07/03/2017 10:00
Trong khi nhiều gia đình phát sốt với dự định sinh con năm nay thì các nhà nghiên cứu nhận định: Nhâm Thìn không phải là một năm "vàng" như mọi người nghĩ.
|
Cơn sốt sinh con năm Rồng sẽ góp một phần không nhỏ vào sự gia tăng dân số. Ảnh: Chí Cường. |
Trong khi nhiều gia đình đang phát sốt lên với dự định sinh con, bởi cho rằng đây là năm “đẹp”, "rồng bay, phượng múa" sẽ khiến cho cuộc đời đứa trẻ và gia đình "cất cánh", thì chính các nhà nghiên cứu triết học, lý học phương Đông nhận định: Nhâm Thìn không phải là một năm "vàng" như mọi người nghĩ.
Cứ thấy "vàng" là ham
Trên các diễn đàn mạng Internet, rất nhiều thành viên bộc lộ ý định "săn" cho kỳ được "rồng đực", với những bí quyết "yêu" khá tỉ mỉ, chi tiết. Những chia sẻ này đã thu hút hàng nghìn người tham gia, tạo nên cơn sốt sinh con năm Nhâm Thìn.
Lý giải hiện tượng vì sao gần đây người dân sính đẻ con theo năm "vàng", ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương cho rằng, đó là hệ quả của những tin đồn đoán vô căn cứ. Những tin đồn không có nguồn gốc cứ vẽ lên những ảnh hưởng của việc sinh con trong năm đến sự vinh hoa, phú quý của gia đình và tương lai đứa con sau này.
"Họ phán lung tung trên mạng. Năm Đinh Hợi thì họ tán là năm của con "lợn vàng" do lấy vận khí thổ của năm Đinh Hợi để suy: Thổ thì màu vàng nên là lợn vàng. Cứ nghe thấy "vàng" thì thiên hạ nhiều kẻ mắt sáng rực, thế là một đống trẻ con ra đời với hy vọng là "lợn vàng". Rồi đến năm Tý, Sửu (2008 và 2009) thì lại tán là "chuột vàng", "trâu vàng". Vì năm đó nhiều người lại căn cứ theo thiên can (chứ không theo vận khí như năm Đinh Hợi): Mậu, Kỷ thuộc thổ, thổ thì màu vàng nên trâu, chuột gì cùng vàng cả. Rồi đến năm cọp 2010, năm mèo 2011. Lần này cũng cọp trắng, mèo trắng vì canh, tân thuộc Kim nên người ta gọi là "vàng trắng" - ông Tuấn Anh nói - "Bây giờ đến năm Nhâm Thìn, chẳng thấy ai suy luận là rồng gì: Vàng, trắng, xanh, đỏ, hay mầu cafe sữa... Lần này thì các thầy kiếm đỏ mắt cả thiên can lẫn vận khí đều không kiếm đâu ra "vàng" thì lại căn cứ theo địa chi "Thìn". Thìn là rồng(!!!)" .
Theo ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, kiểu suy luận đó đã góp một phần không nhỏ vào sự gia tăng dân số.
Nhắm mắt... đẻ bừa
Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Minh, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho rằng năm Nhâm Thìn không phải là một năm đẹp để mọi người tìm mọi cách để sinh con.
"Nhiều người cho rằng người sinh ra vào năm Nhâm Thìn dễ làm quan: "Nhâm biến vi vương"! "Hãy thử nhìn vào hàng ngũ các vị lãnh đạo các nước khác trên thế giới có được mấy người tuổi Nhâm Thìn?!" - ông Minh đặt câu hỏi.
Ông cho biết thêm, trong 60 tuổi từ Giáp Tý đến Quý Hợi, triết học phương Đông phân làm 18 nhóm tuổi (thập bát cục), trong đó có 2 nhóm đặc biệt (triết học phương Đông gọi là cung "sinh ly tử biệt" và "bệnh phù tuyệt mệnh"): Nếu sinh con vào năm đó thì bố mẹ hoặc chia ly xa cách, ít nhất là xung khắc còn nếu không là bỏ vợ, bỏ chồng, chết người. Trong đó có 9 tuổi "đặc biệt", thì tuổi Thìn chiếm tới 2: Canh Thìn và Nhâm Thìn. "Đã một thời gian rộ lên tin đồn sinh con trai năm Canh Thìn (năm 2000 là năm "rồng vàng") là tốt, ta hãy nhìn lại xem hơn 10 năm vừa qua, còn bao nhiêu cặp vợ chồng có con trai năm Canh Thìn đang thực sự hạnh phúc?".
Ông Minh cho hay, ông có gần 40 năm đọc và vận dụng khá kỹ triết học phương Đông và 20 năm làm công tác dự báo, tư vấn cho 12 vạn lượt người (trung bình mỗi năm khoảng 6.000 người). Với số lượng người thường xuyên đến tư vấn hằng năm và qua sự kiểm chứng những người sinh con trai năm Canh Thìn 2000 mà ông biết, thì số cặp vợ chồng khắc khẩu, chia ly, xa cách, con cái họ mồ côi cha hoặc mẹ chiếm tới 50%. Với tuổi Nhâm Thìn 1952, ông nói thêm, "trong số tất cả bạn bè của tôi ở tuổi này thì họ rất vất vả trong cuộc sống, đa số "thân lập thân", rất ít người thành đạt".
Con người là một thực thể của thiên nhiên, cũng giống như muôn loài, có sinh ra, trưởng thành rồi cũng sẽ mất đi. Khi trồng một cái cây, chúng ta cần xem các điều kiện: Nước - phân - cần - giống và thời vụ. Muốn sinh một người con cũng vậy, điều cơ bản là xem sức khỏe của bố mẹ ra sao, tố chất bẩm sinh như thế nào mới nói chuyện sinh con năm nào thì tốt hay xấu. Có thể có những bố mẹ sẽ có những đứa con Nhâm Thìn khỏe mạnh và thành đạt, nhưng không phải ai cũng sinh con vào năm đó là tốt cả. Ông Minh cho biết, trong số những người đến tư vấn, "Ai tôi cũng khuyên cần sinh đẻ cho đúng quy luật vượng - suy. Tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách sinh đẻ có kế hoạch và rất sợ những người nhắm mắt đẻ bừa".
Quy luật vượng - suy mà ông nhắc đến là chu kỳ sinh trưởng của con người "sinh - vượng - tử - tuyệt" (sinh ra, trưởng thành, thịnh vượng, suy tàn, bệnh tật và chết) mà triết học phương Đông đã đúc kết. Sinh con vào năm "vượng" của bố mẹ thì con khỏe mạnh, dễ nuôi, dễ thành (ví dụ thiên can Ất thì năm vượng là Dần, thiên can Giáp thì năm vượng là Mão,...) Ngược lại, sinh con vào năm "suy" sẽ có kết quả ngược lại. Nhiều người không theo quy luật đó khi gặp những bất trắc đều đổ "tại số". "Sinh đẻ có kế hoạch, không chỉ là đẻ ít con, đẻ thưa, mà còn phải xem mình sinh con như thế nào cho hợp lý nữa. Người ta cứ nhắm mắt để đẻ, chưa kể còn đẻ dày, đẻ bằng được con trai. Đẻ con trai mà bố mẹ bệnh tật, vợ chồng bỏ nhau thì đẻ làm gì", ông Minh nói.
Không có năm đẹp, xấu chung cho tất cả mọi người Để phân biệt vật dụng này với vật dụng kia, người ta đặt tên cho từng thứ: Bàn, ghế, giường, tủ, xe, cộ, cơm cháo, mưa gió… Đối với thời gian cũng vậy, để phân biệt năm tháng người ta cũng đặt tên cho nó. Người phương Tây thì dùng con số, người phương Đông thì lấy tên con vật để đặt tên cho từng năm. Vậy thì năm Nhâm Thìn cũng như các năm khác, cũng có đủ 4 mùa, cũng có đủ nắng mưa, có thể cũng có những biến cố thiên tai như bao nhiêu năm khác. Và người sinh ra vào năm Nhâm Thìn cũng giống như sinh ra vào các năm khác: Có người khỏe mạnh, có người hay đau ốm, có người thành đạt, gặp may mắn trong cuộc sống, cũng có người không may mắn, không thành đạt. Điều tôi muốn nói là không có năm đẹp và xấu chung cho tất cả mọi người mà tốt - xấu liên quan đến từng cá nhân cụ thể. Quan trọng nhất là những người ở thời kỳ sinh trưởng "suy" vẫn cố sinh con vào năm "tuyệt" của mình thì sẽ không có được đứa con như mong muốn. Vì Nhâm Thìn là 1 trong 9 tuổi "đặc biệt" với những "đặc thù" đã được chỉ rõ trong thập bát cục của triết học phương Đông thì năm 2012 là "sinh ly tử biệt", nên những cặp vợ chồng vốn đã khắc khẩu mà sinh con vào năm Nhâm Thìn thì sau đó rất khó ở với nhau, sự mâu thuẫn càng tăng cao, rất dễ dẫn đến đổ vỡ về tình cảm. Ông Nguyễn Bá Minh (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người) Đừng nghe “đồn” mà làm bừa Các ông bố, bà mẹ phát sốt lên đòi đẻ năm Rồng cho con mình có sừng, có móng, có vuốt, có râu để... dọa thiên hạ. Thiên hạ đúng là dễ dãi, cả tin mà không chịu suy xét. Phàm một lý luận thì dù mơ hồ cũng phải có tính hợp lý: Không thể lúc thì lấy vận khí, lúc lấy thiên can, lúc lấy địa chi để luận bừa được. Năm nào cũng có anh hùng, năm nào cũng có thằng khùng, thằng điên. Năm cọp, năm rồng gì cũng không thiếu gì kẻ "đầu trộm, đuôi cướp", bạn có thể kiểm tra danh sách những kẻ vi phạm pháp luật mà xem. Vậy cái lý của một sự phú quý, tài hoa nó ở chỗ nào? Theo Lý học thì tính quyết định thuộc về số phận của mỗi cá nhân vào những ngày giờ tháng năm sinh cụ thể. Mỗi cá nhân lại phụ thuộc vào điều kiện môi trường sống để quyết định định lượng của số phận. Nói nôm na là hai phần tử giống nhau - trong sự phân loại theo ngày giờ tháng năm sinh - nhưng ở hai tập hợp khác nhau sẽ khác. Bởi vậy, trong phương pháp luận tuổi Lạc Việt thì không phải gia đình nào cũng nên sinh con năm Thìn. Cho nên, theo tôi không phải cứ thấy thiên hạ "đồn rằng" là nhắm mắt sinh bừa. Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương) |
Nguồn: giadinh.net.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác