07/07/2025 03:44
Tuyến y tế cơ sở, cụ thể là trạm y tế xã, phường là nơi gần dân nhất. Do đó, tuyến y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong việc quản lý thai nghén, bao gồm việc theo dõi sức khỏe thai phụ, phát hiện sớm các thai nghén nguy cơ, tư vấn và chăm sóc thai phụ và chuyển tuyến khi cần thiết. Việc các cơ sở y tế tham gia quản lý thai nghén đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc thai sản, giúp sản phụ yên tâm hơn trong suốt thai kỳ. Nhờ vậy, quá trình mang thai và sinh con ngày càng an toàn, chủ động và hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em – một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành y tế.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, công tác quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực qua các năm. Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp và ngành Y tế, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng được mở rộng, từng bước tiếp cận đến những địa bàn khó khăn. Tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai, sinh tại cơ sở y tế và được cán bộ y tế chăm sóc ngày càng tăng. Tính đến năm 2024, tỷ lệ phụ nữ sinh con được khám thai từ 4 lần trở lên trong 3 thời kỳ đạt 76%. Đây là một sự cải thiện rõ rệt trong việc tiếp cận dịch vụ và tuân thủ lịch khám thai định kỳ, cho thấy sự chủ động của thai phụ trong việc theo dõi sức khỏe; Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế có kỹ năng đỡ đạt 99%, cho thấy năng lực chuyên môn tuyến cơ sở được củng cố, giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và bé; Tỷ lệ sinh tại nhà – một yếu tố nguy cơ cao – có xu hướng giảm, từ 383 ca (năm 2023) xuống còn 314 ca (năm 2024). Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đã được đẩy mạnh thông qua tư vấn trực tiếp tại trạm y tế, cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ mạng lưới cô đỡ thôn, buôn và cộng tác viên y tế. Điều này đã giúp cải thiện đáng kể nhận thức của thai phụ và gia đình về chăm sóc thai kỳ, các dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý, và lợi ích to lớn của việc khám thai sớm và định kỳ. Bác sĩ Linh khẳng định, những kết quả trên cho thấy, khi mạng lưới y tế cơ sở được phát huy hiệu quả, đặc biệt là sự phối hợp giữa trạm y tế – cô đỡ thôn buôn – cộng đồng, chất lượng chăm sóc thai nghén được nâng cao, góp phần xây dựng nền tảng bền vững cho công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

|
Phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén tại Trạm Y tế Ea Hồ.
|
Hiện nay, quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế không đơn thuần là theo dõi một thai kỳ, mà đó là một quá trình đồng hành, bảo vệ và chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sự sống mới được chào đời. Trong bối cảnh hiện đại, khi y học ngày càng tiến bộ, việc tiếp cận với dịch vụ y tế thai sản đầy đủ và chất lượng là quyền lợi thiết yếu mà mọi phụ nữ mang thai xứng đáng được hưởng. Khi tham gia quản lý thai nghén tại tuyến xã, thai phụ được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực nhằm đảm bảo quá trình thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Cụ thể: Thai phụ sẽ được lập hồ sơ quản lý thai sớm và được cán bộ y tế theo dõi sức khỏe liên tục trong suốt thai kỳ. Điều này giúp nắm bắt toàn bộ quá trình phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của mẹ. Đồng thời, thai phụ sẽ được khám thai định kỳ theo quy định của Bộ Y tế. Qua các lần khám này, cán bộ y tế có thể phát hiện các yếu tố nguy cơ, tính tuổi thai, dự kiến ngày sinh, và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Từ đó, thai phụ sẽ được tư vấn về chăm sóc, vệ sinh thai nghén, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tránh tai biến cho cả mẹ và thai nhi. Các nguy cơ trong thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thiếu máu, nhiễm khuẩn niệu cũng sẽ được tư vấn và tầm soát. Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao hoặc những bất thường vượt quá khả năng xử lý của tuyến xã, thai phụ sẽ được hỗ trợ chuyển tuyến kịp thời lên các cơ sở y tế tuyến trên để được chăm sóc chuyên sâu hơn. Bên cạnh đó, thai phụ sẽ được tiêm phòng uốn ván đầy đủ, giúp bảo vệ cả mẹ và bé khỏi nguy cơ uốn ván sơ sinh. Đặc biệt tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, thai phụ còn được cô đỡ thôn buôn theo dõi tại nhà và tư vấn trực tiếp, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Hơn nữa, thai phụ có thể được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ từ địa phương hoặc các dự án như được cấp viên đa vi chất hoặc hỗ trợ thực hiện một số dịch vụ miễn phí. Những quyền lợi này không chỉ giúp thai phụ phát hiện sớm các bất thường mà còn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và thai nhi ngay từ tuyến cơ sở.
Được chăm sóc, khám thai định kỳ tại trạm y tế Ea Hồ (xã Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), chị H’Duyên Niê chia sẻ: Lần nào mang thai, tôi cũng đến trạm y tế để khám định kỳ. Các bác sĩ ở đây rất tận tâm và chu đáo. Mỗi lần đến khám, tôi đều được kiểm tra sức khỏe kỹ càng và được tư vấn rất nhiều về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và cách chăm sóc sức khỏe cho cả tôi và thai nhi. Tôi cảm thấy rất yên tâm khi biết rằng mình được theo dõi sức khỏe thường xuyên. 2 lần mang thai đầu nhờ được cán bộ trạm tận tình thăm khám nên tôi vượt cạn an toàn. Đến lần mang thai này, tôi vẫn tin tưởng lựa chọn trạm y tế là nơi đồng hành cùng mẹ con tôi.

|
Cán bộ trạm y tế Ea Hồ hướng dẫn thai phụ bổ sung sắt hợp lý trong quá trình mang thai.
|
Không chỉ được siêu âm, khám thai định kỳ, mà khi tới khám thai tại trạm y tế, các thai phụ còn được cán bộ y tế cung cấp các kiến thức cần thiết khi làm mẹ. Chị Vàng Thị Sanh (trú tại xã Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), nói: Để đảm bảo an toàn cho mẹ và con, khi mang thai và khám tại trạm y tế, tôi còn được trạm tiêm phòng đầy đủ các mũi uốn ván giúp tôi phòng ngừa căn bệnh bệnh nguy hiểm này. Mỗi lần khám thai, tôi không chỉ được bác sĩ kiểm tra sức khỏe mà còn được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động hợp lý cũng như cách sinh con an toàn. Những điều này rất quan trọng, đặc biệt với những bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, sức khỏe cộng đồng trở thành mối quan tâm hàng đầu. Trong đó, sức khỏe bà mẹ và trẻ em luôn là một chỉ số quan trọng phản ánh sự phát triển bền vững và văn minh của một quốc gia. Việc quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế đóng vai trò then chốt trong quá trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp đảm bảo cho thai phụ có một thai kỳ an toàn, thai nhi phát triển tốt, từ đó góp phần tạo dựng một thế hệ tương lai khỏe mạnh. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, Để công tác quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở mang lại hiệu quả cao, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã, các cô đỡ thôn buôn, và y tế thôn buôn. Các khóa tập huấn này tập trung vào các kỹ năng cốt lõi như khám thai, phát hiện yếu tố nguy cơ, xử trí cấp cứu sản khoa ban đầu, và hướng dẫn chuyển tuyến an toàn. Điều này giúp nhân viên y tế tự tin và hiệu quả hơn trong việc chăm sóc thai phụ; Tiếp tục duy trì mô hình cô đỡ thôn buôn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số, nhằm tăng cường phát hiện sớm thai nghén và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Vai trò của cô đỡ thôn buôn không chỉ là tăng cường phát hiện sớm thai nghén mà còn là cầu nối quan trọng trong việc tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, đưa kiến thức và dịch vụ y tế đến gần hơn với người dân. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, cung cấp các tài liệu, tờ rơi, và tổ chức các buổi truyền thông nhóm nhỏ cũng như tư vấn cá nhân cho thai phụ tại trạm y tế và ngay tại cộng đồng. Đặc biệt, thời gian qua, ngành Y tế đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thai nghén, thông qua triển khai phần mềm “Sổ mẹ và bé” giúp quản lý hồ sơ thai sản đầy đủ, cập nhật và liên thông giữa các tuyến. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc thai kỳ tại tuyến cơ sở, đồng thời giúp phát hiện sớm, theo dõi hiệu quả và xử trí kịp thời các trường hợp có nguy cơ trong thai kỳ.
Có thể thấy, tuyến y tế cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quản lý thai nghén, không chỉ bảo vệ sức khỏe của người mẹ và thai nhi mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, văn minh và phát triển. Vì vậy, việc nâng cao vai trò của các cơ sở y tế trong quản lý thai nghén là một nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, khỏe mạnh và nhân văn./.
Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác