07/03/2017 10:00
Hẹp niệu đạo ở nam giới là một bệnh lý thường gặp, bệnh biểu hiện sau một viêm nhiễm mà bệnh nhân điều trị không đúng và dứt điểm hay sau một chấn thương hệ niệu. Bệnh có diễn biến phức tạp thường phát hiện muộn, việc điều trị thường khó khăn và nhiều khi không đem lại kết quả nhưng mong muốn, nếu xử lí không kịp thời và đúng quy cách. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng là vô cùng quan trọng.
Có rất nhiều nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hẹp đường niệu, trong đó hay gặp nhất là sau đợt viêm nhiễm, nếu không được điều trị đúng, dứt điểm thì vi khuẩn lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) còn lưu trú lại trong đường niệu đạo sẽ tiếp tục sinh sôi và gây bệnh, lâu ngày dẫn đến xơ sẹo làm đường niệu đạo bị chít nhiều chỗ. Tiếp theo là nhiễm khuẩn bao quy đầu (có thể lây chéo từ người nam này qua người nam khác do quan hệ tình dục chung với một người nữ) làm hẹp đường tiểu, xuất phát từ đầu dương vật và có thể lan đến tuyến tiền liệt và niệu đạo hành. Ngoài ra, hẹp niệu đạo còn do bệnh lý toàn thân tổn thương của lao thận, lao bàng quang rồi lan đến lao niệu đạo. Hẹp niệu đạo còn do di chứng của chấn thương niệu đạo; sau những thủ thuật lấy sỏi niệu đạo làm tổn thương niêm mạc niệu đạo, sau mổ cắt u xơ tiền liệt tuyến.
|
Biểu hiện
Hẹp niệu đạo xảy ra làm người bệnh khó tiểu, bí tức, phải gồng sức rặn. Tia nước tiểu yếu dần, xoắn tia, đến một lúc nào đó chỉ còn nhỏ giọt, phải mất 30 giây đến một phút tiểu rặn mới có thể làm giảm cơn ách tức bàng quang. Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể dẫn đến bội nhiễm làm chít hẹp hoàn toàn niệu đạo, trướng bàng quang, vật vã, cần tiểu ngay để giải quyết đau tức.
Dễ nhầm lẫn
Khi mới mắc người bệnh thường khó tiểu, bí tiểu nên dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác như: hẹp cổ bàng quang do viêm xơ cổ bàng quang gặp trong trường hợp sau mổ u xơ tiền liệt tuyến. Người bệnh có triệu chứng khó đi tiểu, khi đặt sonde tiểu, ống thông dừng lại trước cổ bàng quang, chụp niệu đạo có cản quang, trên hình ảnh X-quang không thấy thuốc cản quang vào được bàng quang.
U xơ tiền liệt tuyến: người bệnh tiểu khó, tiểu rắt, đang tiểu ngắt giữa dòng, dòng tiểu giảm đột ngột, khi khám thăm trực tràng sờ được khối u.
Nhiều biến chứng
Hẹp niệu đạo nếu cứ chịu đựng, cố gắng tiểu tự nhiên dần dần sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như ứ nước tiểu, nhiễm khuẩn, hình thành áp-xe hình tổ ong, tạo ra túi thừa bàng quang và biến chứng suy thận… Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Điều trị
Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí của bệnh mà có cách xử trí khác nhau. Trường hợp hẹp niệu đạo có viêm nhiễm tiến triển thành áp-xe, rò nước tiểu và bí đái cấp tính, phải mở thông bàng quang dẫn lưu nước tiểu ra da, điều trị hết viêm nhiễm bằng kháng sinh đồ hay kháng sinh liều cao, toàn thân như augmentin, ceftriaxon, tobramycin. Trường hợp do lao phải điều trị đặc hiệu. Hoặc điều trị căn nguyên bằng phương pháp nong niệu đạo và phương pháp phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác