07/03/2017 08:18
Hiện nay, mỗi năm tỉnh ta có hơn 30.000 trẻ em được sinh ra. Tuy nhiên, theo điều tra của Tổ chức y tế thế giới, năm 2010 tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ở tỉnh ta chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước là 19%, của thế giới là 35%. Hàng nghìn trẻ em trên địa bàn tỉnh đang phải chịu gánh nặng của bệnh tật và suy nhược cơ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em lên đến 27,4%.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều bà mẹ thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về lợi ích của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong suy nghĩ của họ vẫn còn có những quan niệm sai lầm và lạc hậu như: sữa mẹ chưa có trong những giờ đầu sau khi sinh, cần cho trẻ ăn bổ sung sớm để trẻ cứng cáp. Có người còn cho rằng, nhiều đứa trẻ không bú sữa mẹ vẫn lớn nhanh như thổi. Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường rất đa dạng sữa cho trẻ em, do quảng cáo nhiều bà mẹ nghĩ rằng sữa bột tốt hơn sữa mẹ nên đã chú trọng nuôi bằng sữa ngoài. Ngoài ra, tỉnh ta hiện có hơn 70% phụ nữ sống ở nông thôn, công việc nhà nông luôn bận rộn, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc ăn uống, bổ sung dinh dưỡng khi mang thai chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều bà mẹ mang thai tháng thứ 7, thứ 8 vẫn phải làm việc, lượng sữa của những người mẹ rất ít. Có một số chị sau khi sinh vài tháng vì “tham công tiếc việc” nên lao vào làm việc, vì thế không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
Chị Nguyễn Thị Mai. (25 tuổi) ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) sau khi sinh đứa con đầu lòng đã quyết định nuôi con hoàn toàn bằng sữa ngoài. Chị cho rằng nuôi con bằng sữa ngoài vẫn đủ dinh dưỡng cho con mà còn giữ dáng cho mẹ một vài tháng có thể đi làm được mà không phải lo việc cho con bú. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng tuổi, đứa con của chị đã phải nhập viện vì tiêu chảy.
Đối với các chị em là cán bộ công chức, viên chức nhà nước, công nhân thì việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cũng gặp không ít khó khăn. Việc chỉ được nghỉ sinh 4 tháng cùng với áp lực công việc đã làm cho nhiều người dù muốn cũng không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Một số chị may mắn có sự hỗ trợ của người nhà, nhưng phần lớn thì không được như vậy. Vì thế, cho con ăn dặm khi chưa đủ 6 tháng tuổi là giải pháp mà nhiều chị em đã lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, cán bộ Phòng Tài chính TX. Buôn Hồ, có con 8 tháng tuổi tâm sự: “Nhà tôi ở gần cơ quan nên nhiều khi có thể tranh thủ chạy về cho con bú rồi đi làm tiếp. Nhưng có một số chị em mới sinh, nơi làm việc lại cách xa với nơi ở, việc đảm bảo cho con bú đều đặn là điều rất khó khăn, nhiều lúc công việc quá bận nên không thể về nhà để cho con bú”.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - thị xã Buôn Hồ và đứa con của mình (bìa phải). Nghiên cứu của các chuyên gia y tế đã chứng minh rằng: cho con bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ đồng hồ đầu tiên sau khi sinh và cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của đứa trẻ sẽ giúp ngăn ngừa 13% các trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi; giúp phòng ngừa một số lượng lớn những bệnh truyền nhiễm, dị ứng, tiêu chảy và các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì... Bác sĩ Đặng Thị Bích Thường - Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản cho biết thêm: “Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ đem lại sự phát triển tốt nhất cả về thể chất và tinh thần cho trẻ. Khi đứa trẻ được sinh ra, việc bú mẹ còn giúp gắn kết tình cảm giữa mẹ và con”.
Thiết nghĩ, để nâng cao ý thức nuôi con bằng sữa mẹ cho các bà mẹ, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền làm mẹ an toàn, tác dụng của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ...để mỗi người mẹ sau khi sinh tự giác nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Đồng thời, cần đẩy mạnh tư vấn, vận động mỗi thành viên trong gia đình, cơ quan, doanh nghiệp và các cơ sở dịch vụ y tế hỗ trợ, giúp đỡ cho phụ nữ có con nhỏ có điều kiện thuận lợi nhất để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
V.T
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác