22/08/2016 12:00
TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ XÃ HỘI SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8/ 1945
1. Khởi nghĩa giành chính quyền Đăk Lăk
Các đảng viên cộng sản trong nhà đày Buôn Ma Thuột được tự do khi Nhật đảo chính Pháp, thành lập tổ chức Việt Minh bí mật vào cuối tháng 5/1945, tổ chức các đoàn thể bí mật trong quần chúng như công nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, công chức cứu quốc… Phong trào phát triển mạnh ở các đồn điền, lan ra nhiều vùng nông thôn và thị xã Buôn Ma Thuột. Một số người Êđê theo học tại trường Y khoa Đông Dương, cũng về kịp liên lạc với tổ chức bí mật và hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, như các sinh viên YNgông Niê Kdăm, Y Nuê và Y Tlam, nhờ kinh nghiệm từ phong trào sinh viên, làm cho phong trào cách mạng Đắk Lắk được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng chính trị trong quần chúng như ở các Buôn Alê, Păn Lăm, Kô Siă, Buôn Ky, Buôn Niêng, Buôn Pôk, Buôn Kô Tam…(*1)
Ngày 8/8/1945, Liên xô tuyên chiến với Pháp xít Nhật, ngày 14/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện . Đây là thời cơ, bước ngoặt chính trị lớn với dân tộc Việt Nam vùng lên xóa bỏ xiềng xích nô lệ, giành lấy tự do.
Tại thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 14-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh họp cấp tốc đề ra kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền.
Tối 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền tại đồn điền Ca ĐA và phát lệnh khởi nghĩa đi các nơi.
Tối 19-8, tại số nhà 57 Lý Thường Kiệt –Buôn Ma Thuột (hiện nay). Ban lãnh đạo lâm thời của Việt Minh họp, đánh giá tình hình của quần chúng mấy ngày qua và thành lập Ủy ban khởi nghĩa gồm các thành viên:
- Trưởng ban : Phan Kiện
- Phó Ban: Phạm Sỹ Cường
- Các Ủy Viên: Nguyễn Trọng Bá, Huỳnh Bá Vân, Thái Xuân Đồng, Y Ngông Niê Kdăm, Y Bih Alêo
- Sáng 20/8/1945, tại sân vận động thị xã, Viêt Minh đã chủ đông giải tán cuộc mít tinh của ngụy quyền thân Nhật. Ngày 24/8/1945, có một cuộc mít tinh lớn của quần chúng được tổ chức tại sân vận động thị xã chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng Đắk Lắk ra mắt.
- Chủ tịch: Ông Phạm Sỹ Vinh
- Phó chủ tịch: Ông Y Plô
- Các ủy viên: Tuyên truyền, quân sự, kinh tế, cứu tế xã hội và giáo dục (*2)…
Hai huyện M’drắk và Buôn Hồ cũng thành lập chính quyền cách mạng sớm.
-
Xây dựng chính quyền cách mạng:
Trên cơ sở chính quyền cách mạng lâm thời đã được thiết lập trong toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được cải tổ và đổi thành “Ủy ban nhân dân cách mạng Đắk Lắk” và đề ra chủ trương, biện pháp trên các mặt chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội:
Nhanh chóng ổn định tình hình trật tự trị an xã hội, xây dựng chính quyền cách mạng, đẩy mạnh tuyên truyền chương trình công tác của mặt trận Việt Minh, kiên quyết trừng trị bọn phản động phá hoại thành quả cách mạng. Mở các lớp đào tạo cán bộ thanh niên người dân tộc để xây dựng chính quyền và đoàn thể cơ sở.
Bãi bỏ các thứ thuế, phá kho thóc, kho muối của chính quyền cũ cứu tế nhân dân chống đói…Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tổ chức đánh cá, hướng dẫn nhân dân tập trồng lúa nước và cày bừa bằng trâu bò. Khuyến khích phát triển công, thương nghiệp, mở điểm thu mua lâm, thổ sản và bán muối cho dân, vận động nhân dân tham gia “ tuần lễ vàng” đóng góp “quỹ độc lập” xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát động phong trào bình dân học vụ; tuyển chọn học sinh cho đi các lớp văn hóa và kỹ thuật, xóa bỏ tàn tích chế độ thực dân: gái điếm, cờ bạc và thuốc phiện.
Về quân sự, được chú trọng vào việc xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu lâu dài và bảo vệ trật tự trị an xã hội. Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk cùng chính quyền non trẻ đứng trước một thử thách mới, sẵn sàng chiến đấu khi quân Pháp trở lại xâm lược.
Đối với y tế, chính quyền cách mạng giáo dục và sử dụng những nhân viên y tế của chính quyền cũ, động viên, giao nhiệm vụ cho họ ở lại chăm sóc sức khỏe cho quân dân ta tại cơ sở y tế cũ. Từng bước tổ chức, hướng dẫn người dân phòng bệnh dịch, thực hiên ăn chín uống sôi và tập luyện thể dục, võ nghệ để sức khỏe cường tráng. Thực tế ngành y tế của tỉnh thời kì đó chưa kịp đặt dấu chân vào lòng nhân dân, vì chỉ sau 100 ngày khởi nghĩa giành được chính quyền về tay nhân dân, quân dân Đắk Lắk đã bước vào cuộc chiến đấu mới khi giặc Pháp quay lại xâm lược, tấn công lên Tây Nguyên.
-
Y TẾ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
1. Tình hình chính trị, xã hội trong kháng chiến chống Pháp
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược ở Sài Gòn.
Tháng 11/1945, giặc Pháp đánh lan ra các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và dự định đánh lên Tây Nguyên. Trước tình hình đó, UBND cách mạng tỉnh Đắk Lắk tập trung xây dựng lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến, thành lập 3 tuyến phòng thủ:
- Tuyến khu vực ngã ba biên giới do Đ/c Vũ Bình chỉ huy (phục vụ chiến đấu tại phòng tuyến này có một tổ cứu thương tại chỗ).
- Tuyến M’drắk do Đ/c Nguyễn Đình Phương chỉ huy.
- Tuyến Buôn Hồ do Đ/c Hùng Việt chỉ huy.
Ngày 30/11/1945, quân Pháp bất ngờ dùng bộ binh và cơ giới tiến đánh phòng tuyến ngã ba biên giới, sau 1 ngày chiến đấu ác liệt, phòng tuyến bị vỡ, quân ta phải rút lui về đồn điền Ca Đa (*3)
Chiều ngày 01/12/1945, quân Pháp ngược đường 14 đánh úp thị xã Buôn Ma Thuột: Trận chiến không cân sức gây cho ta nhiều tổn thất, nhiều chiến sĩ, quân dân tự vệ hi sinh trước trụ sở Uỷ ban Cách mạng, sở Liêm phóng, ngã 6 và Đình Lạc Giao, gần 100 chiến sĩ đơn vị Lê Trung Đình hy sinh tại đồn Bảo An binh.
Trong những trận chiến ác liệt, với lực lượng cứu thương ít ỏi bao gồm cả cán bộ y tế và nhân viên nhà thương Buôn Ma Thuột do Y sỹ Y Tlam phụ trách, đã vượt qua lửa đạn, băng bó thương binh ngay tại trận tuyến, tải thương ra vùng ven và chôn cất các liệt sỹ. Các thương binh được cấp cứu và chuyển về phía sau chăm sóc, thuốc men, dụng cụ cứu thương ít, nhiều lúc cứu thương phải xé áo làm bông băng, chặt cây rừng làm cáng, các thương binh đưa về phía tuyến sau được nhân dân tận tình chăm sóc. Tổ chức quân y lưu động được hình thành và khá linh hoạt, chủ động trong phục vụ chiến dấu từ mặt trận về tuyến sau, vừa cấp cứu, vừa tải thương vừa tham gia chiến đấu. Cứu chữa cho thương binh và người dân bị thương trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn lúc bấy giờ, nhưng các chiến sỹ cứu thương đã tổ chức khá tốt đường dây tải thương, đồng thời vận chuyển một số dụng cụ y tế từ nhà thương Buôn Ma Thuột ra phía sau trận địa để điều trị thương binh. Sau trận chiến đấu, đồng chí Y Plô Êban Phó chủ tịch UBND cách mạng Đắk Lắk tổ chức cuộc họp với cán bộ, nhân viên y tế và cứu thương của tỉnh tại buôn Alê, kiểm điểm tình hình cứu chữa thương binh: Sau khi nghe báo cáo số lượng thương binh nặng cần được chữa trị và những khó khăn hiện tại về lực lượng cán bộ và dụng cụ y tế, thuốc men, bông băng… Đ/c đã chỉ đạo cán bộ y tế tỉnh đưa thương binh về điều trị ở căn cứ Ca Đa, chủ yếu dựa vào người dân trong đồn điền giúp đỡ cách mạng, chăm sóc thương binh, đồng thời sắp xếp lại tổ chức y tế để phục vụ chiến đấu lâu dài. Y sỹ Y Tlam (còn có tên là Nguyễn Sỹ Lâm) phụ trách nhà thương Buôn Ma Thuột được cử làm trưởng Ban Quân Dân y Đắk Lắk.
Ngày 4/12/1945 quân Pháp tấn công và chiếm đóng luôn thị xã Buôn Ma Thuột. Chấp hành chỉ thị: “Kháng chiến kiến quốc” của Ban chấp hành TW Đảng. Uỷ ban Cách mạng tỉnh phát động toàn dân kháng chiến, với khẩu hiệu: “Thà chết không chịu làm nô lệ”, lập chiến khu chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Lực lượng vũ trang của tỉnh được tổ chức lại, liên tục đánh địch bằng nhiều hình thức như dựng các chướng ngại vật ngăn chặn, không cho địch lấn chiếm quanh thị xã, tập kích, phục kích, giam chân địch tại Buôn Ma Thuột, nhiều cuộc chiến diễn ra quyết liệt ở km 5, dọc theo đường 21, các điểm km 19, 45, 47, đến M’drắk. Do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, nên chủ trương của ta là đánh du kích nhằm ngăn chặn việc tiến quân lấn chiếm của địch là chính.
Tháng 1/1946, trong lực lượng bộ đội Nam tiến hỗ trợ cho tỉnh Đắk Lắk, có bs Nguyễn Cao Phin từ Hà Nội và một số cán bộ y tế vào mặt trận Buôn Ma Thuột, đoàn mang theo một số dụng cụ y tế, thuốc men phục vụ lực lượng bộ đội chiến đấu. Tình hình thuốc men, dụng cụ y tế lúc này vô cùng thiếu thốn, ngoài một số thuốc, dụng cụ lấy ở nhà thương Buôn Ma Thuột đã cạn kiệt, nhân viên y tế tỉnh đã phải khai thác vỏ cây, rể cây chữa vết thương cho chiến sĩ, nên sự hỗ trợ của quân y Nam tiến lúc đó tuy ít ỏi nhưng vô cùng quý báu và đúng lúc.
Ngày 25/1/1946: Quân Pháp dùng toàn bộ lực lượng cơ giới, máy bay yểm trợ tấn công tuyến phòng ngự M’drắk, ngày 27/1/1946 để bảo toàn lực lượng, Uỷ ban Cách mạng tỉnh Đắk Lắk quyết định rút lực lượng quân dân chính Đảng về Phú Yên. Ta còn giữ lại phòng tuyến chặn địch trên đường 14 (khu chiến Buôn Hồ), quân Pháp bị lực lượng ta chặn dưới chân đèo Chư Kty cách Buôn Ma Thuột 40 km về phía Bắc. Tại đây, ta có 01 tiểu đoàn Nam tiến do đồng chí Hùng Việt chỉ huy, cùng lực lượng nam nữ thanh niên tự vệ Buôn Hồ, với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban hành chính Buôn Hồ là Y Bim Knơng (tức Ama Khê), nhân dân Buôn Hồ đã động viên con em tình nguyện nhập ngũ bổ sung cho lực lượng bộ đội Nam tiến làm công tác hậu cần, phục vụ chiến đấu, tiếp tế lương thực, cáng thương, vận chuyển vũ khí…
Đầu năm 1946, phái đoàn Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp vào miền Nam kiểm tra tình hình mặt trận. Tại Khánh Hòa, sau khi nghe đại biểu mặt trận Đắk Lắk báo cáo tình hình chiến sự, Đ/c đã biểu dương tinh thần chiến đấu của quân dân Đắk Lắk, giải thích chỉ thị: “… cuộc cách mạng Đông Dương lúc này là cuộc cách mang dân tộc giải phóng, cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, chưa hoàn thành, vì chưa được độc lập hoàn toàn. Với hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc không tách rời nhau, để thực hiện nhiệm vụ nói trên, ta cần phải thay đổi cụ thể các mặt về nội chính, quân sự, ngoại giao, tuyên truyền, kinh tế, tài chính, cứu tế và văn hóa …”.
Ngày 06/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên diễn ra tại Đắk Lắk hết sức đặc biệt, quân Pháp đã chiến đóng thị xã và một số vùng lân cận, nhưng Uỷ ban Cách mạng vẫn tổ chức cuộc bầu cử khá tốt và được đông đảo nhân dân tham gia, thể hiện rõ ý chí kiên cường, lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc của đồng bào các dân tộc.
Do tỉ lệ dân số biết chữ thấp, nên có nơi cử tri bầu đại Quốc hội bằng biểu quyết giơ tay, lấy hạt đậu, hạt bắp thay cho tên đại biểu ứng cử. Ưng ai thì đặt hạt đậu, bắp vào hòm phiếu. Kết quả, 2 đại biểu Y Ngông Niê Kđăm và Y Wang Mlô Duôn Du (Chủ tịch Ủy ban cách mạng huyện M’đrắk) trúng cử đại biểu Quốc hội- bằng thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Ngày 02/3/1946, tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ lâm thời từ chức và trao quyền cho Quốc hội tổ chức chính phủ mới: Chính phủ kháng chiến kiến quốc. Quốc hội chấp thuận cử chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ tịch chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Quốc hội quyết định sát nhập Bộ Y tế, Lao động, Cứu tế thành Bộ Xã hội Y tế, Cứu tế lao động do Bác sĩ Trương Đình Tri làm Bộ trưởng (*4). Lần đầu tiên những nguyên tắc nhân dân làm chủ Nhà nước được xác định, và điều 14 của Hiến pháp nói về công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân ghi rõ: những người công nhân già hoặc tàn tật không làm được việc gì thì được giúp đỡ, trẻ con được chăm sóc về mặt giáo dưỡng.
Chính phủ kháng chiến ra chỉ thị cho ngành y tế phải chuẩn bị:
1. Mua sắm dự trữ thuốc men bông băng…
2. Đào tạo cấp tốc nhân viên y tế cứu thương.
-
Sơ tán tài sản, trang thiết bị, dụng cụ y tế ra khỏi thành phố.
Ngày 6/3/1946, Chính phủ ta và Pháp kí hiệp định sơ bộ, công nhận Việt Nam là nước độc lập có Quốc hội, Chính phủ, Quân đội và nền tài chính riêng.
Tháng 4/1964, hội nghị trù bị giữa ta và Pháp tại Đà Lạt chuẩn bị ký hiệp định chính thức hai bên thì phái đoàn Pháp lật lọng, đưa ra vấn đề chủng tộc ở Tây Nguyên, hòng thiết lập một quy chế riêng, thực chất là đòi quay lại chế độ “thực trị” đóng cửa Tây Nguyên, như chúng đã thực hiện trước đây, phái đoàn ta bác bỏ yêu sách đó, hội nghị tan vỡ.
Thất bại trên bàn hội nghị với mưu đồ đen tối nhằm lừa bịp nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, quân Pháp thực hiện ý đồ đánh chiếm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên, hòng đánh nhanh thắng nhanh, bọn chúng tập trung lực lượng ồ ạt đánh thông đường 14, mở đường lên chiếm Plei Ku. Tại phòng tuyến Buôn Hồ đánh chặn địch trên đường 14, các chiến sỹ ta đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, cùng với quân dân, du kích và sự giúp đỡ của nhân dân các dân tộc, quân ta đã đánh lui nhiều cuộc tấn công của giặc Pháp. Nhiều chiến sỹ bị thương, bị sốt rét vẫn gan góc đứng công sự đánh chặn quân thù, nhiều trận xả thân đánh giáp lá cà ngăn cản từng bước tiến của chúng. Những chiến sĩ cứu thương như con thoi tới các công sự chiến đấu vừa băng bó thương binh, tải thương, tiếp đạn, cơm và nước uống cho chiến sĩ, nhiều đồng bào cũng tích cực tải thương, đưa các liệt sĩ về phía sau chôn cất… Cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt, giặc đánh chiếm, ta chốt giữ, giành giật từng mét đường, chiến hào, có những người chiến sĩ cứu thương cũng anh dũng hi sinh ngay tại trận địa đánh địch. Sau 3 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta thương vong nhiều, để bảo toàn lực lượng, ngày 23/06/1946 ta rút lui về Phú Phong - Bình Định (*5)
Trải qua 7 tháng chiến đấu, quân dân Đắk Lắk đã góp phần đánh bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, trong đó lực lượng cán bộ y tế cứu thương của tỉnh đã đóng góp nhiều hi sinh, gian khổ, kịp thời chi viện cho các trận địa, cứu chữa kịp thời nhiều cán bộ chiến sĩ và nhân dân trong chiến đấu.
Ngày 27/6/1946, Đăc Giăng Liơ (D’Argenlieu) Cao ủy Pháp tại Đông Dương thực hiện mưu đồ tách Tây Nguyên ra khỏi Việt Nam, ký lệnh hợp nhất 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Viên và Đồng Nai thượng thành đơn vị hành chính riêng, lập ra Uỷ phủ dân tộc Thượng, đặt nhiệm sở ở thị xã Buôn Ma Thuột, chúng gọi là xứ Tây kì tự trị. Quân Pháp lập lại bộ máy cai trị cũ với vài thay đổi mới: Viên công sứ Pháp được đổi thành tỉnh trưởng, có 2 phó tỉnh trưởng giúp việc, dưới tỉnh có quận trưởng người Pháp, quận phó người dân tộc, dưới quận là hạt, dưới hạt là tổng, dưới tổng là thôn buôn. Chúng trực tiếp cai trị đồng bào dân tộc thông qua bọn tay sai và hình thành hệ thống cứ điểm, để kìm kẹp khống chế dân và làm bàn đạp tấn công ra vùng tự do của ta, mở lại trường dạy tiếng Êđê để đào tạp tay sai và khôi phục các loại thuế mà chính quyền cách mạng đã xóa bỏ.
Quân Pháp thành lập ban chỉ huy quân sự khu tự trị Tây Nguyên (Serteur Au Ton Omedes Hauts Plateau) trực thuộc bộ chỉ huy nam Đông Dương, tỉnh Đắk Lắk nằm trong phân khu Buôn Ma Thuột, gồm 2 chi khu: Buôn Hồ và M’drắk, với quân số khoảng 3.000 tên. Với chính sách “dùng người bản xứ đánh người bản xứ”, chúng tổ chức các đơn vị lính ngụy mới, lập binh đoàn khố đỏ mang tên binh đoàn Cơ động Viễn đông (Bmeo), dựng nhiều đồn bốt theo các đường 14, 14 bis, 21…, cho các trung đội lính người dân tộc, cải trang lùng sục vào các vùng rừng núi để phát hiện lực lượng kháng chiến. Thi hành chính sách tàn bạo, thâm độc trong vùng chiếm đóng để lừa bịp, khống chế nhân dân:
-
Chính quyền tăng cường sự có mặt của ngụy quân, ngụy quyền.
-
Chính sách khôi phục những tập quán, tín ngưỡng lạc hậu để mị dân.
-
Chính sách quản lý muối, thuốc ký ninh.
Trong đó chính sách muối, thuốc ký ninh là chính sách thâm độc, tàn bạo nhất, nó đánh thẳng vào đời sống thường nhật của con người: Đói muối dài ngày dẫn đến tê phù và bệnh tật triền miên, bị sốt rét không có ký ninh dẫn tới cái chết… làm cho đồng bào ta trong vùng tạm chiến vô cùng cực khổ.
Để khôi phục lại địa bàn, tháng 10/1946 Đắk Lắk thành lập phòng Quốc dân thiểu số do đồng chí Ama Khê làm trưởng phòng, nhằm tiếp nhận lực lượng tăng cường cho Đắk Lắk, giành lại địa bàn chiến lược này. Đầu 1947, Ban cán sự Tỉnh Đảng bộ Đắk Lắk được thành lập, đồng thời tập hợp lực lượng, hình thành cơ quan chính quyền, các quần thể quần chúng và tổ chức các lực lượng vũ trang của tỉnh, đảm nhiệm lãnh đạo cuộc kháng chiến của quân và dân Đắk Lắk. Để tạo điều kiện cho quân dân Đắk Lắk chiến đấu, tháng 7/1946, khu 6 tăng cường cho Đắk Lắk trung đoàn 79, gồm các tiểu đoàn Ký Con, Lương Ngọc Quyến, Hoàng Hoa Thám, cùng tiểu đoàn N’Trang Lơng (lực lượng của Đắk Lắk) về lập căn cứ kháng chiến tại miền tây tỉnh Phú Yên. Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ giao các xã miền Tây Phú Yên gồm: Đài Má, Phú Mỹ, Suối Trai, Cà Lúi để Đắk Lắk quản lý và xây dựng căn cứ kháng chiến. Từ đây Đắk Lắk có căn cứ đứng chân xây dựng lực lượng, làm bàn đạp để xây dựng cơ sở vào vùng địch kiểm soát, Đắk Lắk bắt đầu tổ chức hệ thống Đảng, chính quyền chỉ huy thống nhất để chỉ đạo kháng chiến lâu dài.
Trung đoàn 79 đã phân tán thành những đơn vị nhỏ, luồn sâu vào vùng địch tại Cheo Reo, M’drắk, chiến đấu và mở rộng địa bàn tiến về Buôn Hồ và Buôn Ma Thuột. Ở những vùng bộ đội đứng chân, chính quyền buôn, xã dần dần được khôi phục. Tháng 3/1947 trung đoàn 79 sát nhập tiểu đoàn N’trang Long của Đắk Lắk, chuyển thành trung đoàn 84, với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cho được vùng tự do M’drắk và Cheo Reo. Cũng thời gian này, tỉnh đội dân quân Đắk Lắk được thành lập, ban chỉ huy do trung đoàn trưởng Trung đoàn 84 phụ trách.
Tháng 9/1947, Ủy ban hành chính Nam Trung Bộ ra quyết định thành lập quân khu 15 và phân ban kháng chiến hành chính Tây Nguyên, đặt dưới sự chỉ đạo của liên khu 5 (trên cơ sở thống nhất các khu 5,6,15). Ban cán sự Đảng Đắk Lắk được bổ sung, Đ/c Lê Vụ - Bí thư Phú Yên về làm Bí thư tỉnh Đắk Lắk.
Tại căn cứ Tây Phú Yên, chủ yếu là đồng bào dân tộc, đất rộng, người thưa, kinh tế nghèo nàn, để xây dựng vùng đất này phát triển mạnh mọi mặt, trở thành căn cứ kháng chiến lâu dài, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh bắt đầu tổ chức các hoạt động kinh tế và văn hóa xã hội: Một số cửa hàng mua bán dịch vụ tại chỗ phục vụ nhân dân được thành lập, các trại sản xuất, chăn nuôi cơ sở hậu cần của cơ quan tỉnh và trung đoàn 84 cũng được cắm tại đây, ban kinh tế còn tổ chức một xưởng dệt của đồng bào dân tộc, tổ chức một số trường học, thu hút con em người dân tộc tại chỗ và trong lòng địch ra để đào tạo cán bộ. Tại đây trạm quân y của trung đoàn 84 và trạm xá dân y đựơc thành lập (*6) để đáp ứng yêu cầu điền trị cho thương bện binh và nhân dân trong vùng tự do.
Tháng 8/1948, tỉnh Gia Lai lại bàn giao thêm cho Đắk Lắk huyện Cheo Reo, tạo thành khu căn cứ kháng chiến liên hoàn Đông Bắc Đắk Lắk, ta bắt đầu mở rộng vùng tự do, quản lý và gây dựng được cơ sở tại gần 20 buôn thuộc M’drắk, Cheo Reo và Buôn Hồ. Trong khí thế cách mạng đang phục hồi, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk xúc động đón thư động viên của chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư có đoạn:
“…Trong cuộc khánh chiến cứu nước này, đồng bào thượng du đã bày tỏ lòng yêu nước, nhiều thanh niên đã tham gia bộ đội oanh liệt giết giặc. Nơi nào đồng bào nam nữ cũng nhiệt liệt tổ chức tự vệ dân quân và đội du kích.
… Tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội, quân dân tự vệ phải kiên quyết xung phong giết giặc.
Mỗi công dân phải là một chiến sĩ, mỗi làng xóm phải là một chiến hào…”(Hồ Chí Minh tuyển tập).
Lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch vừa là mệnh lệnh thúc giục quân dân Đắk Lắk bước vào cuộc chiến đấu . Để chi viện cho Đắk Lắk, hàng trăm cán bộ, Đảng viên nam nữ thanh niên từ đồng bằng tình nguyện lên Đắk Lắk chiến đấu, đây cũng là giai đoạn chính quyền cơ sở được khôi phục và phát triển mạnh khi ta trở lại chiến trường, chỉ sau một thời gian ngắn, hơn 400 làng buôn vùng Đông Cheo Reo, Mlăh, dọc đường số 7, M’drắk, đường 14 Buôn Hồ, nam đường 21 là căn cứ của ta đã có dân. Với sự chi viện miền xuôi lên, các trạm mua bán tại Cheo Reo, Tịnh Sơn, Thanh Hội, Sơn Hòa, tổ chức trao đổi hàng hóa mà Đắk Lắk cần như muối, gạo, vải và thuốc chữa bệnh được đưa từ Phú Yên lên.
Cũng bắt đầu từ thời điểm này, khu 15 thành lập phòng dân quân, tỉnh Đắk Lắk thành lập tỉnh đội dân quân và lực lượng dân quân chia thành 2 lực lượng:
-
Du kích có nhiệm vụ đánh địch giữ làng.
-
Dân quân bảo đảm công tác hậu phương.
Quân và dân Đắk Lắk một mặt đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch, bám đánh địch trên các trục đường giao thông…không cho địch dồn lực lượng tấn công ra vùng tự do của ta; mặt khác ra sức xây dựng và củng cố vùng căn cứ kháng chiến, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh : “đoàn kết toàn dân và bảo vệ vùng giải phóng”, “kiên trì chiến đấu và quyết tâm đánh thắng địch trên mặt trận Nam Trung Bộ”. Giữ vững vùng tự do rộng lớn, làm thất bại âm mưu chia cắt chiến trường Đông Dương, dọc theo vĩ tuyến 15 của thực dân Pháp.
Tại hội nghị quân sự Nam Trung Bộ tháng 7/1948 đã đề ra nhiệm vụ kinh tế xã hội như sau: Đẩy mạnh tăng gia sản xuất tự túc , thực hiện khẩu hiệu “ toàn dân canh tác” phấn đấu đảm bảo cho được những nhu cầu thiết yếu nhất của chiến đấu và đời sống bộ đội, nhân dân. Phát triển mạnh tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Xây dựng mạng lưới y tế và vệ sinh phòng dịch. Đẩy mạnh công tác xóa nạn mù chữ và công tác giáo dục phổ thông, phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng đời sống mới, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan…
2. Sự ra đời, phát triển y tế trong kháng chiến chống Pháp
Sau Cách mạng tháng 8/1945, Bs Lê Đình Thám – Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, kiêm phụ trách quân dân y, trong thành phần Uỷ ban nhân dân Cách mạng tỉnh Đắk Lắk có y sỹ Y Tlam được cử phụ trách công tác y tế của tỉnh, ta sử dụng một số nhân viên y tế làm việc tại nhà thương Buôn Ma Thuột , của chế độ cũ để tham gia chữa bệnh cho nhân dân, cứu thương phục vụ chiến đấu phòng thủ Buôn Ma Thuột, M’drắk… khi giặc quay lại xâm lược.
Thực tế, sau Cách mạng tháng 8/1945, lực lượng cán bộ y tế ở Đắk Lắk chỉ có một vài người tham gia công tác chính quyền như: Y sỹ Y Ngông, Y Wang, Ama Khê làm Chủ tịch các huyện M’drắk, Buôn Hồ (sau này Đ/c Y Ngông, Y Wang là đại biểu Quốc hội, Ama Khê làm Uỷ viên Ban cán sự Đảng tỉnh…) Trong thời kỳ này, ta chưa tổ chức được mạng lưới y tế, lại phải bước ngay vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, nên cán bộ y tế của tỉnh phải chia nhỏ lực lượng phục vị chiến đấu ở các phòng tuyến dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh, bông băng cứu thương gần như không có, cách chữa bệnh chủ yếu dựa vào nguồn thảo mộc và chữa bệnh dân gian.
Để phục vụ cho chiến đấu, mặc dù ngay từ đầu ban cán sự tỉnh đã sớm đề xuất việc đào tạo nhân viên y tế cứu thương nhưng cũng không kịp, có đề ra chủ truơng mua sắm dự trữ thuốc men để phục vụ chiến đấu cũng không có tiền, đành bó tay(*7).
Ngành Y tế Đắk Lắk ra đời và hoạt động từ tháng 8/1948, khi đã hình thành căn cứ kháng chiến của tỉnh tại Tây Phú Yên, cùng với sự ra đời các cơ sở sản xuất kinh tế, các lớp học tại các buôn và trường tiểu học Y Plô (Ty Học vụ), trường Y Jut đào cán bộ cách mạng cho tỉnh, Ban Cán sự tỉnh đã thành lập Ban Dân y tỉnh Đắk Lắk với các nhiệm vụ chủ yếu:
- Mở lớp huấn luyện ngắn ngày, đào tạo y tá, cứu thương để phục vụ cho việc cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ chiến đấu.
- Tổ chức lực lượng “Vệ sinh viên” xuống các buôn làng vùng tự do, hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh phòng bệnh, ăn chín, uống sôi, vệ sinh nhà cửa, chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nhà, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân.
Ở giai đoạn này, Ban chỉ huy Trung đoàn 84 giao nhiệm vụ cho các chiến sĩ, khi đóng quân ở đâu, mỗi chiến sĩ là một vệ sinh viên, gương mẫu trong sinh hoạt, ăn ở để nhân dân làm theo, tạo thành nếp vệ sinh trong thôn buôn, khi trình độ hiểu biết về giữ gìn vệ sinh trong đồng bào còn rất hạn chế. Việc tuyên truyền vệ sinh hằng ngày , thường xuyên, tạo thành thói quen trong sinh hoạt của bà con sống trong vùng tự do của ta.
Tại căn cứ Cheo Reo, sau khi Ban Dân Y được thành lập, tỉnh giao nhiệm vụ cho ban lập một bệnh xá tại Buôn Ama O (giáp ranh Đắk Lắk và Phú Yên) để điều trị thương, bệnh binh và nhân dân (thời kì này, nhân dân và thương bệnh binh bị thương khá nhiều, do ta phải chống trả nhiều cuộc càn quét của địch ra vùng tự do tại Tây Phú Yên). Đây là bệnh xá đầu tiên trong lịch sử cách mạng của Đắk Lắk. Ngoài việc điều trị bệnh cho thương, bệnh binh, cán bộ và nhân dân, bệnh xá còn đào tạo một số y tá, cứu thương để phụ trách điều trị ở các cơ quan đóng tại M’drắk và Cheo Reo, phụ trách cứu thương ở các xã vùng du kích của ta và phục vụ chiến đấu ở các đại đội độc lập. Cán bộ cứu thương đi phục vụ bộ đội, và còn xung phong công tác trong vùng địch kiểm soát. Các đồng chí y tá huyện, xã huấn luyện cho mỗi buôn làng một cán bộ vệ sinh viên làm nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân ăn ở vệ sinh, sơ cứu khi bị tai nạn hoặc bị thương, dùng thuốc điều trị bệnh thông thường cho dân. Các cán bộ y tế được đào tạo tại Bệnh xá tỉnh trong giai đoạn này là người dân tộc như: Y Diach, Y Yuôt, Y Mle, Y Heo, Y Phu, Y Ghô, Y Thô, Y Nghiêr, Y Nhiêu, Bà Tra, Y Dao, Y H’rum, Y Plô…
Khắc phục những khó khăn vì xa sự chỉ đạo của Trung ương và khu, tổ chức y tế Đắk Lắk tuy có rất ít người, nhưng đã đoàn kết vươn lên, sáng tạo trong hoàn cảnh của địa phương, tổ chức được bệnh xá tỉnh điều trị bệnh binh và nhân dân, kết hợp đào tạo tại chỗ một số y tá, cứu thương phục vụ chiến đấu, huấn luyện và đưa lực lượng vệ sinh viên chủ động xuống thôn, buôn cùng các chiến sĩ và bộ đội vận động nhân dân phòng bệnh, vận động thực hiện ba sạch, bốn diệt, ăn đũa hai đầu, hun khói chống muỗi và khai thác thuốc nam tại chỗ đáp ứng một phần yêu cầu điều trị của quân dân tỉnh nhà trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
a. Tổ chức mạng lưới y tế
Sau khi Ban Dân y được thành lập, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng, cùng một số ngành của tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng của căn cứ kháng chiến, lực lượng cán bộ y tế bắt tay ngay vào nhiệm vụ tổ chức lực lượng bám cơ sở. Thời điểm này, thực hiện đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch. Đảng bộ Đắk Lắk chỉ đạo hoạt động quân sự theo phương châm: Tổ chức ban xung phong công tác, đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập tiến vào phát động chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, tập trung ở vùng M’drắk, Buôn Hồ và Cheo Reo. Tại M’drắk, có xã ta có cơ sở, có dân ở 65 buôn (các xã Ea Bon, Ea Bin, Ea Trol, Ea Klót). Tại Cheo Reo có 3 xã (Đất Bằng, Ai Nu, Pleipa) Buôn Hồ và Krông Năng, Krông Buk, Ea Drông. Các cán bộ y tế và cứu thương vừa phải bám các đội vũ trang, đồng thời đi sâu vào vùng dân mới mở để tuyên truyền cách mạng, xây dựng lòng tin của quần chúng và chữa bệnh cho nhân dân, gây cơ sở trong lòng địch, tuyên truyền đoàn kết Kinh Thượng, hòa mình với nhân dân, khơi dậy tinh thần độc lập tự do của quần chúng, đây thực sự là một cuộc chiến đấu không có trận địa, không có hàng rào phân chia ranh giới địch ta. Chỉ trong thời gian ngắn, hoạt động y tế đã triển khai tốt ở các buôn làng do ta quản lí, từ đây cụm từ “hạt muối cụ Hồ”, “viên thuốc cụ Hồ”, “con rựa phát rẫy của cụ Hồ”… xuất hiện trong nhân dân, ở mỗi buôn làng ta làm chủ, có vệ sinh viên hướng dẫn nhân dân với việc phòng bệnh là chính, tuyên truyền vệ sinh trong nhân dân với việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, được nhân dân hưởng ứng và từ đó thêm cảm tình với cách mạng. Đây chính là thắng lợi không nhỏ, từ việc chữa bệnh đơn thuần, hướng dẫn người dân phòng bệnh lại là hoạt động cách mạng, tạo dựng niềm tin cách mạng từ những người cán bộ biết hướng dẫn cho người dân lấy lá xông giải cảm, lấy rễ, lá cây chữa đau bụng, sốt rét, nhiệm vụ của cán bộ y tế không chỉ còn là việc đơn thuần cứu đau, chữa bệnh mà còn là tuyên truyền giác ngộ cách mạng, làm cho mọi người dân đi theo Đảng, Bác Hồ.
-
Y tế phục vụ chiến đấu
Bệnh xá tỉnh ở vùng căn cứ thường xuyên phải thay đổi địa điểm, để đề phòng địch phát hiện cho máy bay oanh tạc, nguồn tiếp tế thuốc từ trong vùng địch ra ngày càng hiếm. Bọn địch thực hiện chính sách phong tỏa vùng tự do của ta hết sức gắt gao quyết liệt, thông qua bộ máy cai trị chặt từ tổng xuống đến buôn làng, độc quyền bán muối theo định lượng và thuốc ký ninh, kiểm soát chặt chẽ hai mặt hàng chúng cho là chính này, gây cho vùng giải phóng của ta những khó khăn tưởng chừng không khắc phục nổi. Chính từ trong những miếng cơm nhạt muối đó, trong vùng tự do từ cán bộ đến nhân dân đã phải đốt than chấm thay muối mặn, dùng thịt wet ăn cho đỡ nhạt (*8).
Đến cuối năm 1948, để mở rộng căn cứ đồng chí Phạm Thuần – Uỷ viên Ban cán sự Đảng tỉnh đi khảo sát và xây dựng căn cứ 40 ở vùng Phủ Dliê Ya và đến đầu năm 1949 cơ quan tỉnh chuyển lên vùng Dliê Ya. Từ vùng đất này, các lực lượng vũ trang cùng nhân dân khai thác trồng lúa , hoa màu và chăn nuôi, tăng thêm lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến đấu. Các nhân dân y tế tuyên truyền, vận động nhân dân học tập nếp sống mới , hướng dẫn nhân dân tự phòng và chữa bệnh, chống mê tín dị đoan, đồng thời luôn tôn trọng phong tục tập quán đồng bào. Một tên thực dân Pháp đã thú nhận thất bại của chính sách muối, thuốc ký ninh như sau: “Thật là xấu hổ, chỉ bằng những lá cây đơn giản chữa bệnh mà Việt Minh lại nắm được dân một cách dễ dàng, trong lúc ta có đầy đủ thuốc men hơn họ!”.
Theo Bác sỹ Nay Diăh kể lại: “Sinh hoạt tại vùng căn cứ của ta giai đoạn này tuy đã được cải thiện nhưng vẫn rất thiếu thốn, đói, đau, bệnh tật thường xuyên, nhân viên bệnh xá phải nhiều lúc phải bớt phần gạo của mình nấu cháo cho thương binh, đồng bào mắc bệnh sốt rét, sâu quảng và ghẻ lở nhiều, nên hướng dẫn cho dân phòng bệnh là chính, lấy vỏ dền nấu nước uống phòng sốt rét, rễ tranh uống cho mát gan, nước vỏ cây núc nác làm thuốc kháng sinh, nấu cao thú rừng làm thuốc bổ. Để chống chấy rận, anh em hướng dẫn nhân dân đun sôi áo quần, cắt tóc cho các em thiếu nhi, lấy hạt na giã lấy nước, nhúng khăn quấn lên đầu để diệt chấy, lấy kiến vàng nấu canh chua, dùng nấm mối nấu canh cho người mới ốm dậy, lấy mối chúa và ngâm tổ mối ngâm rượu trị sốt rét. Trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi mặt, nhân viên y tế càng phát huy tinh thần vì người bệnh phục vụ hết mình không kể dân hay bộ đội. Bộ đội chiến đấu bị thương, nhân dân bị thương vì bom đạn địch, đều được cứu chữa kịp thời, thuốc sát trùng, bông băng thiếu phải dùng nước đun sôi với vỏ và rể cây để rửa vết thương, băng vết thương bằng bẹ chuối tước nhỏ, phơi khô… Nhiều phương thuốc lấy từ cỏ muồng trầu, nhọ nồi, cam thảo đất, sả, gừng, để chữa bệnh khí hậu, thời tiết cho bộ đội và nhân dân. Chính những bài thuốc nam do nhân dân cung cấp cho nhân viên y tế, lại từ nhân viên y tế phổ biến cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân chưa biết, đã kịp thời giải quyết một phần bệnh tật cho đồng bào vùng căn cứ. Chữa bệnh cho đồng bào, cũng còn là công tác dân vận nhanh chóng chiếm được tình cảm của nhân dân, những việc tốt này đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào nhân dân vùng tạm chiếm, nhân dân vùng tạm chiến càng tin tưởng và chờ đợi ngày giải phóng”.
Nhân dân trước đây vẫn quen ăn bốc, cán bộ, nhân viên y tế cùng bộ đội hướng dẫn ăn đũa hai đầu, lấy vỏ dừa khô làm chén ăn cơm, ống tre làm bình đông đựng nước, làm muối riềng để nhân dân dự trữ và cấp cho bộ đội đi chiến đấu… Tổ chức cho nhân dân, bộ đội sưởi ấm, để chống rét, chiều tối hun khói lá cây để chống muỗi đốt, hướng dẫn bà con thói quen ăn gừng để ấm bụng, phòng tiêu chảy, dùng hạt cau già tẩy giun cho trẻ em. Để bồi dưỡng sức khỏe cho người mới ốm dậy, tiểu ban kinh tế tổ chức nấu xương thú rừng lấy cao làm thuốc bổ, như cao hổ, cao nai, cao xương voi, cao trăn… Ngoài ra, còn chuyển một số gạc hươu nai, xương hổ xuống đồng bằng đổi lấy thuốc và muối. Trong 1949, vùng tự do M’drắk, Cheo Reo, Buôn Hồ đã cung cấp 70 tấn bông hột cho xưởng dệt thủ công của tỉnh dệt loại vải xita và khố cung cấp cho bộ đội và thanh niên các buôn vùng giải phóng.
Cũng trong năm 1949, phong trào chiến tranh du kích của tỉnh đã phát triển khá rộng, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của liên khu 5 đề ra là: “Tiến lên Tây Nguyên”. Trung đoàn 84 tổ chức nhiều đội công tác vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch, tiến đánh địch trên các tuyến đường 14, 14 bis, mở rộng vùng giải phóng Ea Súp, Ea H’leo, áp sát Buôn Hồ, tại hướng M’drăk đẩy mạnh tác chiến ở vùng Ea Mlai, phát triển đi Lắk, Đắk Mil, xung quanh Buôn Ma Thuột và tây Cheo Reo, mỗi đội công tác cần có nhân viên cứu thương đi phục vụ, Ban Dân y tỉnh nhận nhiệm vụ vận động một số thanh niên trong vùng địch chiếm đóng ra bệnh xá, tổ chức lớp đào tạo cứu thương để giao cho bộ đội.
Đây cũng là một lớp khá đặc biệt, thầy dạy tự chuẩn bị giáo án (không có tài liệu gốc) và kinh nghiệm của bản thân, trang bị đồ nghề không có gì, học sinh thì cũng chưa thật sự đọc thông viết thạo. Gần 30 học viên thì có 30 trình độ với hoàn cảnh khác nhau : Có người không chịu nỗi sự tàn bạo của trong vùng tạm chiếm, có người ưa mạo hiểm muốn thử sức, có nguời buôn bán từ vùng tạm chiếm với vùng tự do, cũng có người muốn ra vùng tự do để tìm hiểu cách mạng… hoàn cảnh, động cơ khác nhau nhưng tất cả sau khi được học tập ý nghĩa của cuộc kháng chiến, khơi dậy lòng yêu nước, đều xác định ở vùng tự do tham gia lớp học, để trở thành người biết chữa cái bệnh. Họ không nghĩ mình sẽ là thầy thuốc, miễn là theo học để biết thuốc chữa bệnh cho đồng bào, còn có bệnh mà cúng ma thì không sao khỏi bệnh được , sự giác ngộ ban đầu thật quý và cao đẹp biết bao. Anh em đã chịu đựng mọi thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất của bệnh xá trong căn cứ, kiên trì học chữ và học cách chữa bệnh, vượt qua nguy hiểm, tận tình chăm sóc bệnh nhân, cả bệnh nặng bệnh truyền nhiễm, có nguời bị lây bệnh và hi sinh như Y Phét là học viên hi sinh vì lây bệnh tại bệnh xá tỉnh Đắk Lắk. Lớp học cấp tốc, đào tạo đựơc gần 30 cứu thương, kịp thời theo các đội công tác vào phục vụ chiến đấu trong lòng địch.
Đầu năm 1949, ngành dân y Nam Trung Bộ do bác sỹ Lê Đình Thám làm Trưởng Ban dân y. Các tỉnh Tây Nguyên có Ban Dân y Khu 15 do các Bác sỹ Nguyễn Ái Phương phụ trách. Nguồn thuốc chữa bệnh của Đắk Lắk cho bộ đội và nhân dân, hầu như không có gì, ngoài một số rất nhỏ do ban kinh tế khai thác đuợc nhờ bà con vùng tạm chiếm mua giùm, nhưng rồi cũng cạn kiệt dần, vì việc đưa muối, thuốc ra vùng tự do là một việc cực kỳ nguy hiểm đến tính mệnh của quần chúng cơ sở, chúng bắt được người nào mang theo muối hoặc viên thuốc tây trong người, cho dù đó chỉ là viên thuốc bổ không phải thuốc chữa bệnh chúng cũng bắt đưa về đồn bốt tra tấn không chết cũng tàn phế, chúng coi việc cắt đứt những phần tử tiếp tế của ta là một thủ đọan chiến luợc đi đôi với bắn phá, càn quét liên miên nhằm gây cho chúng ta nhiều thiếu thốn lương thực dẫn đến bệnh tật phát triễn, nhằm tiêu hao cả lực luợng trực tiếp chiến đấu và nhân lực của ta trong vùng tự do. Chỉ tính riêng cuộc càn quét vào vùng Củng Sơn của ta, địch đã đốt phá gần 500 nóc nhà, bắn giết hơn 100 trâu bò, và gây đầy đau thuơng chết chóc, hãm hiếp hàng trăm dân thường, hi vọng áp đảo dân tự do về tinh thần và gây dịch tả cho vùng căn cứ… Tuy nhiên, chúng càng tàn bạo thì chính quyền cách mạng càng bám chắc in sâu trong lòng dân, công tác vận động chồng con không đi lính, đòi trả chồng con bắt đi lính trở về, ở nhiều buôn tranh chấp, dân bắt đầu bất hợp tác với địch, cô lập bọn tay sai, khôi phục dần nguồn khai thác từ trong lòng địch các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống văn hóa xã hội và thuốc chữa bệnh cung cấp cho trạm xá tỉnh. Tuy nguồn thuốc hết sức khó khăn, một viên thuốc ký ninh phải hòa nữa lít nước cho những người sốt rét chia nhau uống… Nhưng nhờ công tác bảo vệ cho nhân dân, vùng căn cứ, vùng tự do đã tác dụng thiết thực đến đời sống nhân dân, uy tín y tế cách mạng đã có chỗ đứng trong quần chúng. Thành công lớn nhất là trong suốt cả thời kỳ dài, âm mưu của kẻ địch là tìm đủ mọi cách đẩy nhân dân vùng tự do vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, ốm đau bệnh tật làm kiệt cùng lực lượng kháng chiến của ta. Nhưng ngược lại, riêng về lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, y tế nhân dân Đắk Lắk đã không để xảy ra một bệnh dịch nào phát sinh ở vùng căn cứ, kịp thời dập tắt các nguồn lây bệnh như chấy, rận, dịch hạch, sốt rét, bám dân bám chiến trường, phục vụ bộ đội và nhân dân, cũng cố căn cứ địa cách mạng ngày càng vững chắc.
Bước sang năm 1950, Đắk Lắk được Tổng quân ủy chọn làm chiến trường chính, nhằm đưa phong trào du kích phát triển kịp tình hình chung toàn liên khu. Để chuẩn bị cho hoạt động quân sự, đồng chí Trương Quang Giao – Liên Khu ủy viên về làm Uỷ viên Ban cán sự tỉnh, đồng chí Y Wang (y tá cũ Uỷ ban Kháng chiến Hành chính) thay Đ/c A Ma Khê đi dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai. Vào thời điểm này, ngoài lực lượng trung đoàn 84, khu còn điều thêm trung đoàn 803 về chiến trường Đắk Lắk, chuẩn bị cho hoạt động của chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1950. Cũng thời điểm này ta có các đội vũ trang tuyên truyền hoạt động như :
- Đội 49 hoạt động tại khu vực Cheo Reo chuyển sang vùng Krông Năng và Buôn Hồ.
- Đội 79 hoạt động từ km 54 đến M’drắk.
- Đội hoạt động vùng ven Buôn Ma Thuột do đồng chí Y Wung chỉ huy.
- Đội buôn Đắk Mil do đồng chí Y Blok Êban chỉ huy bám vùng Sêrêpốk và Tây Nam Buôn Ma Thuột.
- Đội Lắk do đồng chí Võ Rựa hoạt động vùng đồng bào M’nông, Krông Bông và Lắk.
- Đội Buôn Hồ do Đ/c Siu Pui chỉ huy phát triển lên vùng Ea H’Leo, các đội này đều có cán bộ y tá theo phục vụ.
Đây là giai đoạn lực lượng vũ trang ta đẩy mạnh chiến tranh du kích, gây cơ sở vừa rộng vừa sâu trong toàn tỉnh, buộc địch phải đối phó, nhằm chống lại tình hình ngày càng sa sút về mọi mặt trong vùng chúng kiểm soát. Hoạt động của y tế Đắk Lắk đứng trước một nhiệm vụ chưa bao giờ làm, đó là phục vụ chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch lớn đầu tiên của chiến trường Đắk Lắk. Đứng trước tình hình phát triển mới của chiến tranh, khoảng đầu năm 1950 Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ra quyết định thành lập Ban quân dân y tại các tỉnh để bảo đảm phục vụ cho cả bộ đội và nhân dân. Trong thực tế, hình thức quân dân y kết hợp đã xuất hiện tại Đắk Lắk ngay từ đầu năm 1948, khi các lực lượng vũ trang của ta rời căn cứ Tây Phú Yên tiến lên Đắk Lắk để thực hiện chiến tranh du kích, thì ngành y tế đã bắt đầu đảm nhiệm việc chữa trị bệnh tật thương binh cho cả bộ đội và nhân dân căn cứ, ngược lại, mỗi chiến sĩ cũng là một vệ sinh viên, đi tuyên truyền nếp sống mới, tham gia các hoạt động phòng, chống và chữa bệnh cho nhân dân. Công tác y tế vùng địch hậu là một nét rất sáng taọ của y tế Đắk Lắk khi các chiến sĩ đeo túi thuốc, cùng khẩu súng là một thành viên của các đội vũ trang thực hiện bám đất, bám dân. Họ là những người lính không có ngày nhập ngũ, nhưng đã công tác và chiến đấu như một người lính thực thụ, số đông anh em này đã lựa chọn con đường đi theo cách mạng, và sẵn sàng gia nhập quân đội. Nhiều anh em đã trở thành cán bộ chủ chốt của ngành quân y và dân y, một số chuyển sang công tác Đảng, chính quyền đều đã hoàn thành nhiệm vụ với vị trí tương xứng (*9), chính từ cuộc chiến tranh, ngành y tế Đắk Lắk đã biết vận dụng:
Y tế quân đội lo bảo vệ sức khỏe để bộ đội chiến đấu bảo vệ dân, dân y bảo vệ sức khỏe cho dân là nguồn bổ sung cho bộ đội. Trong hoàn cảnh khó khăn này, không ai quên việc dùng bẹ chuối để làm băng cho thương binh, cám gạo làm bánh chống tê phù và bồi dưỡng ốm đau (còn gọi là vita son là hai từ vitamin son là cám).
Giữa lúc ta chuẩn bị chiến dịch hè năm 1950 địch mở đợt càn quét quyết liệt ra vùng tự do nhằm cướp thóc lúa và các dụng cụ sản xuất của đồng bào, nhằm đánh một đòn mạnh vào công tác hậu cần tại chỗ của lực lượng vũ trang tỉnh. Tại vùng địch tạm chiến, chúng bắt mỗi làng nộp thóc lúa, cấm nhân dân để lúa trên rẫy, kiểm soát không cho dân đưa ra bất cứ thứ gì qua vùng tự do, nhất là muối, thuốc chữa bệnh và dụng cụ sản xuất. Cuộc đấu tranh chống bao vây kinh tế của địch diễn ra rất quyết liệt. Nhân dân vùng địch kiểm soát đẩy mạnh đấu tranh chống chính sách tập trung lúa và người đi phu. Hàng chục gia đình tự nguyện bí mật nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ ốm đau, nhiều làng chiến đấu vẫn được tổ chức ngay trong vòng kiểm soát của địch.
Để chuẩn bị cho chiến dịch lớn, Ban chỉ huy mặt trận tổ chức cơ quan giúp việc gồm 5 tiểu ban, trong đó ban Uỷ lao và tải thương, nòng cốt là các cán bộ nhân viên bệnh xá của tỉnh được phân công phục vụ chiến trường. Liên khu ủy khu 5 huy động gần một vạn dân công vận chuyển 200 tấn hàng gồm lương thực, muối, súng đạn, và thuốc chữa bệnh từ đồng bằng lên Đắk Lắk, tập trung tại căn cứ DleiYa để tiếp tế cho các hướng chiến đấu, với khẩu hiệu: “ Tất cả vì Tây Nguyên”, “ Tất cả cho chiến thắng”. Nhờ sự cố gắng vượt bậc của anh chị em dân tộc. Trước khi bước vào chiến dịch, bộ đội ta có đủ gạo đạn và thuốc điều trị. Các đơn vị dân công đều tổ chức cán bộ vệ sinh viên và y tá đi theo lo sức khỏe cho dân công.
Đêm 15/7, chiến dịch Nguyễn Huệ bắt đầu bằng trận trung đoàn 803 diệt Đồn Ma Phu, giải phóng vùng Blăh-Cheo Reo, 19/7/1950, ngày lực lượng bảo vệ 5000 dân công vận chuyển của trung đoàn 803 và 84 chặn đánh địch tại vùng Ma Rít tiêu diệt đại đội ấn phí do tên La Mua chỉ huy đi càn quét, bất ngờ gặp đoàn Thuột, 1 lính ngụy rút lựu đạn tự sát ngay trên xe, kèm theo 6 tên lính khác chết vì bị lên xe đi càn. Ở Buôn Hồ, lính Pháp phản chiến bắn nhau, ở buôn Hai Đuk 48 lính Pháp ra hàng tập thể chính quyền huyện M’drắk. Nhiều nhân viên ở Buôn Ma Thuột tìm cách liên lạc với ta làm việc cho kháng chiến.
Trong chiến dịch Nguyễn Huệ các trận chiến đấu của bộ đội vũ trang tuyên truyền, các ngành hoạt động trong tỉnh, các trận đánh du kích các đợt dân công đi phục vụ mặt trận đều có cán bộ y tá hoặc cứu thương, vệ sinh viên trực tiếp đi theo phục vụ hết mình, có lúc cũng cầm súng của bộ đội công tác vừa chiến đấu vừa làm nhiệm vụ cấp cứu thương binh.
Sau chiến dịch Nguyễn Huệ, ban cán sự Đảng tỉnh, theo nghị quyết của quân khu đã tiến hành chỉnh huấn chính trị trao cho hàng ngàn cán bộ công tác trong các cơ quan ban ngành và lực lượng vũ trang của tỉnh, đồng thời tiến hành chấn chỉnh tổ chức, giảm nhẹ biên chế thực hiện thống nhất quân dân chính đảng của tỉnh đáp ứng yêu cầu mới.
Cuối năm 1951, thực hiện chủ trương của Trung ương và Khu ủy khu 5, toàn quân khu tiến hành lớp chỉnh huấn chỉnh quân rèn cán, ban cán sự tỉnh tổ chức nghiên cứu, học tập theo lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch, tài liệu về gây cơ sở địch hậu, chính sách dân tộc, chính sách tăng gia sản xuất, cuộc vận động thi đua ái quốc và tiến hành chỉnh đốn biên chế tổ chức.
Thời điểm này, toàn tỉnh Đắk Lắk có 7.000 người thuộc lực lượng quân dân chính đảng, trong đó, cơ quan cấp tỉnh và bộ đội 3.200 người (trung đoàn 84) các đơn vị vũ trang và huyện 3.800 người, tỉnh thực hiện tinh giảm biên chế gọn nhẹ có hiệu lực, đồng chí Lê Văn Nhiễu làm bí thư Ban cán sự tỉnh, kiêm Chính ủy Trung đoàn 84. Nhập cơ quan dân y và quân y lại với nhau thành Ban quân dân y. Tình hình vùng căn cứ Tây Phú Yên của tỉnh gặp khó khăn do thiên tai mất mùa liên tiếp, trình độ canh tác thấp, đời sống vật chất văn hòa trong đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Lương thực không đủ ăn, quần áo chăn chiếu không đủ dùng, dụng cụ sản xuất rất thiếu, hầu hết mắc bệnh sốt rét rừng , ghẻ lở và phù thũng do thiếu cơm, thiếu muối…
Những khó khăn gian khổ trên đặt cho lãnh đạo cách mạng cần có quyết sách, định hướng hoạt động mới: “… muốn phát động quần chúng đứng lên đánh địch mà chỉ phát huy truyền thống giáo dục căm thù thì chưa đủ mà còn phải có những hành động thiết thực đưa đến cho dân một cuộc sống ấm no hạnh phúc, trước mắt là chăm lo đời sống, giảm bớt kho khăn cho nhân dân”. Quán triệt chủ trương này, bên cạnh những hoạt động kinh tế, tổ chức các cửa hàng và cửa hàng lưu động phục vụ nhân dân những nhu cầu yếu phẩm cần thiết như muối ăn, vải mặc, chiếu nằm, các công cụ sản xuất, thuốc chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho con người. Xuất phát từ tình hình trên, nhiệm vụ y tế Đắk Lắk có thay đổi khi trở thành nhiệm vụ quân dân y kết hợp, bệnh xá tỉnh chuyển về Đồng Tranh xã Xuân Quang, đầu năm 1952 lại di chuyển về xã Hòa Quang (Tuy Hòa – Phú Yên) do Bác sĩ Y Tlam phụ trách chung hoạt động quân, dân y và bệnh xá.
Theo hồi kí của bác sĩ Y Tlam, bệnh xá tỉnh lúc này chỉ có 09 y tá và 01 dược tá (*10). Có một số y sĩ chuyển sang phục vụ cho trung đoàn 84, cơ quan tỉnh và huyện, đội vũ trang công tác chỉ có y tá phục vụ.
Với điều kiện, gọi là bệnh xá nhưng chủ yếu ở nhà dân, có nhiều đợt điều trị tới 100 bệnh nhân cả quân và dân. Nhẹ thì ở nhà dân, bệnh nặng thì có lán dã chiến ở rừng.
Trước tình hình chiến đấu, ngày càng phát triển, ban quân dân y tổ chức mở một lớp đào tạo y tá, cứu thương gồm 12 học viên (*11) lớp y tá đầu tiên của tỉnh, thời gian 3 tháng, anh em học xong, được bổ sung cho các đội vũ trang và cơ quan tỉnh, còn một số về buôn, để tổ chức vận động nhân dân các phương pháp phòng chống bệnh tật như cắt tóc, tắm gội thường xuyên, ở sạch phòng chấy rận, ghẻ lở, đi ngủ hun khói đuôi muỗi phòng sốt rét, ăn chín uống sôi phòng bệnh đường ruột, chà răng súc miệng bằng nước vỏ cây chống sâu răng, hôi miệng…
Bộ phận Dược chỉ với một dược tá, còn lại là nhân viên y tế đào tạo tại chỗ, đã cố gắng khắc phục khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, bông băng…Cán bộ bệnh xá cố gắng khơi nguồn thuốc men, dụng cụ y tế từ vùng địch phục vụ điều trị cho thương bệnh binh, nhưng rất khó khăn vì giặc kiểm soát rất gay gắt các mặt hàng là muối, thuốc men và lương thực, nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế vào vùng địch khơi nguồn hàng đã hi sinh anh dũng, lượng thuốc men bông băng được chuyển vào căn cứ rất hiếm nên việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, bông băng phục vụ phẫu thuật rất hạn chế chỉ được các thầy thuốc sử dụng khi thật cần thiết. Cán bộ bệnh xá tự tổ chức khai thác cây thuốc như vỏ cây Trường sơn điều trị sốt rét, đun nước Canhkina điều trị một số bệnh thông thường, nấu cao thú rừng làm thuốc phục hồi thể lực cho cả bộ đội và nhân dân. Do đời sống nhân dân thấp, khí hậu khắc nhiệt, môi trường sống không đảm bảo nên cả bộ đội lẫn người dân mắc nhiều bệnh sốt rét, viêm phổi, tiêu chảy, ghẻ lỡ, hắc lào… Ban quân dân y tỉnh và bệnh xá phối hợp với lực lượng cứu thương quân đội, tổ chức hướng dẫn cho bộ đội và nhân dân vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi, phòng bệnh, kịp thời ngăn ngừa không để xảy ra bệnh dịch nào trong vùng căn cứ kháng chiến và vùng tự do. Dưới sự chỉ đạo của Ban quân dân y trực tiếp là đồng chí Y Tlam, Y Nuê, các nhân viên y tế và cứu thương đi công tác, chiến đấu đều có túi thuốc lá, rể cây và một số ít thuốc điều trị như Quinin, kháng sinh… khai thác được từ vùng địch ở Phú Yên lên để điều trị cho nhân dân. Có thể nói với cách bám dân, bám cơ sở và với tinh thần tận tụy của anh em, đã in sâu hình ảnh của người cán bộ cách mạng, đã ra đời “Viên thuốc cụ Hồ” cùng với “Hạt muối cụ Hồ” là phần thưởng vô giá của nhân dân các dân tộc đã dành cho cán bộ, nhân viên ngành y tế Đắk Lắk lúc bấy giờ, không bao giờ phai nhạt trong lòng dân suốt cả cuộc kháng chiến 9 năm trường kì anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong 9 năm Đắk Lắk bị địch tạm chiếm, mặc dù sống dưới ách thống trị của địch, bất chấp mọi thủ đoạn khủng bố đàn áp, mua chuộc của địch, đồng bào các dân tộc vẫn hướng về cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Hồ Chủ tịch và tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Trong cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân tỉnh Đắk Lắk vùng tạm chiếm, nổi lên nhiều hình ảnh cao đẹp như Amí Jú ở buôn Chấp- xã Krông Năng che dấu thương binh dưới hầm bí mật và ở trong rừng, khi bị địch bắt và tra tấn bằng nhục hình vẫn không khai báo. Anh Y Blô và Y Mrim ở buôn Ea Pô bị địch bắn nát hai chân rồi kéo ra đường 14 cho xe cán chết vì không chịu chỉ nơi dấu thương binh và cán bộ cách mạng. Nhiều cán bộ chiến sỹ người dân tộc đã hi sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ khí tiết cách mạng như Y Khu, Y Bhim ở M’drắk, đó là những chiến sĩ người dân tộc, những người cách mạng kiên trung của Đảng, là người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Chúng ta cũng không thể quên bao gia đình thôn xóm của miền Tây Phú Yên là tổ ấm đi về của các cán bộ chiến sĩ tỉnh Đắk Lắk, với những bà mẹ, người chị đã chăm sóc thuốc men, cơm nước cho thương bệnh binh Đắk Lắk sống tại trạm xá như chính con em mình, đó là biểu hiện sáng ngời trong truyền thống đoàn kết dân tộc.
Điểm lại, khi ta mới dành chính quyền, Đắk Lắk chỉ có một nhà thương nhưng nhà thương này trước đây chỉ phục vụ cho lính Pháp, công chức của Pháp, không chữa bệnh cho nhân dân, ta mới giáo dục một số nhân viên y tế theo cách mạng, phục vụ cấp cứu, điều trị cho thương, bệnh binh và nhân dân trong thời gian ngắn. Khi địch chiếm lại Buôn Ma Thuột và các trung tâm quận, huyện, một số nhân viên kiên trung theo cách mạng, một số hoang mang bỏ việc, còn lại vì miếng cơm, sự sống một số quay lại phục vụ cho quân Pháp. Là một tỉnh miền núi sớm mất địa bàn, trang thiết bị của nhà thương cũ được di chuyển vào căn cứ và trở thành trạm xá phục vụ cách mạng trong suốt chín năm kháng chiến trường kì. Công việc ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhân viên cũ đã ít, nhân viên mới chưa kịp đào tạo, dụng cụ y tế, thuốc men vô cùng thiếu thốn, thông tin liên lạc giữa Đắk Lắk và cấp lãnh đạo liên khu cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân chủ yếu dùng thuốc bằng cây cỏ, lá rừng là chính, việc điều trị cho thương binh càng gặp nhiều khó khăn hơn do thuốc mê không có, nhiều trường hợp phải mổ “sống”, cắt cụt chân tay bằng cưa cắt gỗ, do không có thuốc mê có lúc phải cho thương binh uống rượu để giảm đau đớn, vết thương được rửa bằng nước đun sôi pha chút muối loãng, lấy dùi sắt nung nóng dí vào mụn bọc cho mủ chảy ra… Chính trong những khó khăn, gian khổ đó, các loại dược thảo như khổ sâm, vỏ dền, thiên niên kiện, thạch xương bồ, núc nác, cây cứt lợn, rể cỏ tranh và nhiều loại cây cỏ khác có sẵn ở trong rừng đã giúp cho các trạm quân dân y điều trị được nhiều thương, bệnh binh bình phục, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đồng thời việc vận động ăn ở vệ sinh, hun khói chống muỗi, nuôi gia súc cách xa nhà đã có tác dụng rất lớn với việc phòng bệnh cho nhân dân và điều đáng quý nữa trong chiến tranh là đội ngũ cán bộ chuyên môn đi theo kháng chiến có nhiều đồng chí trưởng thành và góp nhiều công lao đối với ngành y tế Đắk Lắk (*12). Ngành y tế Đắk Lắk từ ban đầu và đến cuối 9 năm chống thực dân Pháp thắng lợi đã đóng góp lớn trong sự nghiệp cách mạng ở tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1954 hiệp định Giơnevơ được kí kết miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, lo khôi phục kinh tế và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam ở miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới.
(*1) Lịch sử Đảng bộ Đắk Lắk (Tập I, trang 86-87, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng xuất bản 1983)
(*2)Y sỹ Võ Tố làm Trưởngty Y tế, Y sỹ Y Tlam - Phó Trưởng ty phụ trách nhà thương Buôn Ma Thuột
(*3)Khi phòng tuyến này vỡ, thương binh được đưa về trạm cứu thương dã chiến ở đồn điền Ca Đa do phó Ty y tế Y Tlam phụ trách.
(*4)Lúc này trong thành phần UBND cách mạng Đắk Lắk đã có một đại biểu phụ trách công tác y tế, nhằm triển khai việc chữa bệnh, vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân là Y sỹ Y Tlam.
(*5)Khi mặt trận vỡ, cơ quan tỉnh chuyển về đồng bằng, số nhân viên y tế cùng một số thương binh chuyến về nhà thương Quãng Ngãi.
(*6)Khu 15 do y sỹ Y Tlam làm quân y vụ trưởng khu 15, sau khi trung đoàn 79+1 tiểu đoàn của N’trang Long thành trung đoàn 84, Y sỹ Y Tlam phụ tráh quân y trưởng E 84 kiêm bệnh xá trưởng Đắk Lắk.
(*7)Kho bạc tỉnh Đắk Lắk sau Cách mạng tháng 8 chỉ có 4.000 đồng Đông Dương rách không tiêu được mà tiền quốc gia lúc đó ta chưa có.
(*8) Weet- thịt để ủ mấy ngày mới ăn để lấy cảm giác mặn.
(*9) Như Bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, đại biểu quốc hội 9 khóa liền, Bí thư tỉnh Đắk Lắk. Siu Pui, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Y Wang đại biểu quốc hội… Ama Khê.
(*10) Y tá gồm các anh Lê Văn Cử, Lê Thuyên, Lê Đại, Nguyễn Hằng, Nguyễn Thị Sang, Nay Dinh, Khôi, Truyền, Trà, Dược tá Quang.
(*11) Gồm các học viên: Nay Diăh, Y Ghô, Y Nhiêu, Y Plô, Y Heo, Y Mle, Y Dao, Y Ngiăr, Y Phu, Y Tho, Y Then, H’ Hrum
(*12) Như Giáo sư Y Nuê (Ái Phương), Giáo sư Y Tlam, Bác sĩ Y Ngông Niê Kdăm, Bác sĩ Nay Diah, Bác sĩ Siu Pui, Y tá Ama Khê, Y Wang Mlô....
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác