07/03/2017 10:00
Công tác tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
Xã Ea Tân có 2.387 hộ gia đình nhưng có hơn 60% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào. Trình độ dân trí thấp, quan niệm “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ”, “sinh con trai để nỗi dõi tông đường” còn tồn tại trong suy nghĩ của người dân. Mỗi cặp vợ chồng sau khi cưới nhau sinh 4 hoặc 5 người con là chuyện hết sức bình thường, thậm chí có những cặp sinh đến 7 hoặc 8 người con. Do đó, tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên của xã hàng năm đều trên 18%.
Anh Hoàng Văn Thêm và chị Ma Thị Xuyến người dân tộc Tày, ở thôn Ea Blông, xã Ea Tân cưới nhau năm 1995. Anh Thêm là con trai cả trong gia đình, theo quan niệm, anh phải có con trai để sau này nỗi dõi tông đường và thờ phụng tổ tiên. Áp lực sinh con trai đã gắn liền với cuộc sống vợ chồng anh Thêm từ lúc cưới nhau đến nay. Suốt 16 năm chung sống, 6 đứa con lần lượt ra đời, nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ vì cả 6 đều là con gái. Đến năm 2011, anh Thêm và chị Xuyến đã có đứa con thứ 7 - đó là cậu con trai, một quý tử của gia đình. Tuy nhiên, việc tiếp tục sinh thêm con vẫn còn cơ sở vì hiện tại, anh chị chưa áp dụng biện pháp tránh thai. Con cái của anh Thêm ngày một “giàu lên”, nhưng kinh tế thì ngày càng đi xuống.
Vợ chồng anh Thêm, chị Xuyến và những đứa con.
Hiện tại, thu nhập của gia đình anh Thêm là từ 2 héc ta cà phê. Đối với những gia đình chỉ sinh 2 con, chừng đó cà phê chắc chắn có của ăn, của để. Nhưng đối với gia đình anh Thêm thì không được như vậy. Nhà có 10 nhân khẩu (kể cả người mẹ già), nhưng lao động chính chỉ một mình anh Thêm. Còn chị Xuyến, do sinh đông và sinh dày nên suốt ngày bận bịu với việc chăm sóc con nhỏ, sức khỏe suy giảm nhanh chóng. Ngoài làm cà phê, anh Thêm còn phải đi làm thuê, làm mướn để tăng thu nhập, nhưng cuộc sống gia đình vẫn rất khó khăn. Việc chăm lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn đang trở thành thách thức lớn đối với vợ chồng anh Thêm.
Còn gia đình anh Ma Văn Khôi và chị Ma Thị Thuyên có phần may mắn hơn, bởi sinh con đầu lòng đã là một cậu con trai. Nhưng với suy nghĩ “nhiều con là nhiều của”, sinh đông con cho vui cửa, vui nhà, năm nay mới bước sang tuổi 34, anh chị cũng đã có với nhau 4 đứa con. Trong đó, 3 đứa con đang tuổi ăn học và một đứa mới 10 tháng tuổi.
Thu nhập chính của gia đình anh Khôi là từ 1,5 héc ta cà phê, do không có điều kiện đầu tư chăm sóc nên năng suất thấp. Cuộc sống vợ chồng anh trước đây vốn đã khó khăn, nay phải chăm lo cho các con ăn học nên cái nghèo, cái đói vẫn luẩn quẩn với gia đình anh.
Đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới cần được ưu tiên tại xã Ea Tân.
Quan niệm thích sinh đông con và phải có bằng được con trai đã làm gia tăng dân số và tăng tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã Ea Tân. Theo thống kê của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Krông Năng, trong 2 năm 2010 và 2011, xã Ea Tân đã có 54 trẻ em được sinh ra là con thứ 3 trở lên. Sinh đông con đã làm cho cuộc sống nhiều gia đình thiếu thốn, tác động tiêu cực đến phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Hiện nay, xã Ea Tân vẫn còn 130 hộ nghèo, chủ yếu tập trung ở những gia đình sinh đông con.
Để làm thay đổi quan niệm sinh con của người đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi công tác truyền thông phải thường xuyên và liên tục. Nội dung và hình thức phù hợp với phong tục tập quán của người dân. Trong đó, cần tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền chính sách “mỗi gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con”, tuyên truyền luật bình đẳng giới; gắn liền phong trào xây dựng gia đình văn hóa với thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ Cán bộ chuyên trách và Cộng tác viên dân số trong việc tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai...để mỗi cặp vợ chồng sau khi cưới nhau tự giác sinh con ít, đẻ con thưa, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc./.
Thúy Khuyền
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác