07/03/2017 10:00
Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326 lấy ngày 26/12 hàng năm là Ngày Dân số Việt Nam.
Logo kỷ niệm 55 năm ngày Dân số Việt Nam. 55 năm trước, giữa lúc đất nước còn bị chia cắt, dân tộc Việt Nam đang phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước. Hội đồng chính phủ đã thông qua một Quyết định đặc biệt, đó là Quyết định số 216 về việc “Sinh đẻ có hướng dẫn” do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 26/12/1961.
Ngay từ văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác Dân số-KHHGĐ, tính nhân văn của quyết định đã được thể hiện rõ nét, bằng những lời lẽ hết sức thuyết phục: “Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”. Để ghi nhận những thành tựu mà công tác DS-KHHGĐ đã đạt được. Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326 lấy ngày 26/12 hàng năm là Ngày Dân số Việt Nam.
Có thể nói, 55 năm là một chặng đường dài với biết bao thăng trầm, biến đổi, sự phát triển của công tác DS-KHHGĐ Việt Nam đã trải qua rất nhiều chuyển biến quan trọng với những tên gọi khác nhau. Từ tên gọi ban đầu là “Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em” đến năm 1975 đổi thành “Trạm bảo vệ bà mẹ và sinh đẻ kế hoạch”; năm 1984 chuyển thành “Ủy ban Quốc gia Dân số và sinh đẻ kế hoạch”; Năm 1989 là “ Cơ quan chuyên trách Ủy ban DS-KHHGĐ; năm 2001 là “Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; từ năm 2008 cho đến nay với tên gọi “Chi cục DS- KHHGĐ” thuộc Sở Y tế.
Tương ứng với mỗi tên gọi của công tác DS-KHHGĐ, ở mỗi thời kỳ lịch sử lại có những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau để công tác DS-KHHGĐ phát triển phù hợp với xu thế chung của nền KT-XH đất nước. Đồng hành những tên gọi ấy là các văn bản, nghị quyết của trung ương, của UBND, HĐND tỉnh đã dần đưa công tác DS-KHHGĐ vào cuộc sống, nhất là việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Trung ương khoá 7, Nghị quyết số 47 của Bộ chính trị đều xác định: "Công tác Dân số là một bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển đất nước, là yêu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, từng gia đình và toàn xã hội, góp phần quyết định để thực hiện sự nghiệp CNH,HĐH đất nước"; "Đầu tư cho công tác Dân số là đầu tư cho sự phát triển. Giai đoạn từ 1991 đến 2000, chính sách DS-KHHGĐ được cụ thể hóa bằng: “Chiến lược DS-KHHGĐ với mục tiêu tổng quát “thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam tại huyện Krông Ana.
Từ năm 2001 đến 2010 chiến lược Dân số Việt Nam xác định: Công tác Dân số là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển Kinh tế- xã hội, là nền tảng trong chiến lược phát triển con người của đất nước. Rồi “Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020” xác định: Công tác dân số là bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội, góp phần quyết định để thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngày 4/1/2016 Ban Bí thư Trung ương ban hành kết luận số 119 xác định: “…nên cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số (duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số) bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ngày nay, đất nước đang trong tiến trình hội nhập với quốc tế và khu vực, càng đòi hỏi yếu tố con người có chất lượng về cả thể chất, trí tuệ và tinh thần. Đây cũng là một yêu cầu hết sức cấp thiết đối với Chương trình dân số hiện nay. Với kinh nghiệm phong phú, những bài học quý giá của hơn nửa thế kỷ qua, ngành Dân số cần vươn lên những tầm cao mới, mà nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo duy trì ổn định được mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng giống nòi, thực hiện thắng lợi tinh thần Nghị quyết 47/NQ-TW và Kết luận số 119/KL-TW để có một quy mô dân số phù hợp, nâng cao chất lượng dân số, trong đó từng người dân mạnh khỏe, phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ và tinh thần, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Võ Thảo (tổng hợp)
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác