miền Nam làm nòng cốt cho việc tổ chức hệ thống Dân y của Đắk Lắk trên địa bàn toàn tỉnh.
Khai thác dược liệu tại chỗ, mở lớp đào tạo y tá tại chỗ, cần gì học nấy, không học viễn vông, các bác sĩ phụ trách y tế của các huyện vừa là nhà quản lí, vừa là nhà chuyên môn, vừa là người đào tạo lớp kế cận, đã là những người gieo giống tốt cho y tế Đắk Lắk sau này.Bác sĩ Nguyễn Minh Định nhớ lại: “Muốn có được nước cất để pha với Nivaquine làm thuốc tiêm chữa bệnh nhân sốt rét cần được tiêm, dược tá phải ngồi hàng giờ liền trên nồi nước bốc hơi (nấu bằng xông nhôm) và dùng nắp nồi để hứng lấy bát nước ( nắp nồi thay chứa nước lạnh cho hơi nước ngưng tụ ) cất...”. Quả là chỉ có y tế Việt Nam mới làm như vậy, và cũng chỉ có trong cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ, thiếu thốn tại một chiến trường xa hậu phương như Đắk Lắk thì mới có cách cất nước tiêm lối thủ công mà các y bác sĩ theo học trường y hiện đại vào chiến trường, với lòng yêu thương nồng nàn người bệnh mới làm như vậy.
Cùng với việc cất nước kiểu cổ xưa, ngay đến việc dập viên thuốc cũng lấy khuôn dập từ vỏ đạn to nhỏ các loại thay cho máy móc, cần mẫn như con ong hút nhụy hoa xây mật ngọt cho cho đời. Hàng trăm cứu thương, y tá hoạt động, ngoài việc phục vụ căn cứ, cơ quan ban ngành của tỉnh, còn một số anh em tình nguyện theo dân vào ấp, chăm sóc sức khỏe cho dân và làm cơ sở cách mạng bên trong ấp vận động nhân dân đấu tranh đòi về làng cũ, cung cấp tin tức địch cho ta, tham gia khai thác nguồn thuốc từ thị xã về, đêm đêm cung cấp cho các tổ vũ trang kinh tài đưa ra vùng căn cứ phục vụ, anh chị em trong nhân dân đùm bọc che chở giữ thế hợp pháp lâu dài. Họ vừa làm nhiệm vụ y tế , vừa làm cán bộ chính trị dân vận làm chỗ dựa để nhân dân đấu tranh trực diện với địch. Có người đi lẫn vào trong đội ngũ quần chúng biểu tình đấu tranh chính trị đã hy sinh như Bác sĩ Lập, đồng chí này đã phục vụ đoàn nhân dân cánh Nam nổi dậy đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột tết Mậu Thân 1968.
“Thầy trò cùng vào rừng tìm cây thuốc, thu hái về chế biến ra thuốc, học tập băng bó cho nhau, tập tiêm thuốc trên cây chuối rừng,...Học sinh quên tên thuốc, thì lưỡi nếm thử: vị chua là thuốc chữ bệnh nhức đầu, sốt cảm (aspirin ), đắng có màu vàng là thuốc chữa bệnh sốt rét. Thầy trò vượt qua khó khăn, thiếu thốn để dạy và học, đêm đêm lại đưa nhau ra rẫy đào hố trồng sắn, hoặc tham gia săn thú rừng để có thực phẩm nuôi bệnh nhân” (Theo Y sĩ Rơ Lan Niên ).
Ban Dân y tỉnh đã coi trọng việc phát triển phong trào thuốc Nam đến các buôn làng và vùng căn cứ, nhờ vậy mà trong cả cuộc chiến tranh, vùng căn cứ giải phóng, nhân dân dưới chính quyền cách mạng không hề bị một trận dịch nào xảy ra. Trong đó công lao phải kể đến các nhân viên y tế tình nguyện về hoạt động ở các xã, buôn. Các anh em về công tác tại xã, buôn phải tự khai thác nguồn thuốc để dùng phục vụ chữa bệnh cho nhân dân và cán bộ qua lại hoạt động, một phần khơi nguồn thuốc trong vùng địch do vận động các cơ sở cách mạng mua về chữa bệnh, một phần tự khai thác nguồn thuốc trong dân gian và vận động, khuyến khích nhân dân khai thác và chế biến tại chỗ. Với phương thức hoạt động “ba cùng” với người dân các nhân viên y tế chủ động đến từng nhà dân, tuyên truyền cách ăn, ở và thăm hỏi người già, trẻ em từng bước hướng dẫn nhân dân biết tự bảo vệ sức khỏe, vệ sinh phòng chống bệnh tật, không uống nước suối bẩn, bị nhiễm độc,...hướng dẫn người dân biết cách sơ cứu khi bị thương và động viên mọi người dùng thuốc Nam chữa các bệnh thông thường. Tại buôn làng họ thực sự vừa là thầy thuốc, vừa là du kích và là chiến sĩ binh vận có hiệu quả. Ngoài ra họ còn là chiến sĩ đấu trang chính trị, nguồn thuốc của các nhân viên y tế khai thác được đã hỗ trợ một số lượng thuốc cho các bệnh xá và đơn vị phẫu thuật tiền phương cấp cứu, điều trị cho thương binh bệnh binh kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ các cơ quan và lực lượng vũ trang của tỉnh. Từ ban Dân y tỉnh tới các bệnh xá của các H và các lớp đào tạo y tá, nhân viên y tế còn hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, tự túc một phần lương thực đáng kể cho đơn vị và nhân dân, với quyết tâm không để thương binh bị đói, điển hình nhất là phong trào “trồng sắn thắng Mỹ” do tỉnh phát động, góp phần đánh bại thủ đoạn phong tỏa kinh tế của địch, trước khi toàn tỉnh đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân trên toàn chiến trường miền Nam năm 1968.
G.THỜI KỲ 1969-1975:
Tình hình:
-
Sau tổng tiến công nổi dậy xuân năm 1968, trên toàn chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”, với các biện pháp:
- Gấp rút bình định nông thôn, bắt lính tăng quân, phòng thủ các thị xã, các căn cứ quân sự và trục đường giao thông và triệt phá kinh tế vùng giải phóng, đánh phá vùng hành lang chiến lược, cắt viện trợ từ Bắc vào Nam.
Đắk Lắk là tỉnh có đường hành lang chiến lược Bắc Nam đi qua đầu cầu nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Suốt quá trình chiến lược chiến tranh chống Mỹ, Đắk Lắk là một chiến trường vừa sâu, vừa xa, việc tiếp tế từ hậu phương lớn vào rất khó khăn. Ước tính đưa được một cân gạo vào đến Kom Tum, Bắc Tây Nguyên cũng tốn 400 cân phục vụ vận chuyển, vì vậy phương châm tự lực, tự cường đối với quân và dân Đắk Lắk là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng của tòan tỉnh, từ việc tổ chức lấy lương thực, đảm bảo hậu cần, cho đến tiết kiệm vũ khí đạn dược là một yêu cầu thiết yếu của chiến trường. Ban dân y Đắk Lắk cũng từ trong khó khăn, gian khổ lớn mạnh từ thực tế chiến đấu mà vươn lên với ý chí tự lực, tự cường từ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và tìm nguồn thuốc, trang thiết bị được khai thác tại chỗ hoặc khơi nguồn trong vùng địch, kết hợp với sự chi viện vô cùng quí báu của miền Bắc để hoàn thành nhiệm vụ điều trị thương bệnh binh. Trong quá trình hoạt dộng trường kỳ và vẻ vang của ban Dân y Đắk Lắk đã có hàng ngàn thương bệnh binh đã được điều trị khỏi và trở về đơn vị tiếp tục công việc chiến đấu. Từ năm 1964 khi đường Trường Sơn được khai thông tới Đắk Lắk và Đông Nam Bộ thì một số thương binh không còn sức chiến đấu hoàn toàn mới phải đưa ra miền Bắc điều trị, an dưỡng. Tại địa bàn hoạt động của ban Dân y trong tòan tỉnh, ngoài những bệnh xá điều trị thương bệnh binh thì việc tổ chức các khu điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho cán bộ và chiến sĩ sau điều trị rất cần thiết. Ban Dân y tỉnh đã tổ chức 02 trại điều dưỡng thương, bệnh binh tại căn cứ H2 của tỉnh và tại Ea Eângao ở Tây Phú Yên. Anh em thương, bệnh binh sau khi khỏi vết thương và lành bệnh được ở lại trại điều dưỡng tiếp tục công tác theo khả năng của mình như trồng sắn, khai thác nguồn thuốc tại chỗ cho các bệnh xá và hỗ trợ cán bộ bệnh xá chăm sóc thương binh nặng, đây cũng là một truyền thống tự lực, tự cường mà ban Dân y tế tỉnh đã hoàn thành một cách xuất sắc.
Sau tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán với ta ở Paris, hạn chế chiến tranh không quân ở miền Bắc, bỏ chiến lược tìm diệt bằng chiến lược quét và giữ từng bước Mỹ phi hóa chiến tranh, thương lượng với Hà Nội. Cục diện chiến tranh chuyển thế cài răng lược, địch đánh lấn, ta dành lại từng buôn làng, từng người dân, trong thế giằng co ác liệt nhằm tạo thế thắng trên bàn đàm phán.
Tháng 8/1968, Đăk Lắk là chiến trường quân chủ lực Tây Nguyên mở chiến dịch lớn đầu tiên tại Bupơrăng – Đức Lập (Quảng Đức) (*2)
Tại Đắk Lắk, năm 1969, quân Mỹ chỉ để lại một tiểu đoàn ở Buôn Yun, Quảng Nhiêu (H5) và một số đơn vị kỹ thuật tại sân bay Hòa Bình. Địch đôn quân ngụy lên đủ 25 đại đội, chốt giữ lại các căn cứ Buôn Đôn, Đầm Xanh, Cẩm Ga, thành lập các đồn sơn thôn, củng cố hệ thống tề điệp, phượng hoàng, đẩy mạnh hoạt động tình báo tại vùng H5, lùng sục ven Buôn Hồ, Tây Nam Cheo Reo, dùng B52 rải thảm, thả chất phát quang hủy diệt cây rừng và hoa màu vùng căn cứ của ta. Nhiều vùng rừng núi cây cối trụi lá, trơ cành không còn một cánh chim, không tồn tại sự sống của thiên nhiên, nguồn nước sông suối cũng bị nhiễm độc nặng. Cùng với những toán biệt kích đổ quân lùng sục, những trận phi pháo và bom B52 rải thảm tàn khốc, bọn địch đã gây cho ta nhiều khó khăn và thử thách.
Ban Dân y Đắk Lắk phải củng cố lực lượng, xây dựng mạng lưới dân y rộng khắp, trải đều tới dân làng: Ở căn cứ H9 có bệnh xá tỉnh với xưởng dược và trại điều dưỡng, các H1 đến H8 đều có các bệnh xá và trạm xá cùng các đội điều trị, đội phẫu thuật tiền phương đảm bảo phục vụ chiến đấu các xã và các cụm buôn làng có các tổ nhân viên y tế và y tá cứu thương kịp thời cứu chữa cán bộ và nhân dân trong mức độ tàn phá bom đạn khốc liệt của địch. Trong 2 năm 1969 – 1970, địch đã mở 181 cuộc càn quét vùng căn cứ DleiYa và Nam Nung, lấn lại 10 khu ấp giải phóng, lập lại bộ máy tề ; ném bom thiêu hủy 24 làng và 300 nóc nhà. Hàng trăm đồng bào ta bị chết vì bon đạn rải thảm. Trong 2 năm này ban Dân y Đắk Lắk đã hy sinh 14 chiến sĩ (7 đ/c ở H3, và 4 đ/c tại H4) trong đó có 2 y sĩ, bệnh xá H5 liên tiếp bị địch bao vây, càn quét lùng sục và đã có 3 y tá hy sinh khi đang cứu chữa thương binh(*3),...
Tuy nhiên, địch càng đánh phá khốc liệt, càng gian khổ, hy sinh cán bộ, chiến sĩ ban Dân y lại càng tỏ ra kiên cường, bất khuất và khôn khéo gan dạ, với khẩu hiệu “tất cả vì thương binh” cán bộ nhân viên bệnh xá, trạm xá luôn đảm bảo cấp cứu thương binh kịp thời, vận chuyển cơ động, nhanh chóng khi địch tấn công hay diệt kích ruồng bố. Bác sĩ Phạm Du Hà kể lại: “do chỉ điểm bom diệt kích đã đổ quân đúng ngay bệnh xá H5 lúc đó vừa đứng chân đêm trước, bệnh xá còn đang mổ cấp cứu thương binh nặng, anh chị em vừa vận chuyển thương binh vượt suối tìm vị trí mới còn lại một số thương binh nhẹ và 3 y tá chặn đánh địch cản đường, anh thương binh đang mổ được vùi dấu dưới lớp lá rừng cùng một y tá băng bó cầm máu, may mắn địch không phát hiện, trận đó ta hy sinh 2 đồng chí và mất một số dụng cụ phẫu thuật nhưng tất cả thương binh đã được đưa về vị trí mới an toàn”. Điều quan trọng là số cán bộ y tá được đào tạo tại chỗ hoặc anh chị em bác sĩ mới vào chiến trường đều là lực lượng trẻ, gan dạ, dũng cảm, trưởng thành trong lửa đạn. Trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, gian khổ họ vẫn giữ được tinh thần lạc quan:
Một cây sắn ta trồng.
Là một tên Mỹ gục
Ngàn cây sắn ta trồng
Ngàn tên ngụy tan thây.
Hoặc:
Mưa bom bão đạn có sao
Vì dân phục vụ chẳng nao tấm lòng.
Hệ thống dân y sang năm 1969 của tỉnh đã hình thành đến cấp huyện. Mỗi huyện đều có 5 đến 7 nhân viên y tế do một bác sĩ phụ trách (xem phụ lục). Tại các cơ quan tỉnh , như Văn phòng Tỉnh ủy, ban Tuyên giáo, Dân vận, Kinh tài, Binh vận, Hành lang đều có tổ chức y tế phục vụ, bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh. Bộ phận dược với 10 cán bộ nhân viên, tiếp tục khai thác dược lệu tại chỗ phục vụ cho bệnh xá tỉnh và một số bệnh xá huyện. Hoạt động của ngành y tế dần dần được đi vào quy củ, nề nếp phục vụ chiến đấu, công tác sản xuất tại chiến trường Đắk Lắk.
Đắk Lắk thời kỳ 1969 – 1970 vẫn là “thiếu đủ thứ”. Tuy tỉnh có đẩy mạnh tăng gia sản xuất (chủ yếu trồng sắn) nhưng cứ bữa đói, bữa no. Có thể lấy lá sắn nấu cô đặc, cho nó màu trộn muối giã thay mắm kem để lừa lưỡi thì được, nhưng đối với những vết thương đòi hỏi trong phẫu thuật, nhiều khi người thầy thuốc của bệnh xá bó tay khóc, ôm thương binh trước khi hy sinh. Dù tỉnh đã cố gắng mở cửa khẩu khai thác từ Phú Yên lên, từ mặt trận Tây Nguyên về, nhưng Đắk Lắk là chiến trường xa, việc tiếp tế thường xuyên bị đứt quãng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V họp tại Buôn Ngô (căn cứ H9) tháng 10/1971 nhận định: Hình thái chiến trường toàn miền đang ở thế thắng, thế chủ động thuận lợi và đi lên...Đắk Lắk đã xuất hiện thời cơ đưa dân lên thế làm chủ toàn tỉnh. Từ nhận định trên, năm 1972, lực lượng vũ trang tỉnh mở 2 đơt hoạt động: Xuân Hè và Thu Đông phát động 13.000 người dân đấu tranh, đưa 8.000 lượt người nổi dậy phá ấp và 39.000 người dân đứng lên làm chủ, diệt 2.000 tên địch, trong đó có hàng trăm tên “Con chim của thần chết”(*4) bị diệt, quần chúng có đà nổi dậy mạnh mẽ trên khắp địa bàn. Bước sang năm 1975, quân và dân Đắk Lắk vinh dự được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá khẩu của đại thắng mùa xuân 1975. Đắk Lắk là tỉnh cùng đồng bào Sài Gòn đi trước trong cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, để bảo vệ độc lậo tự do cho Tổ quốc; đã nổ phát súng đầu tiên toàn chiến trường miền Nam – Xuân Mậu Thân năm 1968, lại được vinh dự mở đầu chiến dịch đại thắng đưa về độc lập, thống nhát Tổ quốc.
Phải chăng đó cũng là quy luật gian nan lắm sẽ được đền bù. Trong cuộc chiến đấu trường kỳ, có sự đóng góp của ngành y tế Đắk Lắk, nếu nói về hy sinh trong phục vụ chiến đấu, chỉ riêng nhân viên y tế hy sinh, trên cả số cán bộ ngành của tỉnh bởi: “Họ không đơn thuần là một thầy thuốc mà còn là một chiến sĩ”.
Kết thúc chương này, xin nêu sơ bộ một số gương:
- Y tá Nguyễn Long, được cử về công tác tại trạm giao liên (hành lanh của tỉnh). Trạm giao liên bị địch tập kích bất ngờ. Trong đó có Ama Lý bị bệnh nặng, không để bệnh nhân bị bắt, anh đã chiến đấu chống trả quyết liệt, và cùng Đ/c Ama Lý rút nhưng không kịp. Cả 2 đ/c đã hy sinh (tháng 1/1960).
- Đồng chí Y Nỉ. Tháng 3/1962 được cử về Buôn Druk, Buôn Drao phát động nhân dân thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Anh đang ở trên nhà chữa bệnh cho đồng bào, bị địch tập kích bất ngờ, chúng bắn chết ngay tại cầu thang nhà dân, không kịp rút.
- Ksor Thanh, được cử đi phục vụ đội vũ trang phá khu đồn 23 (Buôn Hồ) đã hy sinh trên đường vượt rào vào ấp lấy thương binh Đặc công 401 vào tháng 10/1963.
- Nữ y tá Thuận, hy sinh khi cùng đoàn đấu tranh chính trị tết Mậu Thân tại Phú Nhơn. Địch bắn vào đòan đấu tranh, Y tá Thuận xông vào cứu nhân dân, địch dã man bắn chết luôn.
Trong 2 cuộc kháng chiến, ngành y tế Đắk Lắk gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, cán bộ, thuốc men, trang thiết bị. Ngành đã biết dựa vào dân, xây dựng các đội vệ sinh viên, trạm y tế, với sáng kiến sử dụng túi thuốc Nam, khai thác dược liệu, tiến hành các phong trào vệ sinh phòng bệnh, làm chuyển biến một số tập quán sinh sống có hại cho sức khỏe của đồng bào,...trong phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương binh và nhân dân và tự trưởng thành.
Đường lối và phương châm đề ra cho y tế và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hoạt động y tế, là chỗ dựa cho ý thức, tự cường vươn lên của những người thầy thuốc hoạt động trong một chiến trường xa hậu phương. Trải qua 30 năm phục vụ và trưởng thành, những nét son của ngành y tế Việt Nam có sự đóng góp của cán bộ, nhân viên y tế Đắk Lắk./.
(*1) Lưu ý một sự việc là khu 5 đã có quyết định tách riêng Quân – Dân y nhưng mãi đến năm 1964 mới có người để thực hiện quyết định này. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Định kể lại: “ Lớp đào tạo này khá đặc biệt , các em học sinh đều lứa tuổi 15, 16, đều mồ côi cha mẹ, sống ở các dinh điền do cơ sở đưa ra căn cứ và do cơ quan tỉnh nuôi dưỡng, phần lớn các em chưa biết chữ. Cả thầy và trò đều vất vả, nhưng với nhiệt tình và thấu hiểu sự bất hạnh của các em nên các đồng chí phụ trách không từ nản, chuyên tâm dạy dỗ, và các em đáp lại lòng nhiệt tình ham học, với mục đích là đào tạo cán bộ y tế phục vụ cách mạng lâu dài, nên kết quả ra trường rất tốt. Nhiều em đã hoàn thành nhiệm vụ khi được phân về các đơn vị vũ trang và cơ quan của tỉnh, huyện”.
(*2) Như đã nói ở trên, do tiếp tế khó khăn nên tác chiến của chủ lực thường mở tại Bắc Tây Nguyên, và quân Mỹ cũng tập trung tại Bắc Tây Nguyên. Đắk Lắk là chiến trường địch dùng cường độ phi pháo rất cao mỗi khi bị hoạt động vũ trang của ta uy hiếp.
(*3) Họ thực sự xứng đáng là những người thầy thuốc kiêm mẹ hiền, trong quá trình phục vụ, nhiều cứu thương, y gtá đã hy sinh khi xông vào lửa đạn cứu dân, nhiều ngày lền nhịn đói nhường cơm cho thương bệnh binh và nhân dân, nghĩa tình thật sâu đậm, ghi mãi dấu ấn trong lòng cán bộ thương bệnh binh và nhân dân.
(*4) Con chim của thần chết: chỉ bọn phượng hoàng làm nòng cốt trong các đoàn Bình Định của quân Ngụy do Mỹ trực tiếp vũ trang. Đây là bọn chỉ điểm đánh phá cơ sở của ta rất quyết liệt và gian ác.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác