07/03/2017 08:18
Nhờ làm tốt công tác truyền thông dân số nên tỷ lệ sinh và tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ ba trở lên của huyện Krông Búk năm 2011 giảm so với năm 2010.
Krông Búk là một huyện thuần nông có 13.180 hộ với hơn 60.150 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 37,8%. Trình độ dân trí không đồng đều, tư tưởng thích sinh đông con, phải có con trai vẫn còn tồn tại.
Vì vậy, năm 2011, công tác truyền thông dân số được ngành y tế chú trọng tới mọi tầng lớp nhân dân. Trọng tâm là tổ chức Chiến dịch truyền thông dân số tại các xã vùng sâu và khó khăn để cung cấp kịp thời các dịch vụ về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản cho phụ nữ.
Chiến dịch truyền thông dân số ở xã Cư Pơng, huyện Krông Búk
Bà Hoàng Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Krông Búk - cho biết: Năm 2011, toàn huyện đã tổ chức được 57 buổi tuyên truyền lưu động, cấp phát hơn 6.500 tờ rơicó nội dung tuyên truyền chăm sóc SKSS/KHHGĐ; Tích cực lồng ghép tuyên truyền chính sách dân số thông qua các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ…
Bên cạnh đó, với một lực lượng cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số là những người có kinh nghiệm trong ngành, nên hiểu được phong tục tập quán của từng dân tộc, cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân trong việc thực hiện KHHGĐ.
Từ đó, họ đã đưa ra những biện pháp tuyên truyền, tư vấn phù hợp. Giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận với dịch vụ KHHGĐ để sinh con ít, đẻ con thưa, xây dựng gia đình hạnh phúc và tiến bộ.
Ngoài ra, một số xã và nhiều thôn buôn ở huyện Krông Búk đã mạnh dạn đưa công tác dân số vào trong quy ước, hương ước làm tiêu chí để đánh giá bình xét thi đua khen thưởng và áp dụng hình thức kỷ luật nếu vi phạm chính sách dân số.
Nhờ làm tốt công tác truyền thông dân số nên tỷ lệ sinh và tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên của huyện Krông Búk năm 2011 đều giảm so với năm 2010. Trong đó, tỷ lệ sinh là 1,4%(giảm 0,09%), tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ ba trở lên là 13,4% (giảm 0,6%). Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai đạt 82%. Năm 2011 huyện có 16 thôn, buôn không có người sinh con thứ ba trở lên, 25 trường hợp đình sản (trong đó nam giới có 2 người)…
Già làng Y'BHiu, xã Pơng Drang, Krông Búk tuyên truyền về SKSS/KHHGĐ cho người dân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ ở Krông Búk còn gặp một số khó khăn, thách thức. Kinh phí đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; một số địa phương chưa hiểu hết được tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, dẫn đến lơ là trong việc triển khai chương trình dân số.
Tình trạng tảo hôn còn xảy ra ở một số nơi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 2 năm 2010 và 2011 đã có 15 trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định; trách nhiệm của nam giới trong kế hoạch hóa gia đình chưa cao, một số người còn xem chuyện sinh đẻ là của chị em phụ nữ...
Bà Hoàng Thị Thu Hoài cho biết thêm: Hiện nay, ở huyện Krông Búk vẫn còn 603 cặp vợ chồng sinh con một bề nên đòi hỏi cán bộ dân số phải chú trọng đến công tác tuyên truyền về bình đẳng giới; khéo léo tư vấn cho đối tượng này áp dụng các biện pháp tránh thai.
Một khó khăn lớn đối với công tác Dân số-KHHGĐ ở Krông Búk là chất lượng dân số còn thấp. Toàn huyện hiện vẫn còn 185 trẻ em bị tàn tật, khuyết tật, trong đó 74% không có khả năng phục hồi.
Vì vậy, ngoài việc duy trì mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giúp người dân thực hiện quy mô gia đình ít con “Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con" để nuôi dạy cho tốt, thì huyện Krông Búk cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng dân số.
Để thực hiện tốt điều đó, cần sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp nhịp nhàng của các ban ngành, đoàn thể, cùng sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số.
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác