07/03/2017 10:00
Huyện CưMGar được thành lập ngày 23/1/1984, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 20Km về phía Bắc. Huyện có diện tích tự nhiên là 82.443 ha, với số dân hơn 159.600 người, gồm 25 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 17 xã, thị trấn. Trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 45,6% dân số. Sự đa dạng về văn hóa và phong tục tập quán là một nét độc đáo, nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc hoạch định chính sách kinh tế-xã hội, trong đó có công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương.
Xác định tầm quan trọng của công tác Dân số-KHHGĐ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, trong giai đoạn 2001-2011, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện CưMGar thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân số. Nổi bật nhất là Huyện Ủy Cư Mgar đã ban hành chương trình số 05/CT-HU ngày 10/12/2005 Chương trình thực hiện nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ chính trị “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ”. Công tác kiểm tra giám sát các hoạt động về dân số ở cơ sở thường xuyên được Ban chỉ đạo công tác dân số huyện triển khai, phát hiện yếu kém và khắc phục kịp thời.
Công tác truyền thông lưu động được chú trọng ở huyện CưMGar.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông dân số luôn được chú trọng. Bằng nhiều hình thức: Tổ chức Chiến dịch truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn; họp tổ, họp nhóm, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, buôn, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo; tuyên truyền trực quan, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh ở huyện…Gắn liền việc thực hiện chính sách dân số với phòng trào xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi gia đình, khu dân cư. Nội dung truyền thông luôn phong phú và đa dạng như: tuyên truyền về chính sách “mỗi gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con”, cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mọi đối tượng, làm mẹ an toàn, phòng chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của nam giới đối với việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình; trách nhiệm của chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng buôn…Từ đó, đã vận động được cả hệ thống chính trị ở địa phương tham gia tuyên truyền và thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ.
Một thuận lợi lớn trong công tác Dân số-KHHGĐ ở huyện CưMGar là có đội ngũ Cán bộ chuyên trách và Cộng tác viên dân số năng nổ, tâm huyết trong công việc. Với 17 Cán bộ chuyên trách và 290 Cộng tác viên dân số ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, việc mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp các gói dịch vụ của chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở đã giúp cho người dân thuận tiện trong việc lựa chọn dịch vụ.
Phụ nữ xã Ea Kiết, huyện CưMGar đang ký áp dụng các biện pháp tránh thai tại Trạm y tế.
Chính vì vậy, trong giai đoạn 2001-2011, công tác Dân số-KHHGĐ ở huyện CưMgar đã đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ gia tăng dân số giảm từ 2,85% năm 2001 xuống còn 1,3% năm 2011, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng tăng từ 55,31% lên 74,81%, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 3,5 con xuống còn 2,08 con; tuổi thọ trung bình là 72 tuổi…
Tuy nhiên, công tác Dân số-KHHGĐ ở huyện CưMgar đang đứng trước những khó khăn và thách thức cần khắc phục. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy đã giảm(từ 24,16% năm 2001 xuống còn 16,06% năm 2011), nhưng vẫn còn cao hơn mặt bằng chung của tỉnh 3,62%; kết quả nghiên cứu khảo sát thực trạng sinh con trai, con gái ở một số xã, thị trấn trong 3 năm 2008-2010 đã có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh vượt ngưỡng 110 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ dị tật sơ sinh chiếm 3%, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên vẫn còn xảy ra…
Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình Dân số-KHHGĐ, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 ở huyện CưMgar là: duy trì mức sinh hợp lý, giảm số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,08 con xuống 1,9 con năm 2015, tăng tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai lên 82%, khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức 113 bé trai/100 bé gái; đẩy mạnh thực hiện đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh xuống còn 2,5%, thực hiện tư vấn và khám sức khỏe di truyền cho 5% vị thành niên, thanh niên; tăng tuổi thọ trung bình lên 73,5 tuổi…Để đạt được những kết quả đó, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Cư Mgar xác định: công tác truyền thông tiếp tục được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao ý thức, tinh thần tự giác của người dân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, kiện toàn bộ máy tổ chức, thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân số, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và thực hiện các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số./.
Thúy Khuyền
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác