09/07/2025 06:10
Theo Thông tư 26/2025/TT-BYT, ngày 30/6/2025 của Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 01/7/2025, 252 loại bệnh mạn tính điều trị ổn định sẽ được cấp thuốc một lần cho 90 ngày điều trị, thay vì tối đa 30 ngày như trước đây. Đây là một trong những thay đổi được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đi lại, chi phí và thủ tục cho người bệnh mạn tính, đồng thời góp phần cải thiện hiệu quả điều trị liên tục và ổn định trong thời gian dài.
Theo Thông tư 26 của Bộ Y tế, ngày 30/6/2025 của Bộ Y tế, danh mục 252 bệnh mạn tính không chỉ gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rối loạn lo âu, trầm cảm... mà còn mở rộng sang nhiều bệnh khác như virus viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy tuyến giáp, suy tuyến yên, rối loạn nội tiết. Hay các bệnh máu và miễn dịch như tan máu bẩm sinh (thalassemia), thiếu máu tan máu, xơ cứng cột bên teo cơ, parkinson, alzheimer, sa sút trí tuệ...
.jpg)
|
Việc áp dụng kê đơn thuốc cho người bệnh theo Thông tư 26 của Bộ Y tế nhằm đảm bảo người bệnh có thể tiếp cận thuốc đều đặn và thuận tiện.
|
Việc áp dụng kê đơn thuốc cho người bệnh theo Thông tư 26 của Bộ Y tế nhằm đảm bảo người bệnh có thể tiếp cận thuốc đều đặn và thuận tiện, giúp họ kiểm soát được tình trạng sức khỏe của mình, giảm thiểu nguy cơ tái phát và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là giảm bớt được áp lực của bệnh nhân khi tới khám, chữa bệnh, nhận thuốc về điều trị, nhất là với những bệnh nhân sinh sống tại các địa phương xa.
Gần 10 năm, bà N.T.Kh ở Phường Thành Nhất, tỉnh Đắk Lắk sống chung với bệnh đái tháo đường. Mỗi tháng, bà đều đặn đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và nhận thuốc điều trị. Do bản chất của bệnh nên mỗi lần tái khám để nhận thuốc bà phải nhịn ăn sáng để bác sĩ kiểm tra chính xác lượng đường huyết trong máu. Vì số lượng bệnh nhân có bệnh nền mạn tính như bà chờ tới lượt khám rất đông nên khi nhịn ăn lâu rất mệt và dễ tụt huyết áp.
“Lần này đi khám, được Bệnh viện thông báo thực hiện thông tư mới của Bộ Y tế về việc cấp phát thuốc cho người bệnh, tôi được phát thuốc 3 tháng một lần, thực sự vui sướng, phấn khởi. Giờ tôi không còn phải lo lắng về việc phải di chuyển nhiều lần tới bệnh viện lấy thuốc, không phải mệt mỏi, áp lực mỗi lần vào viện, chờ đợi lâu, tốn kém chi phí đi lại” bà Kh, chia sẻ.
Trường hợp khác là bà T.T.N ở xã Ea Súp bị ung thư và đã phẫu thuật năm 2023. Đến nay tình trạng sức khỏe của bà N đã ổn định nhưng hằng tháng bà N vẫn phải tới Bệnh viện lấy thuốc.
“Khi nhận được thông tin bệnh nhân được lấy thuốc 3 tháng/lần, tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác rất vui mừng. Vì những người bị bệnh hiểm nghèo như chúng tôi rất khó khăn. Việc đi lại tới tái khám bệnh, lấy thuốc lại càng khó khăn hơn”, bà N nói.
.jpg)
|
Bệnh ung thư phổi là nhóm bệnh thuộc danh mục được kéo dài thời gian cấp thuốc lên 90 ngày.
|
Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng khoa Ngoại thận- Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, việc kê đơn dài ngày theo Thông tư 26 của Bộ Y tế có ý nghĩa rất lớn đối với nhóm bệnh nhân mạn tính. Những bệnh nhân này thường là người già, sống phụ thuộc, có thu nhập thấp và khả năng đi lại hạn chế. Vì vậy, việc kê đơn thuốc dài ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm số lần và thời gian đi đến bệnh viện, phòng khám; tiết kiệm chi phí đi lại; hạn chế nguồn lây nhiễm; hạn chế ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, thời tiết xấu; và đơn thuốc ổn định sẽ làm tăng tính tuân thủ điều trị.
“Mặc dù có nhiều lợi ích, việc kê đơn dài ngày cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định. Những rủi ro có thể xảy ra như người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc, không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn, bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại, hoặc người bệnh mất, không sử dụng hết thuốc gây lãng phí. Người bệnh cần thực hiện việc bảo quản thuốc đúng cách. Nhất là việc tuân thủ thời gian uống thuốc, theo dõi các chỉ số sức khỏe như huyết áp, đường huyết tại nhà”, bác sĩ CK2 Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ.
Không chỉ người bệnh, nhiều bác sĩ cũng cho biết Bộ Y tế ban hành Thông tư 26 là một thay đổi tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực không những cho người bệnh mà cho cả cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ. Người bệnh có thể giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí. Các bác sĩ có nhiều thời gian để khám và tư vấn kỹ hơn cho bệnh nhân. Chi phí vận hành bệnh viện cũng giảm đi. Như vậy bệnh viện không chỉ giảm quá tải, mà về kinh tế cũng có nhiều lợi ích.
Theo bác sĩ CK2 Trịnh Đăng Anh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, Thông tư 26 có ý nghĩa thiết thực cho cả người bệnh và các cơ sở y tế. Trước kia bác sĩ chỉ được phép kê đơn thuốc tối đa 30 ngày điều trị, nhưng hiện nay tăng lên 90 ngày, đồng nghĩa với việc giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, giảm số lần đi lại, đỡ tốn thời gian và công sức, đặc biệt là những bệnh nhân ở xa hoặc có sức khỏe yếu. Người hưởng lợi trực tiếp nhất chính là người bệnh. Thông tư 26 quy định việc kéo dài thời gian cấp phát thuốc cho người mắc bệnh mạn tính góp phần giúp giảm áp lực về tâm lý đi khám mỗi tháng, bớt phiền hà cho người bệnh, giảm tải cho bệnh viện. Tuy nhiên, các bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi kê đơn thuốc cho người bệnh lên 60 ngày hoặc 90 ngày, bởi phải tùy vào tình hình sức khỏe của người bệnh có ổn định hay không để có đánh giá linh hoạt.
“Với người lớn tuổi, diễn tiến bệnh rất dễ trở nặng, do đó khi kê đơn thuốc phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe người bệnh. Chúng tôi cũng đã quán triệt cho bác sĩ khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân phải giải thích thật kỹ và cho số điện thoại của chính bác sĩ điều trị để bệnh nhân liên hệ khi cần. Ngoài ra, để thực thi hiệu quả việc kê đơn cho người bệnh, chúng tôi đã tăng cường giám sát chất lượng kê đơn thông qua việc cập nhật đầy đủ quy định của Bộ Y tế, tổ chức đào tạo định kỳ, rà soát thuốc mua sắm và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý có chức năng cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn đến việc đánh giá định kỳ để phát hiện bất cập và điều chỉnh kịp thời”, bác sĩ CK2 Trịnh Đăng Anh, nói.
Trước đó, lý giải về quy định kê đơn thuốc nới rộng thời gian lên tối đa 90 ngày thay vì tối đa 30 ngày như trước đây, Tiến sĩ, bác sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc phải đến bệnh viện mỗi tháng để lấy đơn thuốc, dù bệnh đã ổn định, thực sự gây ra nhiều phiền toái và gánh nặng không nhỏ cho người bệnh và gia đình. Với những người sống xa bệnh viện, chi phí đi lại có khi còn cao hơn cả chi phí thuốc. Trên cơ sở đó, trong Thông tư số 26, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước ngày 01/10; tất cả cơ sở khám chữa bệnh khác cũng phải bắt buộc thực hiện từ ngày 01/01/2026. Đơn thuốc điện tử là một phần trong bệnh án điện tử. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm gửi đơn thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám, điều trị cho người bệnh ngoại trú hoặc điều trị nội trú. Khi đó, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn đều có thể theo dõi được. Đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
Bài: Bảo Trọng; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác