27/07/2019 12:00
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, đổ máu trên các chiến trường. Theo lời kêu gọi của Đảng, chính phủ và Bác Hồ, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình chăm sóc các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.
Học tập tấm gương của Bác Hồ, thế hệ trẻ luôn tri ân các gia đinh có công với dân tộc.
Đại diện Đoàn Thanh niên Sở Y tế thắp nhang tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh
Đầu năm 1946 “Hội giúp binh sĩ bị nạn” ra đời ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, rồi đến Hà Nội và các địa phương khác. Sau một thời gian đổi tên thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là chủ tịch danh dự của Tổng Hội. Ngày 28.5.1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng Hội đã tổ chức một buổi nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội, giúp đỡ các chiến sĩ thương binh. Để giúp các chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ” được tổ chức trong cả nước. Mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ” do Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức tháng 11.1946 tại Hà Nội, Bác đã đến dự và tặng chiếc áo mà Người đang mặc.
Cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 19.12.1946 theo lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn. Trước yêu cầu bức xúc đó, tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16.2.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Ngày 26.2.1947 Phòng Thương binh (thuộc Chính trị Cục, Quân đội nhân dân Quốc gia Việt Nam) được thành lập, 7.1947 Bác đã đồng ý thành lập Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Cũng thời gian này tại tỉnh Thái Nguyên Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương khác đã họp, nhất trí chọn ngày 27.7 hàng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc”. Tại buổi mittinh “Ngày Thương binh toàn quốc” Hồ Chủ Tịch đã gửi thư với nội dung “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”. … “Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Trong thư kêu gọi nhân “Ngày thương binh toàn quốc” năm 1948, Hồ Chủ Tịch viết: “Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần…”.
Từ đấy, hàng năm đến ngày 27.7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Tháng 7.1955 “Ngày thương binh toàn quốc” đổi thành “Ngày thương binh liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo chỉ thị 223/CT-TU, ngày 8.7.1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27.7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” cả nước.
Trong thư gửi Ban thường trực, ban tổ chức ngày thương binh liệt sĩ năm 1947, Bác đã nói: “Đây là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Tự bản thân mình, hàng năm nhân dịp 27/7 Bác trích tháng lương chủ tịch nước tặng các thương binh. Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực. Khi đưa ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, Bác đã gương mẫu thực hiện “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ chủ tịch, cộng là 1.127đ”.
Tháng 5 năm 1959, Bác đã gửi thư thăm anh em thương binh trại Dệt chiếu tỉnh Tuyên Quang thật ân cần, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các chú, Bác hỏi: “Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày, tháng? Trung bình cần dệt một chiếc chiếu hết bao nhiêu giờ và bao nhiêu vốn? Bán một chiếc được bao nhiêu lời? Nghề dệt chiếu có thể đủ ăn, đủ mặc không?”. Những câu hỏi thật mộc mạc, gần gũi chứa đựng sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc của Bác dành cho các anh hùng của dân tộc.
Một lần đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Đến thăm anh em thương binh nặng nằm bất động trong phòng nóng ngột, Bác vừa nói chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Khi các đồng chí phục vụ lắp tại phòng làm việc của Bác một chiếc máy điều hòa nhiệt độ, Bác không dùng mà nói với đồng chí Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem cho Viện quân y hoặc Trại Điều dưỡng thương binh. Hôm trước, Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này được rồi”. Ngay chiều hôm ấy, chiếc máy điều hòa trong phòng Bác được chuyển đi.
Bằng những việc làm cụ thể, những món qùa đơn giản nhưng lại có ý nghĩa to lớn vì đã gửi gắm được sự quan tâm, chăm sóc, ân cần, chu đáo của Bác đối với các chú thương binh..
Nối tiếp truyền thống, đạo lý của cha ông, học tập qua những việc làm thiết thực của Bác, đồng thời thực hiện đúng Bản di chúc Bác để lại “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, quân dân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp học nghề thích hợp để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỉ niệm ghi sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ học tập tấm gương đạo đức của Bác hàng năm hưởng ứng ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 Đảng bộ Sở Y tế, Công đoàn, Đoàn thanh niên luôn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho cán bộ, công nhân, viên chức ngành Y tế Đắk Lắk như chiếu phim về lịch sử cách mạng thăm hỏi, động viên tặng quà những gia đình cán bộ trong ngành có hoàn cảnh là con thương binh, liệt sĩ, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa không chỉ thể hiện sự tri ân với các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, mà còn thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người cán bộ, công nhân, viên chức đối với thân nhân của các anh hùng đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
Bài, ảnh: Hồng Vân
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác